7 nhiệm vụ chủ yếu của ngành Tư pháp

(PLO) - Triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, Bộ Tư pháp đã ban hành Chương trình hành động của ngành Tư pháp.
Phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tư pháp. Trong ảnh: Báo PLVN khởi động Chương trình Chung tay “xóa nghèo pháp luật” hôm 21/1/2014
Phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tư pháp. Trong ảnh: Báo PLVN khởi động Chương trình Chung tay “xóa nghèo pháp luật” hôm 21/1/2014
Theo đó, xác định, phân công và tổ chức thực hiện có hiệu quả 7 nhiệm vụ công tác chủ yếu nhằm triển khai các nhiệm vụ đã được đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.
Đi đầu là công tác văn bản
Trong công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), ngành Tư pháp sẽ tập trung rà soát, lập danh mục đề xuất các luật, pháp lệnh cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với quy định của Hiến pháp (sửa đổi), danh mục các quy định trong các VBQPPL trái với Hiến pháp; đề xuất xây dựng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đảm bảo khoa học, hợp lý, khả thi, chú trọng tới các dự án luật về tổ chức bộ máy, hoàn thiện thể chế kinh tế, các luật về tố tụng và các luật về bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo Nghị quyết của Quốc hội về quy định một số điểm thi hành Hiến pháp năm 2013 và Kế hoạch của Chính phủ về triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 cũng như tham gia tích cực và có chất lượng vào quá trình xây dựng các dự án luật, pháp lệnh này.
Cùng với việc tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, toàn ngành cũng khẩn trương soạn thảo Dự án Luật Ban hành VBQPPL (hợp nhất), Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi); tổng kết thi hành Bộ luật Hình sự và báo cáo Chính phủ về một số định hướng lớn sửa đổi Bộ luật Hình sự; chỉnh lý, hoàn thiện Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7; hoàn thiện các Dự án Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; tiếp tục xây dựng các dự thảo luật, pháp lệnh khác theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Theo dõi thi hành pháp luật trong 6 vấn đề kinh tế - xã hội trọng tâm
Năm 2014, trong công tác theo dõi thi hành pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC), ngành Tư pháp sẽ xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật tập trung vào những vấn đề kinh tế, xã hội có nhiều quan tâm như nông nghiệp, nông thôn, đất đai, giáo dục, y tế và XLVPHC. 
Qua đó kiến nghị, đề xuất các biện pháp, giải pháp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích, thu hút các nguồn lực phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tiếp tục đơn giản hóa TTHC liên quan đến gia nhập, hoạt động và rút lui khỏi thị trường của doanh nghiệp, cải cách TTHC trong thực hiện dự án đầu tư, nhất là các dự án có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư; thực hiện có hiệu quả Luật XLVPHC, Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật XLVPHC, các Nghị định của Chính phủ và Quyết định số 1950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng tổ chức bộ máy, biên chế triển khai thực hiện quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan tư pháp địa phương...
Đối với công tác thi hành án dân sự (THADS), phấn đấu kết quả thi hành năm 2014 đạt hoặc vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, đẩy nhanh tiến độ và xử lý dứt điểm các vụ việc THADS liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng để tạo điều kiện thu hồi nợ, giảm nợ xấu và mở rộng tín dụng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ và trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ công chức, khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm; chỉ đạo và triển khai các công việc liên quan đến thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội tại 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...
Ngoài ra, ngành Tư pháp cũng xác định rất nhiều nhiệm vụ cụ thể trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và hòa giải ở cơ sở; công tác bổ trợ tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm; công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về tư pháp pháp luật và các nhiệm vụ công tác khác. 

Đọc thêm