Yên Lạc (Vĩnh Phúc): Kết luận về việc người dân “tố” anh trai ruột của Phó Chủ tịch lấn chiếm đất

(PLO) - Kết quả xác minh của UBND huyện Yên Lạc cho thấy, hiện trạng sử dụng đất trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Nguyễn Ngọc Báu đang trồng lấn vào phần diện tích đất nông nghiệp của người dân ở thôn Gảnh Đá tại xứ đồng bãi Lở.

Trước đó, ngày 1/11 Báo Pháp luật Việt Nam đã có bài viết, “Yên Lạc (Vĩnh Phúc): Anh trai ruột của phó Chủ tịch huyện lấn chiếm đất?”, phản ánh về việc ông Nguyễn Ngọc Báu, anh trai ruột của ông Nguyễn Ngọc Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc xây dựng trang trại chăn nuôi lợn trái phép trên diện tích đất nông nghiệp của người dân. Mới đây, Báo Pháp luật Việt Nam đã nhận được văn bản của UBND huyện Yên Lạc về kết quả giải quyết sự việc trên như sau:

Năm 2005 ông Nguyễn Ngọc Báu có hợp đồng thầu đất 5% với UBND xã Trung Kiên, diện tích 7,200m2 để làm bãi tập kết vật liệu xây dựng, thời gian 5 năm. Đến năm 2010, UBND xã Trung Kiên tiếp tục ký hợp đồng cho ông Báu thuê thầu đến năm 2015.

Năm 2015, UBND xã lại tiếp tục ký hợp đồng 5 năm cho ông Báu thuê đất. Căn cứ vào hợp đồng thầu đất ông Nguyễn Ngọc Báu tiến hành xây dựng tường bảo vệ, hệ thống chuồng trại trên diện tích đất giao thầu. Cũng trong năm 2005 ông Báu nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp tại xứ đồng bãi Lở với các hộ dân thôn Gảnh Đá tiếp giáp với diện tích đất 5% của UBND xã, thời gian đến hết năm 2013.

Quá trình nhận chuyển nhượng được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa ông Báu với các hộ có ruộng tại xứ đồng bãi Lở. Hết năm 2013, ông Báu tiếp tục thỏa thuận với các hộ dân thôn Gảnh Đá có đất tại xứ đồng bãi Lở để sử dụng diện tích đất trên đến hết tháng 6/2015.

Năm 2015, sau khi kết thúc thỏa thuận chuyển nhượng giữa ông Báu và các hộ dân thôn Gảnh Đá đã không tiến hành giao trả ruộng trên thực địa vì khi nhận ông Báu cũng không được các hộ giao thực tế tại thực địa mà chỉ dựa vào danh sách do ông Nguyễn Văn Trụ, Trưởng thôn Gảnh Đá cung cấp.

Quá trình xác minh, kiểm tra hiện trạng sử dụng đất tại trang trại chăn nuôi đất của gia đình ông Báu cho thấy, trang trại chăn nuôi lớn của ông Báu đã trồng lấn vào phần đất của người dân thôn Gảnh Đá tại xứ đồng bãi Lở 862,8m2, cụ thể: Phía Tây Bắc giáp tường bảo vệ dài 86,17m; phía Nam giáp đường vào trang trại dài 15,97m; phía Đông giáp trang trại dài 97,27m.

Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc đã có văn bản kết luận ông Nguyễn Ngọc Báu lấn chiếm hàng trăm mét vuông đất sản xuất nông nghiệp của nhân dân thôn Gảnh Đá, xã Kiên Trung
Dựa trên kết quả kiểm tra, UBND huyện đã kết luận, năm 1997 Hợp tác xã trả đất cho các hộ dân thôn Gảnh Đá có đất bị thu hồi để đắp chân đê bối về khu vực bãi Lở, diện tích 7 sào là có cơ sở; năm 2005 ông Báu ký hợp đồng thầu đất 5% với UBND xã Trung Kiên và nhận chuyển nhượng diện tích đất nông nghiệp của nhân dân thôn Gảnh Đá tại xứ đồng bãi Lở là có cơ sở.

Năm 2015, căn cứ vào hợp đồng thầu đất 5% với UBND xã Trung Kiên để làm trang trại chăn nuôi lợn, diện tích 7.200m2, ông Báu đã tiến hành xây dựng tường bảo vệ có trồng lấn vào diện tích đất tại xứ đồng bãi Lở của nhân dân thôn Gảnh Đá với diện tích 862,8m2.

Theo đó, UBND huyện giao UBND xã Trung làm việc với ông Báu để thống nhất phương án trả lại đất 95% (phần đất trang trại trồng lấn) cho các hộ dân thôn Gảnh Đá; tổ chức cắm mốc trả ruộng cho các hộ dân và chỉnh lý hồ sơ theo quy định; điều chỉnh lại hợp đồng thầu đất 5% với ông Nguyễn Ngọc Báu theo diện tích thực tế sử dụng của trang trại.

Người dân phản ánh, trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Báu xả thải trực tiếp ra môi trường gây ảnh hưởng đến đất canh tác và sức khỏe của người dân vẫn chưa được cơ quan chức năng làm rõ
Theo như kết luận giải quyết của UBND huyện Yên Lạc như trên, nhiều người dân cho rằng, UBND huyện mới chỉ ra bề nổi của sự việc ông Nguyễn Ngọc Báu lấn chiếm đất, còn vấn đề về công tác quản lý đất đai, quản lý xây dựng, quản lý về môi trường của trang trại này thì vẫn chưa được UBND huyện làm rõ. Bởi, những công trình được gia đình ông Báu xây dựng kiên cố có khoảng cách rất gần với mép sông Hồng, nếu như mùa mưa lũ đến thì hiểm họa sẽ khó lường, ngoài ra vấn đề nước thải, phân thải của trang trại chăn nuôi lợn xả thải thẳng ra ngoài môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nước, không khí, đất canh tác trồng lúa, hoa màu của người dân nơi đây.

Đọc thêm