Xử phạt người đi bộ vi phạm giao thông: Cần có “thuốc” đặc trị

(PLO) -Việc xử lý người đi bộ vi phạm Luật Giao thông đã có từ lâu, tuy nhiên trên thực tế tại nhiều tuyến đường thuộc khu vực Hà Nội, không ít người vẫn thản nhiên, bất chấp quy tắc giao thông. Hệ lụy là, nhiều trường hợp ngang nhiên đi lên đường cao tốc, băng qua đường gây va chạm, tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông...    
Ảnh minh họa

Thực tế này đòi hỏi cần phải có phương án xử lý mạnh tay và hiệu quả hơn với những vi phạm.

Nhan nhản vi phạm

Cần phải khẳng định, thực trạng người đi bộ qua đường tùy tiện, bất chấp quy tắc giao thông diễn ra tràn lan trên hầu khắp các tuyến đường của Hà Nội. Theo khảo sát, tại các tuyến đường tập trung nhiều bệnh viện, trường học như: Giải Phóng, Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng, Tây Sơn, Nguyễn Trãi… vi phạm diễn ra phổ biến hơn cả. 

Nhiều nút giao thông như Nguyễn Trãi, Lê Thanh Nghị, Trần Đại Nghĩa… người đi bộ vi phạm trên địa bàn lại chủ yếu là đối tượng sinh viên. Đáng nói, ở những khu vực trên đều đã lắp đặt cầu vượt bộ hành dành riêng cho người đi bộ thuận tiện sang đường nhưng nhiều người vẫn thiếu ý thức, đi bộ thành hàng dưới lòng đường, gây cản trở các phương tiện lưu thông. 

Tương tự, tại đường Phạm Hùng, đoạn đối diện bến xe Mỹ Đình mặc dù có hầm đi bộ nhưng phần lớn người đi bộ vẫn chọn cách… băng trực tiếp qua đường. Bản thân người viết cũng từng chứng kiến không ít cảnh người đi bộ bất chấp luật lệ để sang đường. Dễ thấy nhất là một số xe khách thường xuyên trả người xuống địa chỉ số 1 Phạm Hùng. Những lức như vậy, gần chục người vô tư sang đường, bất chấp dòng ô tô đang đi với tốc độ cao từ trên đường vành đai 3 xuống. Thậm chí, nhiều người còn trèo qua dải phân cách cao hàng mét để sang đường, dù cách đó chưa đầy 100m có hầm đi bộ. 

Khách quan nhìn nhận, đã từng có không ít vụ va chạm, tai nạn xuất phát từ sự thiếu ý thức của người đi bộ. Chẳng hạn, sáng ngày 24/10, 3 người phụ nữ đang đi bộ tập thể dục trên khu vực đường Võ Nguyên Giáp (Hà Nội) thì bất ngờ bị một xe ô tô đâm trúng. Hậu quả, 2 người tử vong tại chỗ, 1 người bị thương rất nặng. 

Cách đó ít năm, khoảng tháng 4/2014, trên đường Hồng Bàng quận 6, TP Hồ Chí Minh, một phụ nữ đi bộ qua đường không đúng nơi quy định đã xảy ra va chạm với một nam thanh niên đang điều khiển xe mô tô biển số 52X5-2696 lưu thông theo hướng từ vòng xoay Phú Lâm đi cây Gõ. Vụ va chạm làm người phụ nữ bị ngã xuống đường. Xe ô tô mang biển số 51B-033.37 lưu thông cùng chiều với xe mô tô bất ngờ, không tránh kịp nên đã cán qua. Hậu quả, nạn nhân tử vong tại chỗ, vụ tai nạn xảy ra khiến cho giao thông trên tuyến đường Hồng Bàng và các tuyến đường lân cân cận bị ùn tắc nghiêm trọng. 

Khách quan nhìn nhận, đã từng có phiên tòa xét xử người đi bộ vi phạm Luật Giao thông, gây hậu quả nghiêm trọng diễn ra. Cụ thể, khoảng cuối tháng 11/2009, Tòa án nhân dân huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Dương (SN 1990, trú tại thôn Đồng Chung, xã Việt Hưng, huyện Văn Lâm) mức án 9 tháng tù (cho hưởng án treo) và 18 tháng thử thách vì đã có hành vi cản trở giao thông đường bộ (quy định tại điểm h, khoản 1 điều 203 BLHS).

Cần mạnh tay xử lý

Trên thực tế, việc xử lý người đi bộ vi phạm đã được quy định khá rõ trong nhiều văn bản luật như: Luật Giao thông đường bộ; Nghị định 171 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt… Luật Giao thông đường bộ quy định, nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ qua đường thì người đi bộ phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn và qua đường đúng các vị trí đó. Không đi đúng phần đường quy định; không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người tham gia giao thông sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền… Rõ ràng, quy định xử lý liên quan đã có, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, do đa số người đi bộ sai quy định vẫn ít bị xử lý nên dẫn đến hiện tượng “nhờn luật”. 

Chia sẻ về những khó khăn liên quan đến công tác xử lý người đi bộ vi phạm, theo Đại úy Trần Quang Chinh - Đội phó Đội CSGT số 6 phụ trách địa bàn quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm lỗi vi phạm này thường bị xử lý ít bởi trong thực tế, nhiều trường hợp người đi bộ không mang tiền theo người nên khó xử phạt, đối tượng là học sinh chỉ nhắc nhở. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng phải tập trung vào các hành vi nguy hiểm hơn. 

“Xử lý người đi bộ vi phạm gặp những khó khăn nhất định. Chẳng hạn, mức phạt hiện nay rất thấp. Về cơ bản chúng tôi xử lý các trường hợp đi lên đường cao tốc và nhắc nhở đối với một số trường hợp đi vào nơi không dành cho người đi bộ qua đường. Chủ yếu hiện tại vẫn là nhắc nhở để người dân nâng cao ý thức” - Đại úy Trần Quang Chinh chia sẻ. 

Rõ ràng, Hà Nội đã đầu tư hàng loạt cầu đi bộ, hầm đi bộ nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Và việc người đi bộ vẫn mang ý nghĩ mình là nhóm đối tượng ưu tiên, không bị xử phạt nên tiện đâu đi đấy mà không cần tuân thủ quy định… sẽ rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Bởi vậy, bên cạnh công tác tuyên truyền, thời gian tới các ban ngành chức năng cần mạnh tay trong công tác xử lý, răn đe. Chỉ có mạnh tay xử lý, công tác duy trì, thay đổi dần nhận thức cho người đi bộ khi tham gia giao thông mới dần đi vào khuôn khổ. 

Theo quy định mới của Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260) không còn bó hẹp trong phạm vi những người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà còn được mở rộng ra về người nào tham gia giao thông đường bộ. Theo đó, nếu người đi bộ băng qua đường (là nguyên nhân chính) dẫn đến tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng theo khoản 3 Điều 260 của Bộ luật Hình sự mới nhất năm 2015 thì cũng đối diện với nguy cơ bị phạt tù ở khung cao nhất là 15 năm tù giam.

Đọc thêm