Những thí sinh bất thường được “quan tâm đặc biệt”
Sáng 3/5, thí sinh trên cả nước đến phòng thi nghe phổ biến quy chế và sửa chữa những sai sót trong Thẻ dự thi. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Bùi Văn Ga cho biết, các giám thị năm nay đặc biệt lưu ý tới những thí sinh có dấu hiệu bất thường, tránh thi hộ, thi kèm.
Tại ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Ngoại thương, Học viện Ngoại giao… để phòng chống gian lận công nghệ cao trong thi, nhà trường đã trình chiếu những thiết bị công nghệ cao đang bán trên thị trường như bút, kính gắn camera, tai nghe truyền tin... trong buổi tập huấn cán bộ coi thi.
GS.TS Phạm Quang Trung, Phó Hiệu trưởng - Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, thực tế có rất nhiều phương tiện công nghệ thông tin hiện đại mà người bình thường rất khó phát hiện. Nhưng khi cán bộ coi thi tập trung quan sát sẽ phát hiện ra thí sinh có biểu hiện gian lận.
Trao đổi với báo chí trước đợt thi thứ nhất kỳ tuyển sinh ĐH, cao đẳng năm nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh, Bộ yêu cầu các hội đồng thi phải có danh sách ảnh thí sinh để đối chiếu kiểm tra, khi thí sinh vào phòng thi giám thị 1, giám thị 2 phải có động tác đối chiếu ảnh với người thật và chứng minh thư. Trong trường hợp phát hiện ảnh không đúng người thật, có dấu hiệu chỉnh sửa, không bình thường thì giám thị phải báo hội đồng thi kịp thời để xử lý. Đối với trường hợp nghi thi kèm, khi phát hiện dấu hiệu không bình thường, giám thị có thể bố trí những thí sinh này ngồi cách xa nhau.
Ông Ga cũng cho biết, đối với những thí sinh thi kèm, thi hộ, cùng với những hành vi gian lận không chỉ ở kỳ tuyển sinh này, nếu trong quá trình học ĐH của thí sinh, thậm chí sinh viên tốt nghiệp đi làm mà sau này phát hiện ra thi kèm, thi hộ sẽ vẫn bị xử lý bình thường và thu hồi bằng.
Đối với trường hợp thí sinh chụp ảnh bài thi và phát ra ngoài, ông Ga cho biết, những hình thức vi phạm này có từ vài năm trước đó, Bộ GD-ĐT cũng đã nhắc các hội đồng thi, phổ biến cho giám thị biết những thiết bị công nghệ cao mà thí sinh có thể gian lận trong thi cử. Năm nay nhiều hội đồng thi đã photo hình ảnh những thiết bị đó để giám thị nhận diện. Những thiết bị nào giám thị không xác định được có thể báo cho điểm thi để nhờ xác minh. Giám thị phải quan sát những động thái không bình thường khác của thí sinh, báo cáo hội đồng thi hoặc quan sát kỹ hơn đối với những thí sinh này.
Thí sinh đăng kí 7 ngành… 1 trường
Tại Học viện Ngân hàng, một thí sinh ở Phú Yên đăng ký dự thi vào trường đã phải bỏ thi vì đơn vị nhận hồ sơ là phòng giáo dục địa phương đã cập nhật nhầm điểm thi dữ liệu trên máy tính. Khi xử lý dữ liệu hồ sơ thí sinh đăng ký dự thi năm nay, Học viện Ngân hàng gặp nhiều trường hợp sai sót về nơi đăng ký dự thi.
Nhiều thí sinh thuộc các tỉnh có thể đăng ký thi tại cụm thi gần nhà, song thông tin trên đĩa dữ liệu mà các sở GD-ĐT chuyển về lại không hiển thị. Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, nhà trường vẫn bố trí cho các em dự thi tại các điểm thi Hà Nội. Tuy nhiên, thí sinh này đã tự nguyện hủy không dự thi vào Học viện Ngân hàng năm nay.
Đặc biệt, năm nay ở ĐH Kinh tế quốc dân, để tránh thí sinh ảo, nhà trường đã rà soát và loại bỏ 1.282 hồ sơ ảo, bởi trùng lặp tên tuổi, ngày tháng năm sinh, trường học… Đây là những thí sinh quá “yêu trường”, bởi một em đăng ký nhiều hồ sơ vào nhiều ngành khác nhau của trường. Thậm chí, có thí sinh đăng ký tới 7 bộ hồ sơ. Trong ngày làm thủ tục dự thi, nhà trường cho phép thí sinh chốt lại ngành thi trong nhiều ngành đã đăng ký.
Tuyển sinh 2014, Trường ĐH Kinh tế quốc dân có tổng số 17.598 hồ sơ đăng ký dự thi. Ngoài các địa điểm thi tại Hà Nội, đối với cụm thi tại Hải Phòng, Vinh, Quy Nhơn, nhà trường đã bố trí 3 điểm thi với 57 phòng thi. Trường đã điều động hơn 1.100 cán bộ, viên chức và sinh viên, đảm bảo mỗi phòng thi có ít nhất một giám thị là cán bộ coi thi.