Chiêm bái Khu di tích lịch sử Quốc gia có huyệt đạo linh thiêng bậc nhất nước Việt

(PLVN) - Một ngày đầu xuân, chúng tôi có chuyến về nguồn tại Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Núi Nưa – Am Tiên của tỉnh Thanh Hóa, nơi có đỉnh núi được mệnh danh là nơi mở cửa trời, cũng là một trong ba huyệt đạo linh thiêng bậc nhất nước Việt...
Chiêm bái Khu di tích lịch sử Quốc gia có huyệt đạo linh thiêng bậc nhất nước Việt

Nằm trên đỉnh Núi Nưa ở làng Cổ Định, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Khu di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên bao gồm quần thể di tích "Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên", với tổng diện tích 100 ha, gắn với sự tích cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu chống giặc Ngô từ thế kỷ thứ 3. 

Theo sử sách, năm 248, Triệu Thị Trinh (tức Bà Triệu) cùng người anh trai Triệu Quốc Đạt đã tập hợp nghĩa sĩ, chọn núi Nưa làm căn cứ để luyện tập võ nghệ, dấy binh khởi nghĩa, đánh đuổi quân Đông Ngô xâm lược.

Quần thể Khu di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên rộng gần 100 hecta.
Quần thể Khu di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên rộng gần 100 hecta. 

Cuộc khởi nghĩa sau đó tuy đã thất bại, nữ tướng phải tuẫn tiết ở núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) nhưng câu nói của bà: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người ta” vẫn được lưu truyền, vang vọng là minh chứng cho sự nghiệp anh hùng bất tử của Bà Triệu sẽ sống mãi và là niềm tự hào của cả dân tộc.

Cổng vào Di tích Đền Nưa - Am Tiên.
Cổng vào Di tích Đền Nưa - Am Tiên.  

Quần thể di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên nổi tiếng không chỉ bởi đây là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước mà còn là huyệt đạo linh thiêng bậc nhất Việt Nam. Được biết, Việt Nam có 3 huyệt đạo thiêng gồm núi Đá Chông (huyện Ba Vì, Hà Nội), núi Bà Đen (xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) và núi Nưa (xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa). 

Đền Am Tiên.
Đền Am Tiên.  

Huyệt đạo linh thiêng nằm trên đỉnh ngàn Nưa, theo cách gọi của các nhà phong thủy thì nơi đây là điểm hội tụ giao thoa của khí đất và trời (còn gọi là nơi mở cửa trời). “Điểm” huyệt thiêng được khoanh vùng rộng chừng ba chục mét vuông, trên có ban thờ Am Tiên đặt lộ thiên, trong không gian thanh sạch chỉ nghe mùi trầm hương ngào ngạt trong tiếng chuông gió du dương, thánh thót.  

Chính điện đền Am Tiên.
Chính điện đền Am Tiên.  

Nơi đây trời đất giao hòa, tương truyền đứng ở nơi đây nếu đủ duyên ta có thể cảm nhận được sự chuyển động của vũ trụ. Có một con đường thiền định vòng quanh huyệt đạo, nếu du khách đi bộ vòng quanh con đường này 9 vòng, sau đó dừng lại nắm tay, nhắm mắt lại, thả lỏng cơ thể sẽ thấy tâm hồn như đang bay bổng, mở mắt ra sẽ thấy dải hào quang bảy sắc cầu vồng. Ấy là lúc ta đã được tiếp thêm linh khí của đất trời, thêm sức khỏe và may mắn. 

Tượng Phật bà trong khuôn viên khu di tích.
Tượng Phật bà trong khuôn viên khu di tích.  

Trên đỉnh ngàn Nưa, ngoài đền Nưa - Am Tiên là nơi thờ Thánh Mẫu, thờ Phật…còn có nhiều địa điểm kỳ bí như bàn cờ tiên nơi các tiên ông chơi cờ ngắm cảnh, rồi vườn đào tiên, vườn thuốc tiên cứu người, rừng cây cổ thụ ngàn năm tuổi tương truyền xưa kia gốc cây này là nơi Bà Triệu và các tướng lĩnh cột voi...

Am Tiên trên đỉnh núi Nưa.
Am Tiên trên đỉnh núi Nưa.  

Đặc biệt, tại Khu di tích Am Tiên hiện vẫn còn Giếng Tiên – giếng cổ ngàn năm tuổi trên đỉnh núi cao gần 600m nhưng nước giếng quanh năm luôn đầy ắp và trong vắt. Tương truyền, giếng này chỉ dành riêng cho Bà Triệu lấy nước rửa mặt mỗi khi xuất trận.

Theo quan sát, dấu tích giếng cổ đã được tôn tạo lại với thành xây bằng đá ong cao chừng 1m, đường kính chừng 2,5m, cạnh giếng là Lầu Cô, Lầu Cậu.

Người dân, du khách tới Khu di tích, khi chiêm bái Giếng Tiên thường xin một ít nước giếng mang về lấy khước với mong muốn gặp được nhiều may mắn, bình an.

Dấu tích Giếng Tiên.
Dấu tích Giếng Tiên.  
Lầu Cô, Lầu Cậu bên cạnh Giếng Tiên.
Lầu Cô, Lầu Cậu bên cạnh Giếng Tiên.  

Gần 18 thế kỷ đã trôi qua kể từ khi diễn ra cuộc khởi nghĩa oai hùng lẫm liệt của Bà Triệu và nghĩa quân, hiện nay xung quanh vùng Núi Nưa vẫn còn rất nhiều địa điểm, địa danh gắn với cuộc khởi nghĩa Bà Triệu như: Gò đống Thóc (nơi để kho lúa của nghĩa quân); Đồng Kỵ (nơi nuôi ngựa chiến của nghĩa quân); Bùng Voi Đằm (nơi tắm cho voi của Bà Triệu), Bùng Cổ Ngựa (nơi cho ngựa của Bà Triệu tắm và uống nước)…

Một ngày đầu xuân, chúng tôi may mắn được chiêm bái Khu di tích Núi Nưa – Am Tiên, đứng trên đỉnh núi được mệnh danh là nơi mở cửa trời, hít căng lồng ngực không khí thanh sạch nơi đây, tiếp thêm cho mình năng lượng mới để thêm yêu Tổ quốc, thêm tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc và tự nhủ mình phải biết sống có trách nhiệm hơn... 

Đọc thêm