Cơ cực “phận “tàu chui” sau Tết

(PLO) - Kiếm được tấm vé tàu từ quê ra Hà Nội sau Tết là việc khó như… lên trời. Không mua được vé, đành đi vé “chui”, không ít người cả đêm đứng 1 chân, bịt mũi cố tránh mùi hôi thối bay ra từ nhà vệ sinh...
Cơ cực “phận “tàu chui” sau Tết

Có vé là được... "ngưỡng mộ"

Chiều tối mùng 5 Tết, 1 nhà ga ở Hà Tĩnh, nơi những sinh viên, người làm ăn xa tay xách nách mang đủ thứ lên Hà Nội để học, làm việc. Nghe đâu mỗi chuyến tàu như thế, nhà ga chỉ được 5 -  10 “suất” vé ra Hà Nội. Nhưng đếm sơ sơ người có nhu cầu ra Hà Nội trên chuyến tàu TN 18 sắp trờ tới cũng lên đến hàng chục, có khi cả trăm người.
Nhiều người phải đứng suốt cả chuyến đi
 Nhiều người phải đứng suốt cả chuyến đi
Ở nhà ga bé nhỏ ấy, những người không có vé thì nháo nhác chạy khắp nhà ga hỏi bằng được xem liệu có tấm vé nào may mắn sót lại. Có nhóm thì tụm 5 tụm 7 cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm đi “tàu chui”. Còn những người có vé, ngồi thong thả ở ghế chờ, quán nước, ung dung tận hưởng cái may mắn hiếm hoi vì nhanh tay, chủ động hơn khi đặt vé từ đầu tháng Chạp. 
Rồi mọi người lại được phen nhốn nháo khi nghe tin ở đâu đó rằng, có người trả 1 vé giường nằm ở tầng 3. Tấm vé đang nằm trong tay của 1 “phe vé” và được “chào bán” với giá 800 ngàn đồng. Đó là giá của 1 giường nằm cứng, đi trên quãng đường tầm 300km. Giá vé đã được “thổi” lên gấp 2,5 lần ngày thường.
Những tưởng mọi người sẽ ngán ngẩm vì mức giá trên trời đó. Nhưng ai ai cũng nhao nhao đến, muốn mua bằng được tấm vé “ngàn vàng” đó. Xô đẩy, cãi vã mướt mồ hôi, nhưng may mắn cũng chỉ đến với 1 người. Vì có quan hệ họ hàng với tay “phe vé” nọ, người này cầm tấm vé trên tay trong sự ngưỡng mộ của hàng trăm con mắt.
Sự khác biệt thể hiện rõ giữa người có và không có vé
 Sự khác biệt thể hiện rõ giữa người có và không có vé
Tàu trờ tới ga, khi người người nhao nhao nhảy lên một vài cánh cửa hiếm hoi được mở. Gã nhân viên đường sắt được 1 phen ra oai, ra sức mắng nhiếc, đem những lời chẳng mấy hay ho chửi bới đám người đang cố gắng trèo bằng được lên tàu. Trong đám người đó, có nhiều người đáng tuổi cha, tuổi chú gã.
Lên được tàu, đây cũng là lúc mà người có vé cảm thấy mình may mắn đến nhường nào. Mặc dù vẫn đang nằm trong đám đông chen lấn, xô đẩy để nhích từng bước đi chậm chạp trên lối đi giữa 2 hàng ghế, nhưng những người có vé đã “định vị” được chỗ của mình sẽ nằm ở đâu. Còn đám đi “tàu chui”, vừa lo đối phó với đám nhân viên trên tàu, vừa không biết sắp tới mình sẽ ngồi đâu, đứng đâu, và vị trí của họ gần như chỉ được xác định sau khi lên tàu khoảng 1 tiếng đồng hồ.
Tôi, nằm trong đám đông đi “tàu chui” ấy, nhìn những người đã có chỗ ngồi với ánh mắt vừa ghen tỵ, vừa ngưỡng mộ. 
Cơ cực phận “tàu chui”
Vị trí của đám đi “tàu chui”, sau khi “làm luật” hết 250 ngàn, ai may mắn thì có cái ghế nhựa ngồi trên giữa lối đi, để chốc chốc phải nhổm dậy tránh đường cho nhân viên đường sắt hoặc hành khách đi vệ sinh. Còn lại thì đứng, ngồi la liệt ở khoảng giữa 2 toa, trước cửa toa - lét.
Có người đứng mỏi chân, ngồi ghé vào 1 ghế của đôi thanh niên có vé. Lập tức anh thanh niên gắt lên: Anh đứng dậy đi. Đây là ghế của em. Lần sau muốn ngồi thì mua vé mà ngồi”.
Trải chiếu nằm giữa khoảng trống 2 toa để ngủ
 Trải chiếu nằm giữa khoảng trống 2 toa để ngủ
Khi những người đi “tàu chui” đang hướng mắt nhìn anh thanh niên trên với ánh mắt đầy vẻ trách móc, khó chịu, bỗng mọi người phải giật mình vì tiếng thét của 1 cô gái làm át cả tiếng xình – xịch của đoàn tàu.
Chả là cô gái đó người ngoài Bắc, về Nghệ An làm dâu. Nay phải đi “tàu chui” nên đành cùng chống ngồi bệt ở  chỗ nối giữa 2 toa. Có người đi qua, do trời tối không nhìn thấy, đã “nện” thẳng đầu gối vào đầu cô gái. Thế là sau màn xuýt xoa vì đau, gần như cả chuyến đi cô gái “càm ràm” anh chồng đủ mọi chuyện, nào là không lo đi mua vé từ sớm, để vợ phải khổ; nào là “lấy anh về chẳng ngày nào được sung sướng”… Ban đầu anh chồng còn nhịn, sau thì cãi lại. Thế là cả toa tàu phải nghe “vọng cổ” suốt cả giờ.
Cũng chuyến tàu ấy, tàu dừng lại gần như tất cả các ga ở trên đường vì thế mật độ người trên các toa ngày 1 cao. Ban đầu, đám “tàu chui” còn có người được ngồi. Sau đó, vì tàu “nêm” quá chật nên dần dần mọi người phải đứng lên cả. Đến nửa đêm, có người đã phải đứng bằng 1 chân.
Khổ nhất là cái nhà vệ sinh ở mỗi toa tàu, dường như “công suất” không đủ cho số người quá lớn như vậy nên sinh ra dở chứng và tắc lại. Thế là cứ mỗi khi cánh cửa nhà vệ sinh được hé ra vì ai đó có “nhu cầu” cũng là lúc cả toa tàu phải bịt mũi vì mùi hôi thối không tài nào ngủ được. Ấy thế mà mấy người đi “tàu chui” vì không gian chật hẹp đã đứng ngồi vây kín lấy cái nhà vệ sinh chật hẹp đó, để rồi suốt đêm phải bịt mũi chịu trận.
Đánh bài rồi cãi vã ầm ĩ.
 Đánh bài rồi cãi vã ầm ĩ.
Đến rạng sáng, khi đó đám “tàu chui” tản đều ra các toa tàu, lúc đó không gian mới rộng ra được, không còn ai phải đứng. Đây cũng là lúc mọi người trải chiếu tràn lan ra lối đi, giữa 2 toa để ngủ. Còn đám “tàu chui”, có muốn ngủ cũng khó, thế là tập hợp thành những nhóm bạn bè trải chiếu để chơi bài. Thế là các toa tàu lại được thêm 1 phen ồn ào, nhốn nháo.
Hầu hết các nhóm chơi bài đều tổ chức đánh bạc, nhưng không ai dám đưa tiền ra chơi. Thế là sau mỗi ván, lại lẩm nhẩm người này nợ người kia bao nhiêu. Càng về khuya, những cái đầu mệt mỏi lại càng uể oải, không còn nhớ nổi những con số, thế là cãi nhau ầm ỹ, đầy đủ ngôn từ tục tĩu, bậy bạ đều được phát ra. Và các cuộc ầm ỹ như thế cứ kéo dài mãi.
Tàu vào ga Hà Nội gần 4 giờ sáng. Cũng như khi lên tàu, lúc xuống tàu, rất dễ phân biệt giữa người có vé và người đi “tàu chui”. Người có vé ngủ được 1 chút, sắc diện tươi tỉnh hơn. Đám đi “tàu chui” chắc cũng chẳng ai ngủ được, mặt mũi thâm quầng. Vừa đi đám “tàu chui” vừa tự khuyên nhau rằng năm sau cố gắng mua vé sớm. Nhưng nói rồi lại buồn, mỗi ga chỉ được mấy “suất”, rồi lại phải kéo nhau đi “tàu chui” cả.

Đọc thêm