Vụ cả nghìn trẻ Bắc Ninh di xét nghiệm sán: Hành vi cung cấp thực phẩm 'bẩn' bị xử lý ra sao?

(PLVN) - Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tình hình bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn tại một số địa phương, trong đó có nội dung “giao Bộ Công an điều tra làm rõ thực phẩm bị nhiễm ấu trùng sán lợn tại tỉnh Bắc Ninh”.
Rất đông phụ huynh từ Bắc Ninh đưa con đi khám xét nghiệm sán lợn.
Rất đông phụ huynh từ Bắc Ninh đưa con đi khám xét nghiệm sán lợn.

Làng quê đảo lộn vì hàng trăm trẻ dương tính với ấu trùng sán lợn

Ngày 14/2, Trường Mầm non Thanh Khương (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) nhận thực phẩm về chế biến bữa ăn cho học sinh bán trú từ Công ty TNHH Tài chính Hương Thành (Cty Hương Thành). Sau đó, cô nuôi thấy có nhiều hạch trắng trong thịt lợn nên đã chuyển thông tin cho Công ty Hương Thành kiểm tra. Vụ việc tiếp tục lặp lại vào ngày 20/2. Tin tức này lan ra cả xã khiến nhiều phụ huynh lo lắng.  

Theo báo cáo của trường mầm non Thanh Khương, nhà trường sau khi phát hiện thịt lợn nổi hạch đã báo doanh nghiệp cung cấp thực phẩm về kiểm tra, đổi lại thịt.

Tuy nhiên, sáng 22/2, khi các phụ huynh đến truy trách nhiệm thì Nhà trường không cung cấp được biên bản ghi lại việc đổi trả thịt. Còn Công ty cung cấp thực phẩm khẳng định, thịt lợn không có tình trạng gì, chỉ do nhà bếp nói thịt không đảm bảo thì công ty đổi.

Đến ngày 5/3, phụ huynh bất ngờ vào kiểm tra bếp ăn của trường thì phát hiện thịt gà dùng nấu cho học sinh là loại đông lạnh đã mủn, có mùi lạ, khác với cam kết thịt tươi sống. Nhiều loại chân, xương gà đã dùng để nấu cháo cho các cháu bốc mùi hôi thối trong bếp.

Họ chụp ảnh, ghi hình để tố cáo. Cơ quan công an đã lập biên bản, niêm phong toàn bộ thực phẩm đi kiểm nghiệm. Hiệu trưởng nhà trường bị đình chỉ công tác (sau đó, một Phó Hiệu trưởng và một số cán bộ liên quan cũng bị đình chỉ công tác). 

Từ 12/3, khoảng hơn 1.500 trẻ ở khắp các xã trên địa bàn Thuận Thành được gia đình đưa ra Hà Nội khám và đến cuối ngày 17/3, có 209 trẻ được phát hiện dương tính với ấu trùng sán lợn. Con số này có thể chưa dừng lại khiến người dân vô cùng hoang mang... 

Sau sự cố trên, trụ sở Công ty Hương Thành (trên địa bàn huyện Thuận Thành) đã gỡ biển hiệu, đóng kín cửa. Theo đại diện UBND xã Thanh Khương thì công ty này cung cấp thực phẩm cho 19 trường trên địa bàn huyện. 

Nhẹ thì xử hành chính, nặng truy cứu trách nhiệm hình sự

Trao đổi với Báo PLVN, Luật sư (LS) Từ Tiến Đạt, Văn phòng LS Đạt Điền cho biết, Thông tư 13/2016 của liên Bộ Y tế - Giáo dục và Đào tạo quy định:  đối với những trường học có bếp ăn nội trú, bán trú, yêu cầu vệ sinh đối với hoạt động bảo quản, chế biến thực phẩm phải đảm bảo điều kiện: “Chỉ sử dụng các lương thực, thực phẩm có nguồn gốc và bảo đảm ATTP.  Nếu sử dụng dịch vụ cung cấp thức ăn sẵn, phải lựa chọn các cơ sở có đủ điều kiện bảo đảm ATTP theo quy định”. Trường hợp vi phạm thì sẽ bị xử lý về vi phạm hành chính hoặc hình sự với hành vi tương ứng.

Cụ thể hơn, LS Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm nêu, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra vụ thực phẩm ở Bắc Ninh có dấu hiệu ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng loạt trẻ em là hết sức cần thiết để tìm ra cá nhân, tổ chức vi phạm. Do thực phẩm bẩn có thể trải qua nhiều khâu, từ cung cấp nguyên liệu, sản xuất, chế biến, bán thành phẩm… nên cần xác định chính xác hành vi vi phạm của cá nhân hay tổ chức ở khâu nào, giai đoạn nào? 

Về xử lý vi phạm, LS Tú viện dẫn, theo Luật ATTP 2010 và Nghị định 115/2018/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP thì cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm an toàn vệ sinh có thể bị xử phạt là 100 triệu đồng, còn với tổ chức là 200 triệu đồng.

Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 (tội Vi phạm qui định về ATTP). Theo đó, người nào chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm… thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Phạm tội có tổ chức, gây tổn hại cho sức khỏe của hai người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%… thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 3-7 năm”.

LS Phạm Tuấn Anh, Đoàn Luật sư TP HCM cho biết thêm, dù trách nhiệm của ai, mức độ ra sao thì vụ việc là bài học đối với vấn đề chăm sóc sức khỏe của trẻ em. Vì vậy, các cơ quan chức năng nên thực hiện chiến dịch kiểm tra trên diện rộng các cơ sở cung cấp thực phẩm cho các trường và việc sử dụng thực phẩm của các trường để đảm bảo chất lượng bữa ăn cho các cháu. Hành động này phần nào đó giúp cho các phụ huynh yên tâm hơn khi  gửi con, em mình cho nhà trường chăm sóc. 

Đọc thêm