Giải mã những bí mật xung quanh Hoàng đế Đinh Tiên Hoàng - Kỳ 2: Cái chết bí ẩn của Vua Đinh

(PLVN) - Xung quanh cái chết đầy bí ẩn của hai cha con Vua Đinh, chính sử và truyện truyền miệng đều có những lý giải cực kỳ đơn giản. Nhưng đến nay, hầu hết các nhà nghiên cứu đều khẳng định “không thể có một cái chết đơn giản thế đối với một vị vua văn võ toàn tài”. Vậy Vua Đinh vì sao bị sát hại? 
Giải mã những bí mật xung quanh Hoàng đế Đinh Tiên Hoàng - Kỳ 2: Cái chết bí ẩn của Vua Đinh

Vua Đinh bị hoạn quan âm mưu sát hại?

Chính sử chép rằng, “Đỗ Thích đêm nằm trên cầu, bỗng thấy sao sa, rơi vào miệng, cho là điềm tốt, bèn nảy ra ý định giết vua” và thi hành kế hoạch ngay sau đó khi “Thấy nhà vua dùng yến tiệc vừa xong, say rượu nằm ngủ ngay giữa sân cung đình, Đỗ Thích bèn lẻn vào giết chết Nhà vua, lại giết luôn cả Nam Việt Vương Đinh Liễn.

Bấy giờ, lệnh lùng bắt thủ phạm rất gấp, Đỗ Thích phải trèo lên nằm trong máng nước ở trong cung suốt ba ngày liền, đói khát lắm. Thế rồi trời đổ mưa, Đỗ Thích thò tay hứng nước mà uống, cung nữ nhìn thấy nên đi báo. Định Quốc Công là Nguyễn Bặc sai người bắt xuống và đem đi chém đầu”. 

Nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Nguyễn Văn Son nêu ra những ý kiến xung quanh cái chết đầy bí ẩn của Vua Đinh Tiên Hoàng
Nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Nguyễn Văn Son nêu ra những ý kiến xung quanh cái chết đầy bí ẩn của Vua Đinh Tiên Hoàng 

Cho đến bây giờ, những lý giải về cái chết đầy bí ẩn của Đinh Tiên Hoàng vẫn chưa được hậu thế đồng tình. Trong cuốn Cội nguồn (tập 2), Tiến sĩ Đinh Công Vĩ viết: “Gia phả họ Đỗ ở Đại Đê, Vụ Bản, Nam Định và sự tích đền Gạo ở xã Thanh Bình huyện Thanh Liêm, Hà Nam đều nói tới việc Đỗ Thích có công cõng Đinh Bộ Lĩnh chạy trốn khi ông bị Nam Tấn Vương truy đuổi.

Còn lời truyền ngôn của người dân trong vùng quê vua Đinh kể rằng: Đỗ Thích là cận vệ gần gũi của vua, đến với vua thì thấy vua đã bị giết. Thích giật mình hoảng hốt, đang định kêu lên thì quân mai phục đổ ra. Thích sợ quá treo lên máng nước trong cung trốn, sau đó thì bị phát hiện, bị bắt, rồi bị giết”. 

Dựa trên những cứ liệu này, TS Vĩ khẳng định, đã có những kẻ chủ mưu trong việc giết cả hai cha con vua Đinh. Họ đặt Đỗ Thích vào bẫy, để biến ông thành vật hy sinh, thành kẻ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử thay cho họ. Cùng lý giải như ông Vĩ, ông Nguyễn Văn Son đặt câu hỏi: “Làm sao có thể tin được hành động giết cả hai cha con nhà vua của Đỗ Thích chỉ từ nguyên nhân mơ có điềm tốt nên giết vua? 

Đền thờ Đinh Tiên Hoàng tại Ninh Bình
Đền thờ Đinh Tiên Hoàng tại Ninh Bình 

Một số nhà nghiên cứu hiện nay cũng cho rằng, Đỗ Thích không thể làm chuyện này. Bởi Thích chỉ là một viên hoạn quan, chức nhỏ, sức mọn, không hề có uy tín hay vây cánh. So với Thích, trong triều có các bạn của vua Đinh như Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lưu Cơ... đều nắm trọng quyền, đủ cả văn lẫn võ.

Vì vậy Thích không thể mơ tưởng việc sẽ khuất phục được các đại thần nhà Đinh để ngồi yên trên ngai vàng.Vả lại cung cấm là chốn trọng địa ,Vua Đinh và con trai đã chinh chiến nhiều năm , vỏ nghệ đầy mình, dù Vua Đinh và con trai say rượu , Đổ Thích cũng khó lòng hành thích được.

Tác giả Lê Văn Siêu trong sách "Việt Nam văn minh sử" nêu ra một giả thiết khác: Đỗ Thích là "gian tế" của nhà Tống, giết cha con vua Đinh để làm rối triều đình và cho nhà Tống thừa cơ mang quân sang đánh chiếm. Vì Trung Hoa là nước lớn nên phía Đại Cồ Việt dù có biết, cũng không dám "làm to chuyện" gian tế đó, chỉ dồn sức đánh trả sau này. 

Tất cả những giả thiết này đều thể hiện một ý chung nhất, rằng, cái chết của hai cha con Đinh Tiên Hoàng đều không thể đơn giản như những gì Đại Việt Sử Ký toàn thư đã viết. 

Hay do Vua đã nhận ra âm mưu thâm độc của nhà Tống?

Sử sách có ghi, năm 972, 4 năm sau khi lên ngôi Hoàng đế, Đinh Bộ Lĩnh đã cử Nam Việt Vương Đinh Liễn đi sứ nhà Tống. Năm ấy, nhà Tống phong cho Đinh Tiên Hoàng làm Giao Chỉ Quận vương, còn Nam Việt Vương Liễn thì được nhà Tống phong làm Kiểm hiệu Thái sư, Tĩnh hải quân Tiết độ sứ, An Nam đô hộ.

Đến năm 975, nhà Tống lại sai sứ sang gia phong cho Đinh Liễn làm Khai phủ nghi đồng Tam ti, Kiểm hiệu Thái sư, Giao Chỉ quận vương. Động tác này của nhà Tống chứng tỏ nhà Tống đã… qua mặt Đinh Tiên Hoàng, chỉ “làm việc bang giao với Đinh Liễn”. 

Ông Nguyễn Văn Son, Hội viên Hội di sản văn hóa Việt Nam - một người con ở đất cố đô Hoa Lư, sau khi đã nghiên cứu qua rất nhiều tài liệu sử sách ghi lại, đã khái lược như sau: Sau khi lên ngôi, Vua Đinh rất để ý đến chuyện bang giao hữu hảo với triều đại phong kiến phương Bắc khi quyết định cử con trai cả đi sứ nhà Tống, một chuyến đi lành ít dữ nhiều. 

Nhưng không ngờ nhà Tống lại đón Đinh Liễn bằng nghi thức thiên tử “tam nhật tiểu yến, thất nhật đại yến” (có nghĩa là ba ngày tiệc nhỏ, bảy ngày tiệc lớn). Trong các bữa tiệc, tất cả các đấng quân vương quần thần đều phải đến chào hỏi, khi về còn sai người tiễn Đinh Liễn đến tận biên giới cùng với lụa là châu báu.

Sau đấy, sứ thần nhà Tống sang giao hảo nhưng không tiếp chuyện với Đinh Tiên Hoàng, coi hoàng đế nước Nam khi ấy đã là Thái Thượng Hoàng, chỉ tiếp chuyện Đinh Liễn. 

Với những mắt xích này, ông Son cho rằng, nhà Tống đang có một âm mưu “trọng dụng, nể mặt” Đinh Liễn, để chỉ chờ khi Đinh Tiên Hoàng khuất núi, rất có thể, đất nước Đại Cồ Việt non trẻ, mới tuyên bố độc lập tự chủ được vài năm lại rơi vào ách đô hộ của phong kiến phương Bắc như trước đây. Đó là lý do chính khiến Vua Đinh quyết định phế truất ngôi vị Thái Tử của Đinh Liễn, lập Đinh Hạng La, khi ấy mới là đứa trẻ làm thái tử. 

Xung quanh chuyện Đinh Tiên Hoàng phế trưởng, lập út, Nguyễn Khắc Thuần đã viết trong Việt sử giai thoại: “Tiếc thay, Đinh Tiên Hoàng, người dày dạn kinh nghiệm trận mạc, đủ để được hào kiệt đương thời tôn làm Vạn Thắng Vương, nhưng lại chưa đủ bản lĩnh và sâu sắc để quyết đoán đúng đắn những vấn đề ngỡ như rất bình thường của chính sự”. 

Ngô Sĩ Liên viết trong Đại Việt sử ký toàn thư: "Nam Việt Vương Đinh Liễn là con trưởng, từng có công lao, chưa thấy có lỗi. Đinh Tiên Hoàng vì yêu con thứ mà quên con trưởng, tưởng thế là thỏa tình yêu quý, nào có biết đâu như thế là làm hại con.

Nếu không như vậy thì tội đại ác của Đỗ Thích vì đâu mà có, đúng như lời sấm truyền?" Cuốn Ngọn cờ lau lịch sử còn lý giải đơn giản hơn: “Do Đinh Liễn phản đối vua cha đặt cũi hổ và vạc dầu để trừng phạt kẻ phản nghịch nên Đinh Tiên Hoàng nóng tính, bực mình, không cho Liễn làm thái tử nữa”. 

Ông Son giải thiết “Có thể việc phế Đinh Liễn chính là nguyên nhân khiến hai cha con Đinh Tiên Hoàng bị giết chết đầy bí ẩn. Vì nhà Tống đã lập mưu mua chuộc con bài Đinh Liễn, để sau này, dễ bề thôn tính và cai quản Đại Cồ Việt. Nhận ra âm mưu thâm độc của nhà Tống, Vua Đinh dù rất đau lòng nhưng cũng phải làm một việc chẳng đặng đừng”.

Ông Son trầm ngâm: “Với một con người Trung, Hiếu, Dũng, Chí, Tín như Đinh Tiên Hoàng, phải phế đứa con đã cùng ông vào sinh ra tử, đã cùng ông dẹp loạn 12 sứ quân, đã phải đi làm con tin từ thưở mới 6 tuổi, ông đau lòng lắm chứ.

Nhưng Hoàng đế nghĩ đến việc lớn hơn, nghĩ đến nền độc lập tự chủ của đất nước có thể lại rơi vào tay giặc nên buộc phải phế con trai trưởng, để thể hiện sự bất hợp tác với nhà Tống”. 

(Mời các bạn đón đọc Kỳ 3: Lăng mộ Đinh Tiên Hoàng ở đâu?) 

Đọc thêm