5 người tử vong bất thường: Công ty nói có báo cáo, Sở bảo không

(PLO) -Chiều ngày 13/1, UBND tỉnh Phú Yên có buổi làm việc với các đơn vị liên quan để triển khai chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khắc phục hậu quả và làm rõ nguyên nhân cái chết của 5 người tại hầm chứa nước hấp cá của Công ty Cổ phần Foodtech Chi nhánh Phú Yên (Công ty Foodtech).
Khu hấp cá, nơi xảy ra tai nạn khiến 5 người tử vong.
Khu hấp cá, nơi xảy ra tai nạn khiến 5 người tử vong.

Bị nạn khi lấy mẫu nước

Theo thông tin ban đầu, khoảng 11h ngày 12/1, anh Siriphong Phiuphu Khieo (49 tuổi, quốc tịch Thái Lan, chuyên gia Công ty Foodtech) yêu cầu công nhân là anh Huỳnh Văn Nê (22 tuổi, ngụ thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa) xuống lấy mẫu thì người này không bước lên được thang và bị ngã. 

Một người khác xuống cứu cũng không lên được. Sau khi cắt hệ thống điện, anh Siriphong cùng 2 công nhân khác xuống cứu và cũng bị tình trạng tương tự. 

Các nạn nhân gồm: anh Siriphong, anh Huỳnh Văn Nê, anh Hồ Viết Nguyên (36 tuổi, ngụ xã Hòa Thành), anh Nguyễn Văn Vinh (50 tuổi, ngụ thị trấn Hòa Vinh), anh Lê Thành (30 tuổi, ngụ xã Hòa Hiệp Bắc) cùng ở huyện Đông Hòa.

Lo sợ có chuyện chẳng lành, những công nhân khác phá cửa hầm xuống cứu những người gặp nạn. Khi được vớt lên, 4 nạn nhân đã tử vong, 1 nạn nhân được chở đi cấp cứu tại bệnh viện, nhưng cũng không qua khỏi. Được biết, hầm chứa nước hấp cá rộng khoảng 40m2 (hầm chứa dài 8m, rộng 5m), nước chỉ ngập khoảng 40 đến 50cm.

Chị Lê Thị Hoa (công nhân Công ty Foodtech, người chứng kiến sự việc) cho biết: “Thấy anh Nê gặp nạn, tưởng anh bị điện giật nên những người khác vội cúp cầu dao điện rồi lao xuống cứu. Tuy nhiên, lần lượt từng người, từng người xuống rồi không thấy trở lên. Lúc này, mọi người đều hoảng sợ nên không ai dám xuống nữa mà hô hoán mọi người đến phá hầm để cứu người. Tuy nhiên, tất cả đã muộn. Hầm này thường ngày vẫn có người xuống lấy mẫu, không hiểu sao lần này lại bị như vậy”.

Hầm chứa nước hấp cá, nơi xảy ra sự việc đau lòng.
Hầm chứa nước hấp cá, nơi xảy ra sự việc đau lòng.

Sau sự cố, Công ty Foodtech đã tạm ngưng hoạt động. Hiện gia đình và chính quyền địa phương đã lo mai táng các nạn nhân. Theo bà Nguyễn Thị Thu Vân - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Phú Yên, gia đình anh Vinh có 1 con đang học đại học, anh Nguyên có 1 con 3 tuổi, anh Thành có 2 con dưới 4 tuổi, anh Nê có mẹ bị tai biến và bà nội già yếu. 

“Những trường hợp trong vụ tai nạn hết sức thương tâm, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Chúng tôi sẽ vận động các doanh nghiệp hỗ trợ, tiếp bước đến trường, không để con cái của các công nhân gặp nạn vì khó khăn mà phải nghỉ học”, bà Vân cho biết.

Bài học đau lòng

Tại buổi họp báo chiều ngày 13/1, ông Nguyễn Thanh Tùng (trợ lý Tổng Giám đốc Công ty CP Foodtech), đại diện công ty gửi lời xin lỗi đến các gia đình nạn nhân. 

Ông Tùng cho rằng nguyên nhân sự việc là do sự thiếu sót khi tiến hành thử nghiệm việc cô đặc phần nước hấp cá ngừ thải ra để tận thu làm nước mắm. Thử nghiệm này nhằm làm giảm đi phần nước đưa vào hệ thống xử lý nước thải, hạn chế ô nhiễm môi trường. Công ty phân công anh Siriphong phụ trách. 

“Cứ nghĩ là nước cá mới tươi nấu lại cô đặc thì không có vấn đề gì. Phương pháp này mới thử nghiệm cho ra mẻ đầu tiên vào ngày 29/9/2016, đạt 17% độ đạm. Anh Siriphong và các công nhân nhiều lần trực tiếp xuống lấy mẫu mà không bị gì. Thử nghiệm lần 2 này không biết vì lý do gì mà xảy ra sự cố đáng tiếc”, ông Tùng nói.

Theo đại tá Nguyễn Xuân Hồng - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, công an tỉnh đã khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi. Bên cạnh đó, phối hợp với viện kiểm sát và các lực lượng chức năng tiến hành điều tra nguyên nhân vụ việc. “Nhận định sơ bộ ban đầu là nhiều khả năng các nạn nhân chết do ngạt khí độc”, đại tá Hồng nói. 

Ông Nguyễn Thanh Tùng gửi lời xin lỗi đến các gia đình nạn nhân.
Ông Nguyễn Thanh Tùng gửi lời xin lỗi đến các gia đình nạn nhân.

Về trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn lao động của Công ty Foodtech, ông Đinh Khắc Đô - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên cho biết, hàng năm sở này phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Phú Yên và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra toàn diện các công ty ở các khu công nghiệp. Trong đó, khu công nghiệp Hòa Hiệp (nơi có Công ty Foodtech) đã kiểm tra định kỳ vào năm 2015. 

“Vụ việc hết sức nghiêm trọng. Đơn vị này mới đưa ra thí nghiệm bể chứa nước hấp cá làm nước mắm và Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Phú Yên cũng không báo cáo với sở”, ông Đô cho biết.

Theo Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh Phú Yên, bể chứa nơi xảy ra vụ tai nạn trước đây là bể ngâm sản phẩm tre của một công ty khác, sau đó được Công ty Foodtech tận dụng làm bể chứa nước hấp cá. Nước hấp cá sẽ được bơm vào hệ thống xử lý môi trường nên gây ra mùi, ô nhiễm môi trường. Việc công ty tận thu phế phẩm thử nghiệm giảm thiểu ô nhiễm môi trường cần được khuyến khích. 

“Tuy nhiên, thử nghiệm này chưa được báo cáo với cơ quan chức năng”, đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết. Trái lại, ông Tùng lại khẳng định công ty có gửi văn bản báo cáo với Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Phú Yên để sử dụng phần đất này cho hoạt động cô đặc nước hấp cá, giảm thiểu ô nhiễm, tận thu làm nước mắm.

Tại cuộc họp, ông Phan Đình Phùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu công an tỉnh khẩn trương điều tra, kết luận nguyên nhân vụ việc. Nếu có vi phạm thì xử lý đúng người, đúng tội. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên phải có đợt thanh tra, kiểm tra an toàn lao động.

Đặc biệt, kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động nước ngoài, các cơ sở có nguy cơ mất an toàn lao động, báo cáo cho UBND tỉnh. Đối với gia đình các nạn nhân bị nạn, các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan cần thăm hỏi, động viên và hỗ trợ vật chất, tinh thần, giúp họ sớm ổn định cuộc sống.

Theo đại tá Hồng, nhận định ban đầu các nạn nhân tử vong là do ngạt khí độc.
Theo đại tá Hồng, nhận định ban đầu các nạn nhân tử vong là do ngạt khí độc.

“Đây là vụ việc cực kỳ nghiêm trọng, là một bài học đau lòng không thể lơ là. Chúng ta tạo môi trường thu hút các nhà đầu tư đến Phú Yên thì trước hết là phải an toàn. Khi ý thức chấp hành an toàn lao động từ cơ quan quản lý nhà nước, người sử dụng, đến người lao động đồng bộ thì mới tạo được môi trường tốt trong lao động. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải có giải pháp cụ thể, tham mưu cho UBND tỉnh”, ông Phùng nhấn mạnh.

Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, chiều ngày 12/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có chỉ đạo khắc phục hậu quả và làm rõ nguyên nhân. 

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Phú Yên khẩn trương tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình các nạn nhân sớm vượt qua đau thương, mất mát, ổn định cuộc sống.

Chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xác định nguyên nhân, trách nhiệm liên quan đến vụ tai nạn, nếu phát hiện có sai phạm thì xử lý theo quy định pháp luật. Kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất trên địa bàn về tuân thủ các quy định an toàn lao động, tăng cường thanh tra, kiểm tra bảo đảm không để xảy ra vụ việc tương tự.

Đọc thêm