5 năm chưa xác định nổi số phận pháp lý kẻ say rượu giết người

(PLO) - Vụ án Nguyễn Hữu Trung vô cớ sát hại thực khách trong một quán hủ tiếu tại TP.HCM đã kéo dài hơn 5 năm, trải qua nhiều lần mở phiên tòa với nhiều Kết luận giám định pháp y tâm thần cho bị cáo. Đây được coi là vụ án hy hữu do bị cáo uống rượu say làm phát tác bệnh tâm thần và can án giết người. Qua nhiều phiên tòa bị hoãn, đến nay việc xác định Nguyễn Hữu Trung có đủ năng lực để chịu trách nhiệm Hình sự hay sẽ được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh vẫn đang là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Hình minh họa (internet)
Theo các chuyên gia pháp lý, cái khó là pháp luật Hình sự Việt Nam quy định gây án khi dùng bia rượu, chất kích thích là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm Hình sự đối với bị can, bị cáo; và pháp luật hiện hành cũng chưa điều chỉnh hành vi của người uống rượu làm phát tác bệnh tâm thần. Chính vì vậy, qua nhiều lần giám định tâm thần rồi điều trị bắt buộc, đến nay số phận pháp lý của Nguyễn Hữu Trung vẫn chưa ngã ngũ.
Uống rượu, phát bệnh tâm thần
Vụ án xảy ra vào khoảng 16h30 ngày 12/3/2009, sau khi làm việc tại công trình xây dựng nhà thuộc phường Thạnh Xuân, quận 12, bị cáo Nguyễn Hữu Trung (SN 1988, trú tại quận 12, TP.HCM) ở lại uống rượu cùng chủ nhà và anh em thợ hồ. Đến 22h cùng ngày, Trung điều khiển xe gắn máy về nhà có ghé vào tiệm mua hủ tiếu.
Mua xong, Trung chạy xe đi được một đoạn thì “nghe loáng thoáng ai nói điều gì đó” sau lưng mình. Trung dừng xe, nhặt cây tầm vông ven đường dài khoảng 1,8m đi bộ đến đập phá bàn ghế và xe hủ tiếu khiến những người khách đang ngồi ăn chạy tán loạn. Trong quán lúc này chỉ còn anh Trần Hùng Hiếu (quê Quảng Ngãi, là bạn của anh Minh chủ quán) vẫn ngồi ăn chứ không bỏ chạy như những người khác. 
Trước thái độ hung hăng, côn đồ của Trung, anh Hiếu không những không sợ hãi mà còn bình tĩnh dùng tay vuốt tóc. Thấy thế, Trung nóng mặt hỏi: “Sao ông anh vuốt tóc?”. Anh Hiếu chưa kịp giải thích thì Trung đã giơ cây tầm vông lên đập vào bàn nơi anh Hiếu đang ngồi khiến anh này hoảng sợ và bỏ chạy.
Lúc này, chị Nguyễn Thị Kim Tuyến (chị ruột của Trung) đi ngang qua, thấy em trai mình đang gây náo loạn liền chạy vào can ngăn. Chị Tuyến nói một cách nhỏ nhẹ và Trung bỏ cây tầm vông xuống đất. Nhưng vừa bỏ khúc cây xuống đất thì lập tức Trung cầm con dao dài chừng 20cm đuổi theo anh Hiếu và đâm vào cổ làm anh Hiếu ngã xuống.  Anh Hiếu được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên anh Hiếu đã tử vong 3 ngày sau đó.
Ngày 16/3/2009, Nguyễn Hữu Trung bị Công an quận 12 bắt giữ về hành vi giết người. 
Bị cáo có phải chịu trách nhiệm Hình sự?
Trong thời gian tạm giam, cơ quan điều tra nhận thấy Nguyễn Hữu Trung có biểu hiện lơ ngơ, thần kinh bất thường nên đã trưng cầu giám định pháp y tâm thần cho bị can. Tại Biên bản giám định tâm thần ngày 2/12/2009 của Viện Giám định Pháp y tâm thần Trung ương phân viện phía Nam kết luận: “Nguyễn Hữu Trung có bệnh rối loạn nhân cách và hành vi thực tổn, rối loạn sự thích ứng với hỗn hợp lo âu trầm cảm”. 
Cũng theo kết luận giám định này, trước, trong và sau khi gây án, Trung có bệnh rối loạn nhân cách và hành vi thực tổn; loạn sự thích ứng với hỗn hợp lo âu, trầm cảm. Trung gây án trong trạng thái say rượu, vẫn có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi nhưng bị hạn chế do bệnh, chưa đủ sức khỏe làm việc với cơ quan pháp luật nên đề nghị chữa bệnh một thời gian. Tuy vậy, biên bản giám định trên kết luận: “Đương sự gây án trong trạng thái say rượu, có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi nhưng bị hạn chế do bệnh. Hiện nay, đương sự chưa đủ năng lực làm việc với cơ quan pháp luật”.
Căn cứ vào kết luận giám định trên, VKSND TP.HCM quyết định áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc với Trung. Đến cuối tháng 1/2012, sau khi có kết luận Trung đã ổn định, đủ khả năng làm việc nên cơ quan điều tra phục hồi điều tra. Nguyễn Hữu Trung lại tiếp tục bị truy tố về tội “Giết người”.
Tuy nhiên, suốt quá trình Tòa án thụ lý giải quyết vụ án cũng như khi ra tòa, Trung vẫn có biểu hiện ngớ ngẩn, “chập cheng” khiến  hai lần Tòa phải hoãn xử để trưng cầu giám định tâm thần cho bị cáo. 
Các chuyên gia nói gì về kẻ giết người?
Tháng 11/2013, sau nhiều lần hoãn, phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Hữu Trung về tội “Giết người” đã được mở lại. Ngay từ đầu phiên tòa, Trung đã có những biểu hiện lơ ngơ của người bị tâm  thần, hỏi gì cũng không biết. 
Tòa án đã triệu tập hai đại diện của cơ quan giám định là Sở Y tế TP.HCM và Viện Giám định Pháp y tâm thần Trung ương phân viện phía Nam và một nhân viên tâm lý đến tòa để trình bày về tình trạng bệnh lý của bị cáo. Tại tòa, đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết Nguyễn Hữu Trung bị rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu, không nhận thức được thế giới một cách rõ ràng. Với chứng bệnh này thì khi có rượu người bệnh sẽ đập phá và có hội chứng quên, giảm trí nhớ; có thể gây nguy hiểm cho chính bản thân chứ chưa nói đến những người xung quanh.
Bình thường, nếu không uống rượu người bệnh có thể có trạng thái tâm thần minh mẫn nhưng khi có rượu thì bệnh tâm thần phát tác, không ý thức, mất kiểm soát hành vi. Yếu tố rượu làm tăng nặng tình trạng bệnh của bị cáo. Tuy xác định như vậy nhưng cả hai giám định viên đều “nói nước đôi” rằng việc giám định tâm thần không có chuẩn rõ ràng, mức độ đánh giá tùy thuộc vào mỗi lần giám định...
TAND TP.HCM đã quyết định hoãn phiên tòa để xem xét lại tình trạng tâm thần của bị cáo. Nguyễn Hữu Trung có đủ năng lực để chịu trách nhiệm hình sự hay không,  câu hỏi này  hiện vẫn đang bỏ ngỏ…
Đối với pháp luật hình sự Việt Nam, gây án trong trạng thái say rượu lại được xác định là một tình tiết tăng nặng trong một số tội như “Giết người”, “Cố ý gây thương tích”… Theo Bình luận khoa học về Bộ luật Hình sự 1999, nếu bị cáo gây án khi say rượu thì dù bị hại là người có lỗi trước nhưng bị cáo cũng không được hưởng tình tiết “gây án trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật của nạn nhân”. Vì khi say rượu nghĩa là bị cáo đã tự đặt mình vào trạng thái không kiểm soát được hành vi, đã “bị kích động về tinh thần” trước khi có hành vi của bị hại tác động vào… Tuy nhiên, pháp luật hình sự Việt Nam hiện chưa có quy định, hướng dẫn đối với trường hợp bị can, bị cáo gây án do uống rượu làm bệnh tâm thần phát tác hoặc bị bệnh nặng thêm. Thiết nghĩ, đây chính là khoảng trống pháp luật cần được điều chỉnh, xem xét để có quy định phù hợp. 

Đọc thêm