Vấn đề được đề cập tại Hội thảo Chống xuất bản phẩm lậu do Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đồng tổ chức sáng ngày 20/6…
Tại Hội thảo, Chủ tịch Thái Hà Books đã so sánh về vụ việc sau khi cắt trộm 4 quả mít của nhà hàng xóm mang đi bán và bị phát hiện, Nguyễn Tấn Anh (Tiền Giang) bị tuyên 12 tháng tù, còn vụ bắt sách lậu tại cơ sở kinh doanh ở quận Nam Từ Liêm, (Hà Nội) của bà Lê Thị Hường vào tháng 2/2019 với số lượng ấn phẩm bị tạm giữ là 16.886 ấn phẩm, trị giá theo giá bìa là hơn 1,2 tỷ đồng… nhưng chưa có đủ căn cứ ra quyết định cuối cùng có xử lý trách nhiệm hình sự hay không?
Theo ông Hùng, trong những năm gần đây, vấn nạn xuất bản phẩm lậu lưu hành trái phép trên thị trường Việt Nam diễn biến ngày càng phức tạp với quy mô lớn, gây bức xúc không chỉ trong ngành mà còn là bức xúc của các cấp quản lý Nhà nước trong cuộc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái.
“Ngay tại Thái Hà Books hàng năm có tới hơn 150 đầu sách bị làm giả. Mỗi cuốn sách bị làm giả đều bị nâng giá trên bìa sách sau đó đưa ra mức “chiết khấu cao”, từ 20% tới 60% để đánh lừa độc giả, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, uy tín Nhà xuất bản và phía tác giả, bạn đọc cũng là những đối tượng bị ảnh hưởng đến quyền và lợi ích” – ông Hùng cho biết và khẳng định, nều không chấm dứt tình trạng sách lậu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc mở rộng thị trường sách Việt...
Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ông Nguyễn Đức Thái cũng thông tin về vụ thu giữ số lượng xuất bản phẩm lậu lên tới hơn 72.000, trong đó chủ yếu là sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại tỉnh Bình Định.
Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News - Trí Việt cho rằng, sản xuất, tiêu thụ sách giả sẽ “giết chết ngành xuất bản Việt Nam. First News hiện có khoảng 1.000 đầu sách giá trị, trong đó bán chạy khoảng 400 cuốn, nhưng đã phát hiện 686 đầu sách bị in lậu, bị làm giả, bị xâm phạm, bị vi phạm bản quyền dưới mọi hình thức.
Phó Cục trưởng Cục Xuất bản - In và Phát hành Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, các đối tượng in lậu nắm được nhu cầu của thị trường, bạn đọc với một cuốn sách cụ thể, liền móc ngoặc với cơ sở in để in lậu. Những máy in với công suất lớn, hiện đại hoạt động suốt đêm, sáng hôm sau các nhà sách đã được chào hàng những cuốn sách đang thuộc dạng bán chạy với giá thấp hơn giá nhà xuất bản đưa ra. Lợi nhuận quá lớn khiến hoạt động in lậu, in giả, in nối bản trái phép (gọi chung là in lậu) diễn ra với quy mô và tính chất ngày càng phức tạp.
Hệ quả của in lậu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho tác giả, nhà xuất bản, đối tác liên kết, làm thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế khi tham gia Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật.
Tuy chưa có con số thống kê cụ thể từ cơ quan chức năng, song theo ước tính từ các cơ sở kinh doanh sách, thiệt hại do sách lậu mỗi năm lên đến hàng chục tỷ đồng. Chẳng những các công ty sách, nhà xuất bản thiệt hại kinh tế, uy tín mà phía tác giả, bạn đọc cũng là những đối tượng bị ảnh hưởng đến quyền và lợi ích.
Sách lậu giảm giá, sách thật ế ẩm thì tiền bản quyền cho tác giả cũng giảm theo. Chưa hết, do quá trình in ẩu, chất lượng và nội dung sách không bảo đảm khiến chính tác giả, nhà xuất bản mất uy tín. Về phía độc giả, khi bỏ tiền mua sách lậu, đương nhiên họ sở hữu sản phẩm kém về hình thức, chất lượng.
Đáng nói, người tiêu dùng tỏ ra “đồng lõa” với việc in sách lậu. Khách hàng mặc nhiên chấp nhận những cuốn sách kém chất lượng và coi tình trạng mua sách lậu là bình thường.
Để đấu tranh có hiệu quả chống xuất bản phẩm lậu, theo đại diện Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), ông Trần Hùng, bên cạnh sự phối hợp của các cơ quan chức năng quản lý nhà nước, các lực lượng liên ngành, các Nhà xuất bản, các tổ chức liên quan thì ý thức và nhận thức của người dân là “tối quan trọng”. Đặc biệt, cần nâng cao chế tài đối với hành vi xuất bản phẩm lậu.
Ông Trương Văn Ba, Phó Chánh văn phòng 389 Quốc gia đề xuất, cần thành lập Hiệp hội để giám sát lẫn nhau và chung tay vào cuộc, đảm bảo quyền lợi của mình.