Giữa tháng 6/2018, Trần Văn Long tổ chức uống bia tại nhà của mình. Trong tiệc nhậu hôm ấy, Long bịa chuyện nói với Trần Văn Chung rằng, trước đây Nguyễn Văn Hương có dọa đánh em của Chung, làm cho Chung rất tức giận… Thấy chưa “đủ đô”, Long quay qua đặt điều nói Hương còn xem thường anh em cho bạn nhậu nghe.
Nghe xong, Long, Chung và Nguyễn Văn Linh cùng nhau đi tìm Hương đánh cho “bõ tức”. Đến nơi, Long không tham gia mà đứng ngoài chỉ xe, chỉ Hương để cho Chung và Linh xông vào đánh. Lúc này, do mọi người can ngăn kịp thời nên cả nhóm quay về nhà Long.
Chưa đánh được, Long kêu Chung và Linh đi đánh Hương cho bằng được. Các đối tượng tiếp tục tìm. Chung xông tới đá mạnh vào Hương, Linh thì dùng gậy ba khúc đánh liên tiếp vào mặt và người của Hương gây thương tích 27%. Vậy, hành vi của các đối tượng được xác định như thế nào trong vụ án cố ý gây thương tích?
Tư vấn để tham khảo về tình huống này, Luật gia Bùi Đức Độ (Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang) cho rằng, theo quy định tại Điều 17 của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, “Đồng phạm” là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
Chế định đồng phạm trong BLHS có hai loại mà theo khoa học hình sự gọi là đồng phạm giản đơn và đồng phạm phức tạp (phạm tội có tổ chức). Đồng phạm giản đơn là trường hợp tất cả những người cùng thực hiện một tội phạm đều là người thực hành. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Người tổ chức chỉ có trong trường hợp phạm tội có tổ chức, được thể hiện qua những hành vi khởi xướng việc phạm tội, vạch kế hoạch thực hiện, kế hoạch che giấu, rủ rê, lôi kéo người khác phạm tội; phân công trách nhiệm cho những người đồng phạm khác; điều khiển đồng phạm, đôn đốc, thúc đẩy thực hiện tội phạm.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm như: trực tiếp cầm dao chém nạn nhân, trực tiếp chiếm đoạt tài sản… Người thực hành là người có vai trò quyết định việc thực hiện tội phạm. Nếu không có người thực hành thì tội phạm chỉ dừng ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội, mục đích của tội phạm không được thực hiện, hậu quả vật chất của tội phạm chưa xảy ra.
Người xúi giục là những người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm. Hành vi kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm chỉ được coi là người đồng phạm trong vụ án có tổ chức, khi hành vi xúi giục có liên quan trực tiếp đến toàn bộ hoạt động tội phạm của những đồng phạm khác và người thực hiện tội phạm trước khi bị xúi giục chưa có ý định phạm tội, vì có người khác xúi giục nên họ mới nảy sinh ý định phạm tội.
Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm. Người giúp sức có thể bằng lời khuyên, lời chỉ dẫn, cho mượn phương tiện (xe cộ, dao, mác...), hứa che giấu sau khi phạm tội, hứa tiêu thụ tài sản sau khi phạm tội mà có, xóa dấu vết…
Trong vụ án trên, Chung và Linh là người có vai trò tích cực nhất, trực tiếp gây thương tích cho Hương nên sẽ bị mức án nghiêm khắc tương xứng. Còn Long tuy không phải là người thực hành trực tiếp gây thương tích, nhưng việc Long giúp sức về mặt tinh thần “cứ đánh nó đi có gì tao lo”, bịa chuyện, đi theo chỉ người cho hai đối tượng thì Long cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi cố ý gây thương tích theo khoản 2 Điều 134 BLHS, hình phạt từ 2 đến 6 năm tù với vai trò giúp sức.
Ngoài trách nhiệm hình sự, các bị cáo còn phải liên đới bồi thường cho nạn nhân tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau. Thiệt hại bao gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; bù đắp tổn thất về tinh thần... theo Điều 590 Bộ luật Dân sự.