Bỗng nhiên thiếu đất
Theo bà Loan, năm 2001, gia đình bà được UBND huyện Xuân Trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) tổng diện tích 720m2 đất tại tờ bản đồ số 11, thửa số 138 thuộc xã Xuân Thượng.
Năm 2003, gia đình bà chuyển nhượng cho ông Phạm Văn Lành 252m2; bà Nguyễn Thị Liên 102m2 và cho con gái là Mai Thị Lượt 120m2. Nhưng khi làm thủ tục cấp lại GCN thì bà mới phát hiện đất của gia đình mình bị thiếu 44m2 (chỉ còn lại 202m2)
Sau khi tìm hiểu, bà Loan phát hiện thửa đất của gia đình anh Vũ Đình Lực (giáp ranh phía Bắc) lại thừa ra 44m2. Thửa đất của anh Lực có nguồn gốc là đất của cụ Đặng Thị Đăng cho con trai là Đặng Văn Hiến. Năm 2001, ông Hiến đã chuyển nhượng toàn bộ thửa đất cho ông Vũ Công Tấn và được cấp GCN với tổng diện tích 127m2. Sau đó, ông Tấn chuyển lại cho con trai là anh Vũ Đình Lực sử dụng. Sau này, anh Lực mua thêm của ông Vũ Văn Mấn 16m2 (có xác nhận của UBND xã Xuân Thượng), lúc này tổng diện tích đất của anh Lực là 143m2.
Nhưng vào năm 2007, UBND huyện Xuân Trường lại cấp GCN cho gia đình anh Lực với tổng diện tích là 187,2m2, thừa đúng 44m2 mà gia đình bà Loan bị thiếu. Việc này cũng được ghi nhận trong báo cáo làm thủ tục hồ sơ biến động đất ngày 31/5/2009 của UBND xã Xuân Thượng, đất nhà anh Lực có biến động 44m2.
Cho rằng diện tích “biến động” trên là của gia đình mình, bà Loan đã khởi kiện vợ chồng anh Lực để đòi số đất còn thiếu.
Vi phạm tố tụng?
Trong đơn, bà Loan cho rằng TAND huyện Xuân Trường và TAND tỉnh Nam Định đã bác đơn của bà là không thỏa đáng, bỏ qua nhiều chứng cứ, tình tiết quan trọng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKSND tỉnh Nam Định cho rằng, quan hệ tranh chấp này là “đòi quyền sử dụng đất” chứ không phải là “tranh chấp ranh giới sử dụng đất” như cấp sơ thẩm xác định. Hơn nữa, cấp sơ thẩm còn bỏ sót một người tham gia tố tụng là cụ Đặng Thị Đăng (chủ sử dụng thửa đất nhà anh Lực trước đây). Việc cấp sơ thẩm bác yêu cầu của nguyên đơn đòi quyền sử dụng đất là chưa đủ cơ sở vững chắc. Đề nghị HĐXX phúc thẩm căn cứ vào khoản 3 Điều 275 Bộ luật Tố tụng Dân sự hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm xét xử lại.
Vậy nhưng, TAND tỉnh Nam Định vẫn ra Bản án phúc thẩm số 14/2014/DSPT (ngày 18/4/2014) về vụ “Tranh chấp ranh giới quyền sử dụng đất”, giữ nguyên án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của bà Loan. Bản án phúc thẩm cho rằng, năm 1995 Quân khu 3 (Bộ Quốc phòng) xây dựng công trình đường phà Sa Cao - Thái Hạt thu hồi 42m2 đất của gia đình bà Loan và gia đình bà đã được nhận tiền đền bù từ dự án. Tuy nhiên, do bản đồ không được chỉnh lý nên khi cấp GCN cho gia đình bà, UBND huyện vẫn lấy diện tích theo bản đồ, không đối trừ diện tích bị thu hồi.
Nhưng theo bà Loan thi phần đất gia đình anh Lực lấn chiếm không liên quan đến phần đất này vì hai phần đất có vị trí khác nhau và quá trình làm đường, gia đình bà chỉ bị lấy 3m2.
“HĐXX phúc thẩm đã đánh đồng hai phần đất vào làm một và không làm rõ được nguyên nhân tại sao diện tích đất của anh Lực lại tăng lên đúng bằng diện tích nhà tôi bị thiếu? Làm sao lại có thể trùng hợp như vậy? Liệu có điều gì khuất tất trong vụ án này”- bà Loan bức xúc nói và cho biết “tôi đã gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm lên TAND Cấp cao tại Hà Nội.