2 năm miệt mài thu thập chứng cứ tố cáo KCN gây ô nhiễm

(PLO) -Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai đã có văn bản lập đoàn thanh tra kiểm tra sự việc. Đó là thông tin có hi vọng cho người dân sau cả chục năm kêu cứu, cho người nhiều năm nay tự quay phim, chụp hình lấy bằng chứng, đưa lên facebook tố cáo sự ô nhiễm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục ngàn người.
 Những mẫu nước ông Tiến giữ lại làm bằng chứng
Những mẫu nước ông Tiến giữ lại làm bằng chứng

Sống chung với nước thải độc hại 

Ông Đặng Minh Đức, Phó giám đốc Sở TNMT tỉnh Đồng Nai cho biết đã có văn bản thành lập đoàn thanh tra kiểm tra việc xả thải của Nhà máy xử lý nước thải KCN Nhơn Trạch 1 (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai).

Trước đó, hàng chục hộ dân ở ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch mà đặc biệt là ông Trương Xuân Tiến (ngụ ấp 3) có hàng chục năm liền kêu cứu về vấn đề nước thải gây có mùi hôi thối, màu đục vàng, đen gây ô nhiễm môi trường.

Đó là con suối không tên nằm trọn trong địa phận ấp 3, là nơi nhận nước thải từ KCN Nhơn Trạch 1 để đổ về sông Thị Vãi. Theo Sở TNMT Đồng Nai, mỗi ngày KCN Nhơn Trạch 1 xả khoảng 4.300m3 nước thải đã qua xử lý.

Theo phản ánh của người dân, con kênh lộ thiên mang nguồn thải này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, làm đảo lộn cuộc sống của hàng trăm hộ dân, khu nhà trọ công nhân đang lưu trú.

Ông Nguyễn Tấn Được, ấp trưởng ấp 3, xã Hiệp Phước nói: “Chuyện này người dân chúng tôi đã phản ánh nhiều lần rồi, đường nước rất hôi thối và xảy ra trong nhiều năm, nhưng không thấy ai ra xử lý”.

Người dân có hàng trăm kiến nghị bằng văn bản lên xã và xã kiến nghị lên huyện nhưng 10 năm qua, mọi chuyện gần như xếp xó. “Chúng tôi làm đơn kiến nghị, tố cáo chán thì ngừng chứ không thấy ai trả lời, giải quyết” một người dân nói.

Mỗi lần có nước ô nhiễm xả ra, ông Tiến lại cẩn thận lưu lại
 Mỗi lần có nước ô nhiễm xả ra, ông Tiến lại cẩn thận lưu lại

Ông Tiến cho biết: “Sau khi Nhà máy xử lý nước thải KCN Nhơn Trạch 1 hoạt động cách đây khoảng chục năm thì chúng tôi thường xuyên phải nhận mùi hôi thối do họ xả ra vào ban đêm và lúc trời mưa to gió lớn. Nước xả ra có mùi kinh khủng không chịu được, có lúc nước xả màu vàng, có hôm màu nước đen như nhớt thải xe máy”.

Theo thống kê, ấp 3 có 800 hộ dân thì hơn 90% số hộ đều có phòng trọ cho thuê. Mỗi hộ có từ 5 đến 20 phòng trọ thì con số công nhân là hàng chục ngàn người. Dọc hai bên con suối đều là nhà trọ công nhân.

Trước đây, toàn ấp không có hệ thống nước sạch, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào nước giếng khoan. Một người dân cho biết: “Nước giếng này để qua một đêm là nổi váng vàng khè. Chúng tôi biết là độc hại nhưng cũng phải dùng, chứ còn nguồn nước nào khác đâu.

Mấy tháng qua có nước sạch nhưng chỉ kéo đến những hộ gần đường, những hộ trong hẻm không có vẫn phải sử dụng nước giếng. Nhiều giếng nước khoan cách bờ kênh nước thải chỉ vài chục mét”.

Một công nhân ở trọ nhà ông Tiến phản ánh. “Nước giếng bơm lên khi nước đun sôi để uống, chỉ cần đặt vung lại vài phút là ấm nước có mùi hôi thối ngay, nhưng chúng tôi vẫn phải sử dụng. Buổi sáng đi làm đã chịu nhiều ô nhiễm ở trong công ty, nhưng tối về nhà lại phải chịu cảnh xú uế từ con suối cạnh nhà trọ. Sử dụng nước giếng khoan sợ bệnh tật thật đấy nhưng biết làm sao được”.

Ông Tiến phản ánh: “Thường thì nước thải có mùi hôi, màu vàng, đen hoặc đỏ đặc quánh được xả vào buổi chiều và đêm. Nhất là từ nửa đêm về sáng, nhiều lần người dân hai bên suối không thể ngủ được vì mùi quá nồng nặc. Cái mùi nồng nồng như axit và bốc hơi nóng rực. Một vài lần đoàn kiểm tra đến nhưng họ đánh trống gõ chiêng lập đoàn, thông báo rầm rộ, thì ai dại gì xả thải cho kiểm tra, lấy mẫu”.

Ông Tiến cho biết con suối cạnh nhà mình hàng chục năm qua phải gánh chịu nước thải của KCN Nhơn Trạch 1 đã khiến nó sụt lún, bào mòn sâu thêm gần 1 mét.

Trước đây, nước cạn, trong veo và chỉ có nước về mùa mưa. Nhưng từ khi có KCN Nhơn Trạch 1, nước thải đổ về, ô nhiễm trở nên nghiêm trọng. Nhất là khi có những nhà máy mạ kẽm, tôn, nhà máy nhuộm đặt ở trong KCN. Nước thải có kim loại nặng, chất độc hại, nếu không được xử lý mà thải trực tiếp ra suối là rất nguy hiểm.

“KCN Nhơn Trạch 1 có nhà máy xử lý nước thải riêng, đường thải xuống chạy dài qua khu sinh sống của công nhân, nhiều khi lợi dụng thời điểm mưa lớn có thể họ thải luôn không xử lý”, ông Tiến nói.

Dòng nước thải từ KCN đổ ra bốc mùi hôi thối nồng nặc
Dòng nước thải từ KCN đổ ra bốc mùi hôi thối nồng nặc

Kêu cứu trên facebook.

Ông Tiến vốn là công nhân kỹ thuật đã làm qua nhiều nơi từ Ninh Bình, TP HCM, sau đó mới về Đồng Nai công tác và gắn bó với nơi này. Cách đây khoảng 2 năm, từ khi ông nghỉ hưu thì “cuộc chiến” chống ô nhiễm ngày càng quyết liệt hơn.

“Trước đó do tôi phải đi làm thường xuyên nên ít có thời gian quan tâm, mặc dù thấy con suối ô nhiễm, bốc mùi hôi thối từ lâu. Từ khi tôi nghỉ hưu, tôi mới có thời gian để “kêu cứu” cho dòng suối đen vì đã khẩn cấp quá rồi”, ông Tiến nói.

Trong các cuộc họp của ấp, của xã, ông Tiến được người dân gửi gắm, nêu lên những bức xúc của người dân bị ô nhiễm. Nhiều lá đơn kiến nghị được ông và người dân ấp 3, xã Hiệp Phước thảo ra gửi chính quyền địa phương nhưng không thấy hồi âm.

Lo ngại cuộc sống của con em ở ấp phải sống chung với ô nhiễm và những làng bên bờ suối có thể trở thành những “làng ung thư”, ông Tiến tiếp tục tìm cách phản ánh ô nhiễm thông qua phương thức mới: Facebook.

Ông Tiến nói: “Phản ánh cơ quan chức năng mà không có hồi âm, nên tôi đưa những đoạn video clip, hình ảnh mà tôi ghi nhận được lên mạng xã hội Facebook để người dân biết tới nhiều hơn, hy vọng các cơ quan chức năng cũng ghi nhận được, vào cuộc giúp bà con và công nhân”.

Từ đó, mỗi khi nước xả thải đã qua xử lý từ KCN Nhơn Trạch 1 thải chảy qua ấp 3 (xã Hiệp Phước) cảm thấy có “vấn đề” như nước có nhiều màu: Đen, vàng, tím… thì ông Tiến đều ghi lại để phản ánh.

Mỗi lần nước thải có mùi, màu sắc lạ, đổ ra con suối, ông Tiến bỏ công đến đầu miệng cống ngầm đứng quay phim và múc nước vào chai nhựa để làm bằng chứng. Ông cho PV xem 4 chai được thu thập trong vòng 1 tháng qua, mỗi chai có màu sắc riêng như xanh đậm, đen hoặc vàng nhạt như dầu nhớt loãng. Mở nắp ngửi mùi thấy rất khó chịu, khó mô tả được mùi gì.

Ông Tiến ghi lại ngày tháng trên nắp chai để có dịp sẽ cung cấp cho cơ quan chức năng. Mỗi lần thu thập như thế ông Tiến lại đưa lên facebook với những lời cầu cứu khẩn thiết. Những động thái của ông cuối cùng cũng đã có hiệu quả, khi cơ quan chức năng mới đây ra quyết định thanh tra sự việc này.

Ông Tiến cho biết: “Tôi rất vui mừng khi nghe tin tỉnh đã lập đoàn thanh tra. Nhưng nên thanh tra đột xuất hoặc cho cảnh sát môi trường bí mật điều tra. Đi rầm rộ, thông báo tùm lum thì lộ hết. Họ ngưng không xả thì có gì đâu mà kiểm tra, xử lý?”.

Nói về chủ đề này, ông Võ Tái Hưng, Bí thư Đảng ủy xã Hiệp Phước tỏ ra rất trầm tư: “Quả là ở ấp 3 người dân đang chịu nhiều khổ cực vì ô nhiễm, mà số lượng công nhân sinh sống còn gấp đôi số người dân thường trú…”.

Hình ảnh nước đỏ ngầu chiều 24/6 khi tiếp cận nơi xử lý nước thải của KCN Nhơn Trạch 1
Hình ảnh nước đỏ ngầu chiều 24/6 khi tiếp cận nơi xử lý nước thải của KCN Nhơn Trạch 1

Tự nguyện vớt rác góp phần cứu con suối:

Không chỉ nguồn nước “có vấn đề” từ nhà máy xử lý nước thải KCN Nhơn Trạch 1 như phản ánh nêu trên, mà chính người dân sinh sống hai bên dòng suối cũng góp phần khiến dòng suối “chết” nhanh hơn. Phía dưới dòng suối, nước đã đen và hôi thối nhưng rác thì chất đống. Rồi chính ông Tiến cũng trở thành “công nhân dọn rác” tự nguyện.

Ban đầu, ông Tiến gặp sự phản đối của gia đình vì cho rằng ông lo việc “bao đồng”, đã nghỉ hưu rồi mà không lo tĩnh dưỡng, còn lao vào những chuyện của người khác.

Nhưng với bản tính cương quyết, người dân vẫn thấy ông Tiến trong bộ đồ công nhân xanh da trời cặm cụi lôi rác từ cống nước tập trung lên bờ gom đốt. Sau đó gia đình, người xung quanh đã chuyển qua ủng hộ việc làm của ông.

Đọc thêm