Thu tiền tỷ mỗi năm…
Báo PLVN nhận được đơn tố cáo của một số công dân thường trú tại huyện Ý Yên phản ánh tình trạng thu phí mập mờ, trái quy định diễn ra tại bến xe huyện này gần chục năm nay. Theo đơn phản ánh, năm 2010, UBND huyện Ý Yên có đầu tư cải tạo và xây dựng lại bến xe khách huyện Ý Yên. Sau khi xây dựng xong, được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh công nhận thì bến xe đã được UBND huyện bàn giao cho Phòng Công Thương huyện quản lý và vận hành.
Tuy nhiên, nói là “giao quyền” cho Phòng Công Thương nhưng kỳ thực, mọi việc quản lý và vận hành ở bến xe này lại được ngấm ngầm giao cho một doanh nghiệp tư nhân đứng ra thực hiện. Đáng chú ý, theo đơn gửi tới Báo PLVN, mỗi một xe ô tô hoạt động trên địa bàn phải đóng cho đơn vị quản lý vận hành 700 ngàn đồng/tháng để được đóng dấu ra, vào bến xe.
Người dân tính toán, với gần 100 đầu xe được Sở GTVT tỉnh Nam Định cấp phép hoạt động trên địa bàn Ý Yên, chỉ tính riêng khoản tiền mỗi xe đóng 700 ngàn/tháng cho việc ra, vào bến thì số tiền mà doanh nghiệp này thu được cũng ngót nghét gần cả tỷ đồng mỗi năm.
Theo Quyết định số 232 ngày 23/3/2018, về công bố lịch xe xuất bến chi tiết của các xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định trên địa bàn tỉnh Nam Định của Sở GTVT ban hành mới đây cho thấy phản ánh của người dân là có cơ sở. Theo lịch xe xuất bến chi tiết các tuyến bến xe khách thị trấn huyện Ý Yên kèm theo quyết định nói trên, có hơn 100 đầu xe thường xuyên hoạt động ở bến xe này. Cả trăm đầu xe của hàng chục doanh nghiệp vận tải nườm nượp vào ra bến với điểm xuất phát là Ý Yên tỏa đi khắp các tỉnh phía Bắc mà trong đó, tuyến chủ yếu là tới các bến xe của TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh.
“Trong gần 8 năm bến xe đi vào hoạt động, số tiền mà doanh nghiệp này thu được cũng đã lên tới cả 10 tỷ đồng. Chúng tôi không biết ai cho phép doanh nghiệp này vào đây hoạt động và số tiền thu được nộp vào ngân sách nhà nước hay không?”- một người dân đứng đơn nghi ngờ.
Ai cho phép?
Trao đổi với PV, ông Cù Nguyên Sơ, Trưởng phòng Công Thương Ý Yên cho biết: Bến xe Ý Yên tọa lạc ở ngã tư phố Cháy, vốn là bãi xe tự phát. Để đáp ứng nguyện vọng đi lại của người dân và sự phát triển kinh tế của huyện nhà, năm 2010, bãi xe được đầu tư cải tạo, nâng cấp. Đến năm 2015, được Sở GTVT tỉnh Nam Định chính thức công nhận là bến xe của huyện.
Theo ông Sơ, trước năm 2010, có khoảng hơn 20 đầu xe hoạt động ở địa bàn Ý Yên nhưng thời điểm đó UBND huyện không thu được một đồng phí nào. Nhưng sau khi được công nhận là bến xe việc thu phí mới được triển khai trên thực tế.
Khác với con số mà Sở GTVT tỉnh Nam Định phê duyệt ở Quyết định 232 nói ở trên, ông Sơ cho hay, đến thời điểm hiện nay, chỉ có khoảng 62 đầu xe được cấp phép hoạt động thường xuyên trên địa bàn huyện (?!). “Việc quản lý vô cùng khó khăn và phức tạp. Mặc dù theo quy định của UBND tỉnh Nam Định, 1 đầu xe phải đóng tiền lệ phí bến là khoảng 700 ngàn đồng, nhưng do nhiều xe hoạt động chui không chịu vào bến nên việc thu lệ phí bến không gặp nhiều khó khăn. Một năm chỉ thu được khoảng vài trăm triệu đồng tiền lệ phí bến.” – ông Sơ cho biết.
Giải thích lý do về việc xuất hiện một doanh nghiệp quản lý vận hành bến xe Ý Yên mà không phải Phòng Công thương huyện, ông Sơ thừa nhận: Mặc dù UBND huyện giao cho Phòng Công Thương quản lý và vận hành bến xe nhưng do năng lực có hạn, nhân lực không có nên Phòng Công Thương quản lý không nổi. Do không quản lý được nên Phòng Công Thương đã tham mưu và được UBND huyện đồng ý chỉ định cho Công ty Cổ phần vận tải xe khách Ý Yên đứng ra quản lý và vận hành bến xe này”- Trưởng phòng Công Thương xác nhận.
Theo Trưởng phòng Sơ, việc cho doanh nghiệp này vào hoạt động ở bến xe Ý Yên không qua đấu thầu mà thông qua “chỉ định”. “Đúng là đến nay chưa có quyết định chính thức cho doanh nghiệp này hoạt động ở bến xe này, mà chỉ có phương án đề xuất của Phòng Công Thương lên lãnh đạo huyện”- ông Sơ nói.
Khi được hỏi, “từ khi được chỉ định vào quản lý, vận hành bến xe của huyện, doanh nghiệp đã thu được bao nhiều tiền lệ phí bến và đã quản lý sử dụng số tiền này như thế nào, nộp cho ngân sách huyện được bao nhiêu?” Ông Sơ nói, do chưa nắm được con số chính xác nên chưa thể trả lời (?!).
Trao đổi với PV, ông Hoàng Xuân Thành, Chủ tịch UBND huyện Ý Yên cho biết: UBND huyện cũng đã nhận được đơn tố cáo của người dân và đang giao cho Thanh tra lập đoàn xác minh. Hiện thanh tra đang yêu cầu Trưởng phòng Công Thương huyện báo cáo giải trình các nội dung mà người dân phản ánh. Trên cơ sở giải trình này huyện sẽ tiếp tục xem xét để xử lý theo quy định.
Những câu hỏi như: ai cho phép chỉ định một doanh nghiệp đứng ra quản lý vận hành bến xe mà Nhà nước đã bỏ ngân sách ra đầu tư? Số tiền tỷ thu được hàng năm được quản lý sử dụng như thế nào? Có hay không bến xe được đầu tư bằng tiền ngân sách nhưng tiền thu được lại chảy về túi tư nhân?... đang chờ được UBND huyện Ý Yên và cấp cao hơn là UBND tỉnh Nam Định vào cuộc chỉ đạo, kiểm tra làm rõ.