Chuyến tàu định mệnh của ông chủ hãng vận tải lạc gia đình

(PLO) - Trong 16 năm thất lạc, năm nào Bình cũng trở lại chỗ cũ, bắt chuyến tàu Hà Nội - Thái Nguyên với niềm đau đáu được đoàn tụ gia đình. Mười sáu năm tìm trong vô vọng, cho đến khi anh bắt nhầm chuyến tàu…
Anh Bình đã lạc lối về nhà suốt 16 năm
Anh Bình đã lạc lối về nhà suốt 16 năm
Chuyến tàu định mệnh
Đứa bé đi lạc năm nào là anh Nguyễn Văn Bình (SN 1966, ngụ phường 11, quận 5, TP.HCM), ông chủ một cơ sở vận tải tư nhân. Hỏi về câu chuyện kỳ lạ giúp anh tìm lại gia đình, anh Bình cười: “Trước kia, cứ nghĩ mình thiệt thòi vì không biết gia đình, họ hàng thân thích ở đâu. Nhưng nay mình lại là người hạnh phúc nhất thế gian vì có tới ba gia đình”. 
Gương mặt ánh lên vẻ hạnh phúc, anh chậm rãi kể lại cuộc đời thăng trầm. Là con út trong một đại gia đình làm nông có đến chín anh chị em tại một tỉnh phía Bắc, từ nhỏ cậu bé đã được mọi người trong nhà nuông chiều. 
Năm Bình tám tuổi, đúng ngày 25 tháng Chạp, nhà vừa bán được lứa lợn nên bố mẹ cho phép Bình cùng người anh thứ sáu (lúc ấy 15 tuổi) lên Hà Nội chơi, để thưởng cho thành tích học tập. 
“Từ nhà đi có đường xe lửa khá thuận tiện, nên sau khi cho tiền, bố dẫn chúng tôi ra ga tàu, cẩn thận chỉ cho anh tôi số hiệu tàu, dặn chơi xong, đến giờ chỉ việc ra ga đưa vé là về được đến nhà”, anh Bình nhớ lại.
Hai cậu nhóc mê mẩn đi chơi quên cả thời gian. Đến chiều muộn, anh của Bình mới sực nhớ phải về, vội vã kéo em trở lại ga. Một phần do vội vàng, phần không rành đường phải hỏi liên tục nên người anh đi khá nhanh. Cậu bé Bình dần đuối sức, khi qua một đoạn đường đông, bàn tay đang nắm chặt áo người anh bỗng tuột ra, nhìn lên thì bóng anh đã mất hút. Cố chạy tìm một lúc cậu bé hoàn toàn lạc đường. 
Trời đã sụp tối, xung quanh đường phố đầy những người xa lạ khiến đứa bé tám tuổi càng sợ hãi. Thấy đứa bé đứng bơ vơ góc đường thút thít khóc, một ông cụ vá xe gần đấy đến hỏi han rồi thương tình dắt về nhà nuôi ăn ở. 
Tuy nhiên, nhà ông quá nghèo cũng chỉ cầm cự cố nuôi cậu bé bữa rau bữa cháo qua ngày. “Thời gian đầu vừa sợ vừa nhớ nhà, tôi cứ khóc suốt. Thấy vậy, bác ấy không lúc nào dám để tôi một mình, đi đâu cũng dẫn theo”, anh nhớ lại. 
Khoảng nửa tháng sau, có vị khách ăn mặc lịch sự đến quán ông cụ vá xe. Nhìn cậu bé vẻ mặt buồn thiu dõi về đường phố tấp nập xe cộ, thỉnh thoảng còn lấy tay gạt nước mắt, vị khách thấy lạ hỏi thăm. 
Khi nghe rõ đầu đuôi câu chuyện, khách tỏ vẻ mừng rỡ, xin phép được nhận Bình về làm con nuôi. Thấy người này trình bày gia cảnh neo người, lại cho xem cả chứng minh và địa chỉ nhà, ông cụ đồng ý. 
Bố mẹ nuôi của Bình đều là cán bộ làm trong ngành cầu đường, kết hôn đã lâu nhưng không có con. Từ khi đón Bình về, căn nhà như có sức sống mới, không những thế, năm năm sau, người mẹ liên tiếp sinh liên tiếp hai em một trai, một gái trước sự ngỡ ngàng hạnh phúc của mọi người. Nghĩ là cậu con nuôi đã đem lại may mắn cho gia đình, vợ chồng họ càng yêu thương Bình, có khi còn hơn các con đẻ. 
Bình được bố mẹ nuôi làm lại giấy tờ, đổi tên là Nguyễn Văn Thanh, cho ăn học đầy đủ. Sống trong tình yêu thương của gia đình mới, nhưng lúc nào cậu bé cũng mong một ngày sẽ tìm được người thân ruột thịt. 
Do đặc thù công việc, nửa năm sau khi nhận Bình về, bố mẹ nuôi chuyển gia đình đến Sóc Sơn. Trên đường di chuyển từ Hà Nội về nơi ở mới, nhìn thấy quang cảnh hai bên hao hao giống như đường đã đi dạo trước, cậu bé cứ đinh ninh đây là con tàu dẫn về nhà cũ. 
“Sau lần ấy, tôi nghĩ mình đã tìm đúng hướng về nhà nên năm nào cũng vậy, cứ đến 25 tháng Chạp là tôi lại ra ga, bắt đúng chuyến tàu từ Hà Nội đi Thái Nguyên. Nhưng cứ đi như thế suốt mấy chục năm từ ga đầu tiên đến ga cuối cùng, đều không thể nhận ra những hình ảnh thân thuộc nơi mình đã sinh ra và lớn lên”, anh bùi ngùi nhớ lại.
Đi nhầm tàu, tìm lại gia đình
Thấy con vẫn hy vọng đoàn tụ gia đình, bố mẹ nuôi cũng tìm mọi cách, nhờ vả nhiều nơi, mong tìm ra chút manh mối nào đấy, nhưng đều bặt vô âm tín. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Bình đăng ký học lái xe vì suy nghĩ đơn giản, được đi đây đi đó nhiều, một ngày nào đấy sẽ có cơ hội tìm lại những người ruột thịt.
Vào ngày 25 Tết Canh Ngọ năm 1990, như mọi lần, anh lại bỏ hết mọi công việc bắt chuyến tàu Hà Nội - Thái Nguyên, nhưng không hiểu thế nào lại mua nhầm vé tàu Hà Nội - Phú Thọ. Đi được nửa đường, anh bắt đầu ngờ ngợ nhận ra một vài hình ảnh quen thuộc. Anh nói: “Cứ thế, khi đến ga cuối, tôi lần mò đi loanh quanh. Tuy cảnh vật đã có nhiều thay đổi nhưng những nếp nhà ở đây vẫn gợi cho tôi một cái gì đấy quen thuộc không giải thích được”. 
Chàng thanh niên chỉ còn biết đi như một thói quen, để mặc những linh cảm dẫn mình tiến vào sâu trong làng. Thấy có quán nước bên đường, Bình dừng lại định hỏi han, chưa kịp mở lời, bà hàng nước đã nhìn chăm chú cậu rồi reo lên: “Cậu có phải là đứa con thất lạc của nhà ông Kiên xóm này không”?.
“Nghe thấy bà cụ nói vậy, trong lòng tôi lúc đấy trào lên một cảm giác vui mừng khó tả, chỉ biết gật đầu”, Bình nói. Bà cụ vội vàng dẫn người thanh niên đi. 
“Từng cái cây trong vườn vẫn còn nguyên si như lúc tôi đi, không thể nhầm vào đâu được. Khi ấy trong nhà có cả bố mẹ và vợ chồng người anh trai thứ năm. Chỉ thoạt nhìn là tôi hiểu ngay tại sao bà hàng nước nhận ra tôi, vì tôi giống anh thứ năm như đúc”, anh kể.
Thấy đứa con thất lạc bao năm đứng ngay trước sân, cả nhà bàng hoàng không nói nên lời chỉ biết ôm nhau khóc. Sau giây phút ngậm ngùi, bố mẹ Bình vội vàng gọi điện thông báo cho tất cả anh chị em trong nhà về, hàng xóm láng giềng xung quanh biết chuyện cũng sang chia vui. 
Nghe kể lại, anh mới được biết từ khi mình mất tích, bố mẹ và các anh chị em trong nhà vẫn thường bắt xe lên Hà Nội tìm kiếm, thử sang cả những tỉnh lân cận đều không thấy. Người anh trai để lạc mất em, qua bao nhiêu năm, đến bây giờ vẫn tự dằn vặt bản thân. 
Hàn huyên một ngày, hôm sau, Bình dẫn bố mẹ đẻ đến gặp gỡ gia đình đã cưu mang mình suốt 16 năm. Tuy mới gặp lần đầu nhưng cả hai bên đều thân thiết như đã quen biết nhau từ lâu. 
Anh Bình tiếp tục câu chuyện: “Vì tôi đã lớn nên cả bố mẹ nuôi và bố mẹ ruột đều cho quyết định mọi việc. Lúc ấy, tôi có chung với người bạn trong TP.HCM mở cửa tiệm làm ăn, bản tính lại thích bay nhảy, nên quyết định vào lập nghiệp và lập gia đình luôn ở đây”.
Hiện nay, cuộc sống của cậu bé đi lạc hôm nào đã là một tổ ấm sung túc đầy đủ, với cơ sở kinh doanh xe làm ăn thuận lợi, bên người vợ hiền và hai cậu con trai. 
“Mỗi năm đến Tết, tôi đều đưa vợ con về Sóc Sơn và Phú Thọ thăm cả bố mẹ nuôi và bố mẹ đẻ. Năm nào, tôi cũng phải mua bằng được vé đi trên hai chuyến tàu định mệnh đã gắn bó cả quãng thời gian thơ ấu, góp phần tạo nên những bước ngoặt khó quên trong cuộc đời.

Đọc thêm