Giao xác minh điều kiện thi hành án cho Chấp hành viên

(PLO) - Hôm qua (13/6), thảo luận tại tổ về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (THADS), nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐB) tán thành cao việc giao Tòa án ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành; chuyển việc xác minh điều kiện thi hành án (THA) từ nghĩa vụ của người được THA thành trách nhiệm của Chấp hành viên; mở rộng điều kiện, mức miễn, giảm nghĩa vụ THA đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước…
Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên): “Giao Tòa ra quyết định để ràng buộc trách nhiệm của Tòa án, đảm bảo án tuyên là phải được thi hành cũng là nâng cao trách nhiệm của Thẩm phán mỗi khi tuyên án”
Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên): “Giao Tòa ra quyết định để ràng buộc trách nhiệm của Tòa án, đảm bảo án tuyên là phải được thi hành cũng là nâng cao trách nhiệm của Thẩm phán mỗi khi tuyên án”
Tòa án ra quyết định thi hành án để tăng cường trách nhiệm
Ngoài các loại quyết định thuộc thẩm quyền ban hành của Tòa án như quy định hiện hành (quyết định miễn, giảm THA; quyết định đình chỉ THA trong trường hợp đã kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm), Chính phủ cho biết, nhiều ý kiến cho rằng Tòa án chỉ cần ra một loại quyết định mang tính chất quyền lực tư pháp, đó là quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành, qua đó cũng xác nhận bản án, quyết định đã có hiệu lực thi hành; các loại quyết định khác trong quá trình THADS chỉ mang tính chất hành chính, thuộc về nghiệp vụ THADS thì do cơ quan, tổ chức THADS thực hiện. Đây cũng là tinh thần của Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS được trình Quốc hội.
ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) ủng hộ việc giao Tòa án ra quyết định THA để gắn kết, tăng cường trách nhiệm của Tòa án:  “Thực tế, có hàng trăm, thậm chí ngàn bản án tuyên không rõ, khó thi hành, vì thế giao Tòa ra quyết định để ràng buộc trách nhiệm của Tòa án, đảm bảo án tuyên là phải được thi hành cũng là nâng cao trách nhiệm của Thẩm phán mỗi khi tuyên án”. 
Chỉ rõ thực tế hiện nay với quy trình xem xét giám đốc thẩm quá “dài và rộng”, nhiều bản án kéo dài, thi hành rất khó khăn. Nhiều vụ đến “phút 89”, chuẩn bị cưỡng chế mới có kháng nghị gây lãng phí công sức, tiền của của Nhà nước, khó khăn cho công tác THADS, ĐB Lê Thị Nga nhấn mạnh: “Dự thảo Luật THADS phải có quy định để ngăn chặn tình trạng này”.
ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai) cũng cho rằng, hiện còn nhiều bản án không thi hành được do lỗi của Tòa án như tuyên không rõ, không đúng địa chỉ, vị trí... Vì thế giao Tòa án ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành là phù hợp. 
Quyết định này thể hiện quyền lực tư pháp, làm cơ sở cho cơ quan THADS tổ chức thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Quy định này vừa bảo đảm sự gắn kết trách nhiệm của TAND đối với bản án, quyết định của mình, đồng thời không gây ra xáo trộn lớn về tổ chức và thẩm quyền. “Nếu Tòa án tuyên án xong rồi bỏ đấy là chết”-  ĐB Huỳnh Thành nhấn mạnh. ĐB Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) và nhiều ĐB khác cùng tán thành với quy định này.
Tuy nhiên, quá trình thảo luận cũng còn những ý kiến khác. Các ĐB Dương Ngọc Ngưu, Vi Thị Hương (Điện Biên) băn khoăn vì cho rằng Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp (chủ yếu là xét xử), Tòa án ban hành bản án có hiệu lực pháp luật, các cơ quan phải chấp hành. Vì vậy, giao Tòa ra quyết định THA là không cần thiết, rườm rà về thủ tục, hình thức và dễ bị khiếu kiện. Do đó, chỉ cần quy định THA ra quyết định khi có đề nghị của người được THA. Nếu muốn tăng cường trách nhiệm của Tòa án thì chỉ cần Tòa làm đúng quy định, tuyên án chính xác, khi bản án có sai sót thì phải giải thích, đính chính. Sai sót nghiêm trọng thì phải kháng nghị.
Dân đỡ khổ
Luật THADS hiện hành được đánh giá là còn nhiều bất cập. Trong đó nổi lên việc Luật quy định người được THA có trách nhiệm xác minh điều kiện THA, gây khó khăn cho người được THA, nhất là việc xác minh tại các cơ quan nhà nước, các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, việc quy định trong trường hợp người được THA yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh thì phải chịu chi phí, gây tốn kém cho người dân. 
Do đó, Dự thảo đã sửa đổi theo hướng chuyển việc xác minh điều kiện THA từ nghĩa vụ của người được THA thành trách nhiệm của Chấp hành viên nhằm giảm bớt khó khăn cho người được THA, đồng thời quy định người được THA không phải chịu chi phí xác minh; người được THA cũng có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh, cung cấp thông tin về tài sản, điều kiện THA của người phải THA và được miễn, giảm phí THA nếu cung cấp thông tin chính xác.
ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) tán thành với Dự luật “giao việc xác minh thông tin về tài sản THA cho Chấp hành viên là hợp lý vì thực tế giao cho người được THA là rất khó cho dân. Cơ quan nhà nước làm còn khó huống hồ bắt dân xác minh trong khi hiện nay, quản lý tài khoản là khó khăn, quy định kiểm soát tài sản vẫn chưa minh bạch.” 
ĐB Phạm Văn Gòn (TP. Hồ Chí Minh) cũng thống nhất giao trách nhiệm xác minh điều kiện THA cho Chấp hành viên hoặc Thừa phát lại và miễn chi phí xác minh cho người phải THA. Tuy nhiên người phải THA có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện cho công tác xác minh. ĐB Võ Thị Dung (TP.Hồ Chí Minh) chưa hoàn toàn đồng tình: “Trách nhiệm xác minh giao cho Chấp hành viên hoặc Thừa phát lại là đúng, nhưng không thể lấy tiền ngân sách sử dụng cho việc này, mà người được THA phải bỏ ra”. 
ĐB Đỗ Văn Đương cũng bày tỏ quan điểm coi trọng tính hiệu quả và tiết kiệm chi phí cho ngân sách nhà nước trong công tác THA.  Ông nói: “Có những bản án mà chi phí xác minh THA còn cao gấp nhiều lần án phí, kiểu đốt một lít dầu để tìm một que diêm”. 
Tại phiên thảo luận, nhiều ĐB cũng đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về thủ tục, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người được THA và nâng cao trách nhiệm của cơ quan THADS, thời hạn tiến hành xác minh cần được rút ngắn hơn.

Đọc thêm