16 năm đi kiện đòi lại mảnh đất cho thuê

(PLO) -Ngày đại diện cả gia tộc ký vào bản giao kèo cho thuê đất, có lẽ bà Lê Thị Mẹo (SN 1915, đã mất) không thể ngờ rằng sau khi bà qua đời, những người thuê đất lại lật lọng không trả tiền, còn chiếm đất. Con cháu bà phải sống trong cảnh cơ hàn. Quá phẫn uất, bà Lê Thị Yến (70 tuổi, ngụ 16/12 Tân Hóa, phường 1, quận 11, TP.HCM, cháu ruột của bà Mẹo) ngược xuôi kiện tụng suốt 16 năm vẫn chưa thể đòi lại đất của thế hệ trước để lại. 
Bà Yến hơn 16 năm đi kiện đòi đất cho thuê.
Bà Yến hơn 16 năm đi kiện đòi đất cho thuê.

Cho thuê đất bị “cướp trắng”?

Bà Lê Thị Yến cho biết, bà đội đơn đi kiện do những thửa đất gia đình bà được hưởng thừa kế đã bị người khác chiếm đoạt. Những người “cướp” đất của bà còn tráo trở dùng những lời lẽ “giang hồ” đe dọa khiến mỗi ngày cả gia đình bà phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ. 

Theo lời trình bày, cha bà Yến là ông Lê Văn Cơ (1912-1988). Thời trẻ, ông Cơ làm thợ kim hoàn, vừa làm ở xưởng chế tác, vừa dạy nghề cho thanh niên trong vùng. Gia đình ông hồi đó khá giả bậc nhất ở địa phương.

Số tiền dư giả, ông hùn vốn cùng người em gái là bà Lê Thị Mẹo để mua mảnh đất hơn 2000m2 ngay sau vườn nhà (được cấp Bằng khoán số 334 bằng tiếng Pháp, làm tại Cây Mai, Chợ Lớn, quận 11 (trước đây).

Ông Cơ lúc này tuy đã lập gia đình nhưng vẫn sống chung cùng cha mẹ và hai người em ruột là bà Mẹo và ông Lê Văn Công. Thời điểm trước giải phóng, ngoài diện tích nhà ở, số diện tích đất còn lại cho người khác thuê làm nhà sinh sống, tổng cộng 21 căn. Mọi giấy tờ giao kèo cho thuê đất đều viết bằng tay, do bà Mẹo đại diện cả gia tộc đứng tên ký kết. 

Sau 3 năm, giá thuê phải thương lượng lại nếu giá thuế đất quá cao. Thời hạn thuê nhà ít nhất một năm, tùy vào nhu cầu của người thuê. Trong mỗi bản giao kèo đều ghi rõ điều kiện: “Nếu sau này người thuê đất có dời đổi chủ khác hoặc bán lại cho người khác thì phải có sự đồng ý của chủ đất...”.

Sau giải phóng, Nhà nước không thu hồi đất, Ban quản lý ruộng đất cấp bản trích sao Điền thổ và bản sao Bằng khoán đất, công nhận 3 anh em ruột là ông Cơ, bà Mẹo, ông Công cùng đứng tên sở hữu. Hai người em dần lập gia đình. Ba anh em ông Cơ được cha mẹ chia đất ra ở riêng. Theo đó, bà Mẹo đông con được chia 10 căn, ông Công 6 căn, còn ông Cơ 5 căn. 

Theo người kiện, nhận tiền thuê đất được vài năm thì những người thuê 5 căn nhà của vợ chồng ông Cơ đồng loạt lật lọng, không trả tiền. Họ còn tự ý sửa chữa, âm thầm làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sang tên đổi chủ, bán đất cho người khác mà không “ý kiến” gì với gia đình ông Cơ. Nhiều lần hai bên nói chuyện sau đó nhưng không kết quả.

Từ chỗ khá giả, vợ chồng ông Cơ trở nên trắng tay. Sau ngày bị “cướp trắng” đất không đòi lại được, tinh thần ông Cơ dần chán nản. Mọi gánh nặng cơm áo oằn lên những gánh hàng rong của người vợ. Hai người con là bà Lê Thị Yến (1946) và bà Lê Thị Ba (1948) cũng phải theo mẹ bươn chải kiếm sống từ bé. 

Năm bà Ba 3 tuổi, không may bị lên cơn sốt nặng, đau bụng. Vợ chồng ông Cơ sấp ngửa ôm con đến bệnh viện mới rụng rời chân tay khi bác sĩ cho hay bà Ba bị khối u trong ổ bụng, cần phải phẫu thuật gấp.

Để có tiền lo cho con, ông Cơ chạy về bán nốt mảnh đất cạnh vách nhà. Bà Ba trải qua 3 cuộc phẫu thuật, khối u đã được cắt bỏ nhưng từ ngày đó thần trí trở nên “khùng khùng, dại dại", không làm được việc gì.

Bán dạo lấy tiền đi kiện

Những năm cuối đời, vợ chồng ông Cơ và hai con gái phải sống trong căn nhà ọp ẹp, chật chội, phải chịu đựng cảnh cơ cực, túng thiếu. Vợ đi gánh hàng rong đắp đổi từng đồng, ông Cơ ngày ngày cuốc đất trồng rau muống trên bãi đất mướn. Bữa cơm lúc nào cũng chỉ rau. 

Bà Yến một buổi đi học, một buổi vác thúng bánh bò đi bán dạo. Nhờ sự sáng dạ, bà chỉ học ở lớp cũng nắm lòng được kiến thức. Tuy nhiên, học được vài năm bà đành bỏ học vì không có tiền trang trải lệ phí. Năm 1988, cha bà qua đời vì bạo bệnh, để lại nỗi ấm ức mất đất không nguôi. 

Cũng vì cảnh nghèo, mẹ con bà không biết kêu ai đòi lại công bằng. Đầu năm 2000, bà Yến chính thức đội đơn đi kiện đòi lại quyền sở hữu 5 căn nhà gồm 16/9D, 16/10, 16/11, 16/11A, 16/13 (đều thuộc đường Tân Hóa, phường 1, quận 11). Tất cả các căn nhà trên đều thuộc Bằng khoán số 334, chứng chủ sở hữu là cha, cô ruột và chú của bà Yến. 

Tháng 10/2001, UBND quận 11 trả lời bằng văn bản công nhận những căn nhà số 16/9D, 16/11, và 16/13 đang tranh chấp đều là nhà thuê lại của tư nhân, thời điểm thuê trước giải phóng, mục đích thuê để ở. Người cho thuê đất không phải là bà Yến mà là bà Lê Thị Mẹo. Do đó không công nhận đơn khiếu nại của bà Yến. 

Còn lại hai căn nhà số 16/10, 16/11A đều đã có chủ quyền hợp lệ, là những người đến sau mua lại nhà để ở, đã qua nhiều đời chủ nên không xác định được ai là người thuê đất của gia đình bà Yến. 

Trái lại, bà Yến cho rằng người cô ruột là bà Mẹo chỉ đại diện gia tộc cho thuê đất, Bằng khoán còn thể hiện rõ chủ sở hữu mảnh đất là 3 anh em, trong đó có cha bà Yến.

Trước đó, gia đình đã chia thừa kế ông Cơ được hưởng 5 căn (không có văn bản). Cha mẹ mất, bà Yến và người em thừa hưởng phần tài sản của người cha là hợp lẽ. Quá bức xúc trước quyết định không giải quyết đơn khiếu nại của UBND quận 11, bà Yến tiếp tục đệ đơn đến các cơ quan có thẩm quyền. 

Để có tiền đi khiếu nại, bà Yến ngày bán bánh bò dạo, tối dạy kèm cho học sinh (từ lớp 1 đến lớp 5). Con trai của bà là giáo viên, bằng đồng lương ít ỏi cũng gom góp cùng mẹ đi đòi đất. Những năm tháng đáo tụng đình của bà Yến thật lắm chông gai. Hơn 16 năm, hàng trăm lá đơn được gửi đến cơ qua công quyền phường 1 và quận 11 đều không có hồi âm. 

“Tôi không được ăn học nên không hiểu rõ luật, không biết đi đến đâu, cũng không biết kêu ai nên đành gửi đơn đến tất cả các cơ quan chính quyền, hi vọng có nơi gửi trúng, người ta thương dân xem xét xử lý đến nơi đến chốn”, bà tâm sự.

Không nhận được thông tin trả lời, bà Yến tự mình mang đơn đến UBND phường 1, quận 11 trình bày mong muốn được chính quyền quan tâm, hướng dẫn quy trình đòi lại tài sản. 

“Họ cầm tập đơn nhưng không hề xem qua rồi đuổi tôi về. Còn đổ cho tôi tội “quấy rối trật tự trị an”. Tối đó tôi thức trắng đêm, nghĩ đến việc không đòi được đất lại mất lòng tin vào chính quyền tôi chỉ biết khóc.

Đến sáng mới tá hỏa khi mái tóc đen dài đã bạc trắng. Con trai tôi thấy vậy sợ mẹ “hóa điên” liền đưa tôi đến bệnh viện. Về sau, do mái tóc bạc khiến lũ trẻ tôi dạy kèm sợ quá nên tôi phải đi nhuộm lại tóc đen”, bà Yến kể.

Ngoài ra, gia đình bà còn liên tục bị “khủng bố”, bị “giang hồ” đe dọa đoạt mạng cả nhà. Bà lão run rẩy: “Tôi đi ngoài đường, đi chợ mà thấp thỏm lo âu. Tôi già rồi, chết cũng cam, nhưng chúng dọa đoạt mạng con trai tôi. Nó gặp nạn thì ai lo cho vợ con của nó... Tui chỉ hi vọng nhà nước nhanh chóng xử lý trả lại đất cho gia đình tui có chỗ sinh sống”.

Đọc thêm