Chợ Tết vùng cao

(PLVN) - Những ngày Tết đến Xuân về, khi những cành đào rừng đua nhau khoe sắc giữa miền núi non, những cành mận bung nở hoa trắng trên lưng chừng đồi, cũng là lúc mọi người gác lại công việc làm ăn, nô nức xuống núi đi chợ sắm Tết. Những phiên chợ vùng cao ngày cuối năm trên địa bàn tỉnh Cao Bằng của đồng bào dân tộc thiểu số rực rỡ sắc màu với những nét riêng, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Chợ Tết là dịp mọi người gặp gỡ, trò chuyện.
Chợ Tết là dịp mọi người gặp gỡ, trò chuyện.

Độc đáo chợ phiên

Mặc cái rét buốt vùng cao, từ rạng sáng, người dân ở lưng chừng núi đồi đã xuống chợ từ sớm, làm náo nhiệt cả một vùng vốn ngày thường vắng lặng... Ai cũng muốn mua nhanh, bán sớm để gặp mặt bạn bè, người thân, sắm sửa đồ Tết.

Tiếng bước chân nhộn nhịp, những tiếng nói cười vang vọng, đối đáp vội vàng của người đi chợ. Tiếng kêu của lợn, dê, bò, tiếng guốc ngựa lọc cọc, tiếng xe máy… Tất cả những âm thanh hòa vào nhau tạo nên một không khí rất riêng của phiên chợ vùng cao non nước Cao Bằng.

Mỗi dân tộc đều có một nét đặc trưng riêng và nét đẹp đó được người vùng cao mang đến chợ. Đến với chợ vùng cao ở Cao Bằng, du khách sẽ được đắm mình trong không gian sắc màu của quần áo thổ cẩm, những thiếu nữ dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô… xinh tươi trong bộ trang phục truyền thống, cùng với hàng hóa tạo nên sự huyền ảo nhiều màu sắc, không khí vui tươi cho ngày chợ. Sản phẩm của địa phương được bày bán, trao đổi ở chợ là sự kết tinh trong lao động, sự cần cù của người dân vùng cao, như vải lanh, khăn thổ cẩm, hàng ẩm thực.

Nhắc đến chợ Tết độc đáo nhất phải kể đến chợ phiên giáp Tết tại thị trấn Bảo Lạc. Phiên chợ diễn ra thường niên vào ngày 25, 30 tháng Chạp. Phiên chợ cuối cùng của năm mang một không khí tất bật và sôi động hơn ngày thường.

Từ sáng sớm, các hoạt động mua sắm Tết đã diễn ra nhộn nhịp kẻ bán, người mua, hay chỉ đơn giản là đi thăm thú các mặt hàng ngày Tết, để gặp gỡ bạn bè, mời nhau gặp mặt ngày Xuân. Mọi ngóc ngách gần chợ đều được người dân tận dụng làm chỗ mua bán, nghỉ chân, hay đơn giản chỉ là để đứng nhìn dòng người đi chợ Tết. Người ta thường nói đông vui như chợ Tết cuối năm là thế.

Ông Đặng Tòn Sủ, xã Hồng An cho biết: “Nhà mình ở cách đây xa lắm, phải dậy đi chợ từ lúc 5 giờ sáng. Đi chợ Tết vui lắm nên năm nào mình cũng đi và đi thật sớm để chọn mua đồ cho ưng ý, gặp bà con, bạn bè để hàn huyên tâm sự nữa”.

Cùng gia đình đi chợ phiên giáp Tết thị trấn Bảo Lạc từ rất sớm, chị Lý Thị Mỷ, dân tộc Lô Lô, xóm Khau Trang, xã Hồng Trị chia sẻ: “Tết năm nay cũng như mọi năm, nhà mình và các nhà trong xóm đều ăn Tết khá to, có mổ lợn và rượu, bánh đầy đủ. Hôm nay, mình đi chợ sớm, tranh thủ chọn vải về cắt may, thêu thùa bộ váy truyền thống đẹp nhất cho bản thân, con cái”.

Chợ phiên ngày cuối năm khác hẳn những phiên chợ bình thường. Gánh hàng của các bà, các mẹ có khi chỉ là những sản phẩm trong vườn… Nhưng ở đó có sự hòa trộn những hương vị đồng quê ngào ngạt từ những thúng bưởi vàng, những bó hương, bó “khinh phja” (gừng núi) lan tỏa khắp nơi… Từ sớm tinh mơ, người bán, người mua khắp vùng đã đổ về chợ, dường như tất cả những sản vật tốt đẹp nhất đều được người ta dành dụm để góp vào sự phong phú của phiên chợ cuối năm ngày Tết. 

Từng nhóm chị em người Mông cùng nhau đi chợ mua váy mới đón Tết.
Từng nhóm chị em người Mông cùng nhau đi chợ mua váy mới đón Tết. 

Chợ phiên giáp Tết Bảo Lạc với nét đơn sơ vốn có đã làm nên một bản sắc riêng khác xa đô thị. Người đi mua sắm Tết tại phiên chợ cuối năm phải cố lách giữa đám đông để mua đầy đủ các thứ đồ cần dùng trong ngày Tết. Hàng dù đắt, rẻ, dù vừa ý hay không thì ngày chợ cuối này đều phải mua vì đây là phiên chợ hết năm. 

Đến chợ Tết, ngoài việc mua sắm, đi chợ chơi Xuân còn là một nét văn hóa đặc sắc nơi đây. Những người đi học, làm ăn xa quê cả năm trời thì đi chợ để gặp gỡ bạn bè người thân, ngắm nhìn những mặt hàng quen thuộc một thời nuôi lớn mình. Những bà mẹ thì mua sắm quần áo mới cho con cái diện Tết. Các chàng trai, cô gái đi chợ để tìm bạn, để gửi lời hò hẹn cho những buổi hội xuân vui đầu năm.

Còn những cụ cao niên thì dạo chợ ăn bát phở ấm nóng, uống chén rượu chúc nhau sức khỏe, vì cả năm trên nương trên rẫy ít được gặp nhau. Chợ phiên vẫn giữ được những nét đặc biệt vốn có. Những thứ vốn đã thuộc về ký ức bỗng như lại trở về qua từng sạp hàng bày bán các món quà bánh đặc trưng. Những ngày đó khó khăn, chỉ lễ Tết mới được mẹ mua cho quà bánh nên cứ hít hà vị thơm, nâng niu trên tay trân quý hơn bao giờ hết.

Nhộn nhịp chợ quýt Trà Lĩnh

Nhắc đến chợ Tết Cao Bằng, bên cạnh sự độc đáo chợ phiên thị trấn Bảo Lạc thì chợ Trà Lĩnh lại mang một nét riêng. Những ngày cuối năm, chợ Trà Lĩnh mang một không khí tất bật và sôi động hơn ngày thường. Từ sáng tinh mơ, các hoạt động mua sắm Tết đã diễn ra nhộn nhịp, đông vui.

Chợ họp rôm rả với đủ các loại hàng hoa do thương lái vận chuyển về như lương thực, các nhu yếu phẩm, quần áo, giày dép. Đặc biệt, nhiều mặt hàng là những sản phẩm do bà con chế biến, lấy từ rừng như mật ong, hương thắp, lạt gói bánh… đã tạo nên một nét độc đáo chỉ có ở chợ Tết vùng biên giới. 

Điều đặc biệt ở chợ Trà Lĩnh là khu hàng quýt. Quýt Trà Lĩnh nức tiếng khắp tỉnh vì độ thơm, ngon và hương vị đặc trưng chỉ có thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây mới có được. Ngày Tết, trên mâm ngũ quả thắp hương bàn thờ tổ tiên, trong khay bánh kẹo mời khách đến chơi nhà chắc chắn không thể thiếu món đặc sản này.

Ngày giáp Tết, khu chợ quýt nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Giá quýt những ngày Tết có biến động đôi chút, tăng nhẹ hơn so với ngày thường nhưng ai cũng vui vẻ bởi giữ được quýt cho đến dịp Tết là cả sự kỳ công và chăm sóc cẩn thận của chủ vườn.

Phiên chợ ngày giáp Tết bao giờ cũng đông vui, nhiều hàng hóa và thời gian họp lâu hơn những phiên chợ ngày thường. Người dân ở đây sắm Tết rất giản dị, không mua sắm nhiều quá, chỉ đủ dùng trong những ngày Tết.

Cũng như nhiều gia đình người Mông khác, anh Sằm Văn Chiên cũng đưa cả gia đình xuống phiên chợ cuối cùng trong năm để mua sắm. Cả gia đình dạo một vòng quanh chợ và quyết định dừng lại ở dãy hàng bán thổ cẩm của đồng bào Mông để chọn cho các con những bộ quần áo, váy mới. Anh Sằm Văn Chiên vui mừng cho hay: “Hôm nay là phiên chợ cuối cùng của năm rồi, cả nhà tôi xuống chợ mua sắm các vật dụng cần thiết phục vụ những ngày Tết; mua cho trẻ con những bộ quần áo mới thật đẹp để diện Tết, đi hội Xuân”.

Gia đình anh Sằm Văn Chiên cùng đi sắm đồ Tết.
 Gia đình anh Sằm Văn Chiên cùng đi sắm đồ Tết.

Ngày Tết, không thể thiếu việc trang hoàng nhà cửa. Những năm gần đây, nắm bắt được nhu cầu thị trường, các loại hoa cảnh, cây ăn quả cũng bắt đầu xuất hiện ở chợ phiên vùng cao này. Những chậu cây, chậu hoa rực rỡ sắc màu, tô điểm thêm cho mùa Xuân được người dân ngắm nghía và lựa chọn sao cho phù hợp với không gian gia đình và túi tiền.

Chợ phiên ở vùng cao đơn giản nhưng cái chân chất, cái tình người lại thắm đượm. Đi chợ Tết vùng cao sẽ thấy được nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số còn lưu giữ qua bao đời nay. Đặc biệt cảm nhận không khí Xuân đang về từng ngõ ngách, từng bản làng thật ấm cúng, đầy niềm tin và hy vọng. Chợ phiên cuối năm giáp Tết vừa là nét đẹp trong sinh hoạt đời sống vừa chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc miền núi vùng non nước Cao Bằng. 

Cứ mỗi độ xuân về, không gian văn hóa đầy màu sắc, vẻ đẹp của chợ vùng cao khiến con người bâng khuâng, da diết. Với những người con xa quê thì trong tâm khảm luôn thổn thức nỗi nhớ phiên chợ những ngày Tết như thế! 

Một số địa phương có tục mở những phiên chợ Tết đặc biệt. Những phiên chợ này không chỉ là nơi mua bán hàng hóa mà còn là nơi trao gửi nụ cười, những lời chào, lời chúc đầu năm với mong ước an lành, may mắn.

Chợ Viềng (Nam Định): Chợ Viềng cầu may mỗi năm chỉ mở đúng đêm mùng 8 tháng giêng tại huyện Vụ Bản. Nhiều loại mặt hàng được bày bán, từ cây cảnh, cây giống, đến các loại thực phẩm... nhưng nhiều nhất là đồ cũ. Việc bán mua, nhất là mua bán đồ cũ ở đây đều với quan niệm lấy may.

Chợ Gò (Bình Định): Phiên chợ chỉ họp duy nhất vào ngày mùng 1 Tết hàng năm. Khi tiếng pháo giao thừa vừa dứt, người dân mang đến đây những sản vật địa phương nhưng nhiều nhất vẫn là cau trầu. Khách thường mua 12 lá trầu để tượng trưng cho 12 tháng trong năm, 2 trái cau chín đỏ, một ít vôi và một chùm sung với ý nói lên sự sung túc trong năm mới. 

Chợ Đình Cả (Hải Dương): Chợ họp mỗi năm một lần vào sáng mồng 2 Tết Nguyên đán, tại xã Tân Hương, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Người bán không nói thách, người mua cũng không mặc cả với ước vọng mua về sự may mắn cho một năm mới thịnh vượng. Đây còn được coi là phiên chợ cầu duyên đầu năm mới với mặt hàng đắt khách là trầu cau và muối.

Chợ Gia Lạc (Huế): Chợ Gia Lạc, còn gọi là phiên chợ Hoàng gia, có từ thời vua Minh Mạng do một hoàng tử của Vua Gia Long sáng lập, với mong muốn cho người dân được thưởng thức những món ngon cung đình. Chợ họp mỗi năm một phiên, vào 3 ngày Tết, với nhiều món ăn cung đình và đặc sản của các địa phương. Khi đi chợ, người ta không nói từ “mua, bán” mà thay vào bằng từ “biếu, tặng”.

Đọc thêm