Xuân ở vùng cao

(PLVN) - Ở nơi miền biên Cao Bằng, thời điểm đầu năm là lúc người dân thể hiện sự giao du rộng rãi, tình cảm và sự sẻ chia với nhau thông qua những phong tục truyền thống đẹp. Yêu thương nối tiếp yêu thương, mỗi mùa xuân qua, nơi vùng cao này đều chứng kiến sự thay đổi, khởi sắc của cuộc sống người dân. 
Cao Bằng có nhiều văn hóa đặc sắc.

Giữ gìn tục xưa

Là chiếc nôi văn hóa của khu vực phía Bắc, lại thêm sự đa dạng của các dân tộc sinh sống, vì vậy văn hóa lễ Tết ở Cao Bằng rất đa dạng. Sự kết thân chân thành và tình cảm quý mến giữa các dân tộc đã trở thành nét văn hóa truyền thống mang màu sắc riêng của vùng cao. 

Dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng nổi tiếng với tục đón bạn và giã bạn những ngày đầu năm. Trước kia, người Tày, Nùng ở Cao Bằng sống trong từng bản làng lẻ loi, heo hút giữa khung cảnh thiên nhiên bao la, hùng vỹ nên họ luôn đề cao sức mạnh cộng đồng để sống dựa vào nhau, cùng bảo vệ lẫn nhau, cùng chung sức, đồng lòng đấu tranh với các thế lực siêu nhiên. Họ thường xuyên giữ mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm và mong muốn có thêm bạn bè để học hỏi lẫn nhau, họ kết thân với người xung quanh để giúp nhau trong cuộc sống. 

Luôn coi con người là vốn quý nên trong các phong tục, tập quán và nghi lễ, người Tày, Nùng bao giờ cũng tiến hành khi mời đông đủ anh em, họ hàng, làng xóm đến cùng chia sẻ, chung vui. Đặc biệt vào dịp Tết đến, xuân về là mùa của lễ hội càng mang nhiều ý nghĩa hơn bởi đây không chỉ là thời gian bà con nghỉ ngơi, vui chơi, cầu mong một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt mà còn là dịp mời bạn đến làng mình tham gia lễ hội, thăm hỏi gia đình và sinh hoạt ca hát. Nhiều xóm, làng gần nhau sẽ bố trí tổ chức hội xuân so le để nhiều người bạn và người ở làng lân cận có thể lần lượt đi dự hội xuân đầu năm mới. Các làng, gia đình kết bạn với nhau sẽ coi nhau như anh em, cùng nhau đùm bọc, sẻ chia buồn, vui trong cuộc sống, lao động hằng ngày.

Điều đẹp nhất của văn hóa đón bạn và giã bạn của người Tày, Nùng trong hội xuân chính là sự tinh tế, ý nhị trong cách ứng xử, trong tâm tư, sự mến khách, chân thành. Ngay khoảnh khắc gặp mặt, người Tày, Nùng thường mượn những hình ảnh đẹp để thay lời mời chân thành và bày tỏ sự hiếu khách. 

Còn với người Lô Lô tại Khuổi Khon, truyền thống lấy nước đầu năm đã trở thành phong tục đẹp truyền nối qua bao thế hệ. Trong ngày đầu tiên của năm mới, thành viên trong gia đình sẽ thắp hương, khấn vái tổ tiên rồi để một nén hương trước cửa. Sau đó, họ gánh xô ra con suối gần đó lấy nước. Trên đường đi về, họ không được đặt xô nước xuống, không được chào hỏi ai vì sẽ khiến hồn nước sợ. Nước suối đó để rửa mặt, rửa tay, chân và đun nước uống. Người Lô Lô quan niệm rằng điều đó giúp họ tỉnh táo, mạnh khỏe, trẻ con thông minh hơn. Phần nước còn lại đem cho vật nuôi uống để béo, khỏe hơn. Đặc biệt, sớm năm mới, người Lô Lô sẽ gọi vật nuôi thức dậy, họ coi chúng như người bạn, giúp họ công việc đồng áng hằng ngày.

Anh Na Văn Chương – Công an viên tại Khuổi Khon chia sẻ: “Cha truyền con nối, ngàn đời nay vẫn duy trì nếp văn hóa mà cha ông để lại. Đó là bản sắc dân tộc riêng của người Lô Lô cần được giữ gìn và phát huy”.

Cũng như các dân tộc khác, với người Dao ở Cao Bằng, Tết Nguyên đán là Tết lớn trong năm và có ý nghĩa quan trọng. Đây không chỉ là dịp báo công ơn tổ tiên sau một năm mà còn là dịp gắn kết tình đoàn kết anh em, họ hàng, làng xóm láng giềng. Người con xa quê dù ở nơi đâu, cứ đến Tết là lại cùng nhau trở về với gia đình sum họp, chúc tụng nhau một năm mới làm ăn thuận lợi hơn. Dẫu rằng cuộc sống còn nhiều khó khăn, song những ngày Tết đến, Xuân về, bà con đều gác lại mọi bộn bề, lo toan, họ vui chơi thoải mái để chuẩn bị cho một năm lao động sản xuất mới.

Phong tục tập quán đón Tết của người dân tộc ở Cao Bằng rất thú vị, đặc sắc với ý nghĩa cầu mong một năm mới dồi dào sức khỏe, mùa màng bội thu, gia đình hạnh phúc, ấm no. 

Lan tỏa lộc xuân

Không chỉ gìn giữ những phong tục đẹp, các hoạt động kinh tế - xã hội ý nghĩa những ngày đầu năm cũng khiến cho mùa xuân trên quê hương này ngày càng khởi sắc. Điển hình là hoạt động xây nhà thiện nguyện hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số. Xuân mới này, vợ chồng anh Nông Văn Lập (35 tuổi, ở xã Kim Loan, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng) được Trung ương Đoàn, các nhà hảo tâm vận động quyên góp, hỗ trợ tiền để khởi công xây dựng một căn nhà mới khang trang, sạch đẹp hơn chiếc lán tạm hiện nay. 

Có bốn ngôi nhà nhân ái vừa đồng loạt được khởi công tại các xã miền núi thuộc tỉnh Cao Bằng như thế. Ở xã Vũ Minh (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), chị Lý Mùi Nhựt vui mừng khi xuân này vợ chồng chị được hỗ trợ tiền dựng nhà mới. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống càng khó khăn hơn khi năm ngoái chồng chị bị tai nạn lao động bị liệt nửa người, phải cắt bỏ một chân. Có bao tiền trong nhà đem đi chữa trị hết cho chồng, đến con trâu trong nhà cũng bán nốt, người phụ nữ ấy phải thay chồng gánh vác mọi chuyện trong nhà. 

“Từ lâu vợ chồng luôn mơ ước có được ngôi nhà kiên cố tường gạch, mái tôn, không ngờ chồng gặp tai nạn. Nay được tổ chức Đoàn hỗ trợ xây nhà là nguồn động viên to lớn để gia đình chúng tôi có ngôi nhà mới, vượt qua khó khăn trong cuộc sống”, chị Nhựt bộc bạch.

Cùng với đó, hai ngôi nhà nhân ái khác ở huyện Bảo Lạc và thành phố Cao Bằng cũng được dựng lên giúp thanh niên dân tộc khó khăn sớm ổn định cuộc sống. Niềm vui hiện rõ trên gương mặt những người dân chất phác khi sắp sửa được ở trong ngôi nhà mới khang trang, sạch đẹp, mong muốn được “an cư, lạc nghiệp”.

Trong hai ngày 20 và 21/2, Trung ương Đoàn đồng loạt khởi công 4 ngôi nhà nhân ái, 1 ngôi nhà “Khăn quàng đỏ”, 1 nhà văn hóa cộng đồng cho đồng bào dân tộc Lô Lô, 1 công trình xây dựng nhà vệ sinh sử dụng vật liệu chai nhựa cho đồng bào các dân tộc ở tỉnh Cao Bằng. Chuỗi hoạt động trên khởi đầu cho Tháng Thanh niên năm 2021 và Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, hướng đến kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2021). Đây có thể xem là hoạt động xã hội nổi bật đầu năm mới tại đây. 

Anh Bùi Quang Huy, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn cho biết, năm nay trong bối cảnh dịch Covid-19, Trung ương Đoàn không tổ chức lễ phát động Tháng Thanh niên như mọi năm, thay vào đó thay đổi phương thức hoạt động, tập trung triển khai vào các công trình, phần việc giúp đỡ đoàn viên, thanh, thiếu niên, các hoạt động vì cộng đồng. “Để đảm bảo yêu cầu chống dịch, nhiều hoạt động phải thay đổi phương thức, chúng tôi không thực hiện những hoạt động tụ tập đông người, thay vào đó chia “môđun” hoạt động, công trình, phần việc thanh niên, thay vì làm đồng loạt trong một ngày thì triển khai thời gian khác nhau”, anh Huy chia sẻ.

Không chỉ hướng về hoạt động thiện nguyện, công tác bảo tồn, gìn giữ và đưa sản phẩm làng nghề truyền thống đi xa cũng là khát vọng năm mới của người dân nơi đây. Trong nhiều làng nghề đó, hồn nghề mây tre đan truyền thống hàng trăm năm của Cao Bằng đã sống lại qua sự tìm tòi, sáng tạo mới mẻ của các nghệ nhân. Ngày nay, mây tre đan Cao Bằng đã có thương hiệu riêng, khẳng định được giá trị trên thị trường trong nước và quốc tế. 

Trong khi đó, làng nghề rèn truyền thống ở Phúc Sen có trên 100 hộ đang duy trì, nhiều hộ đã tiến hành đưa máy móc vào sản xuất. Với mong muốn đưa thương hiệu làng rèn truyền thống Cao Bằng vươn xa, các nghệ nhân địa phương đã đưa sản phẩm đến giới thiệu, quảng bá tại nhiều hội chợ triển lãm, phiên chợ hàng Việt tại các tỉnh, thành trong cả nước. 

Năm mới, những thế hệ nghệ nhân ở Cao Bằng ngày nay đều kỳ vọng về một tương lai của làng nghề ngày một phát triển hơn. Xuân về trên rẻo cao, mang bao ước vọng, khát khao của người dân về một cuộc sống bình dị, an yên. 

Đọc thêm