8 cá thể hổ bị chết, ai là người phải chịu trách nhiệm?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Việc có đến 08 cá thể hổ bị chết trong quá trình tạm giữ và xử lý vật chứng là thiếu sót rất lớn, thậm chí có thể có những vi phạm của các cơ quan và cá nhân có trách nhiệm, gây ra những phản ứng tiêu cực trong dư luận xã hội.” Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS - Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội – nêu quan điểm.
8 cá thể hổ bị chết, ai là người phải chịu trách nhiệm?

-Thưa luật sư, hành vi nuôi nhốt động vật hoang dã như vậy sẽ bị xử lý như thế nào?

Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Theo Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thì “hổ đông dương” (tên khoa học là Panthera tigris corbetti) thuộc nhóm IB, STT 32 (lớp thú, bộ thú ăn thịt). Ngoài ra, hổ cũng thuộc Danh mục các loại nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Ban hành kèm theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ).

Do đó, việc nuôi, nhốt hổ trái phép là thuộc nhóm hành vi “săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” trong cấu thành của “Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” (Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017). Tùy thuộc vào số lượng cá thể hổ vị nuôi, nhốt trái phép, cũng như tính chất và mức độ vi phạm mà người phạm tội này có thể bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng, hoặc phạt tù từ 01 năm đến cao nhất là 15 năm. Bên cạnh đó, người phạm tội này còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trường hợp chủ thể phạm tội là pháp nhân thương mại thì có thể phải chịu mức phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến cao nhất là 15.000.000.000 đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm, thậm chí có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra việc phải chịu một trong các loại hình phạt chính nêu trên thì pháp nhân thương mại phạm tội này cũng có thể phải chịu hình phạt bổ sung là: Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

- Theo quy định thì các chứng cứ là động vật sống sẽ phải được lưu giữ và xử lý như thế nào?

Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Theo quy định tại điểm d Khoản 3 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì đối với “vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.” Tương tự như vậy, tại điểm a Khoản 1 Điều 7 Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao cũng quy định: “Đối với vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm còn sống thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành để trả về tự nhiên, giao cho trung tâm cứu hộ, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia hoặc giao cho cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.”

Và việc xử lý động vật rừng là tang vật hoặc vật chứng cũng đã được quy định khá chi tiết tại Thông tư số 29/2019/TT-BNNPTNT ngày 31/12/2019 của Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó, tại Điều 4 Thông tư này đã quy định:

“1. Cơ quan tạm giữ động vật rừng là tang vật vi phạm hành chính; cơ quan tạm giữ động vật rừng là vật chứng của vụ án hình sự có trách nhiệm nuôi dưỡng động vật rừng còn sống; bảo quản động vật rừng đã chết, bộ phận cơ thể, sản phẩm của động vật rừng. Biện pháp nuôi dưỡng, bảo quản phải phù hợp với đặc điểm từng loài động vật rừng, bảo đảm vệ sinh, an toàn cho người và động vật rừng.

2. Trường hợp cơ quan tạm giữ không có điều kiện nuôi dưỡng, bảo quản động vật rừng thì chuyển giao động vật rừng cho cơ sở có điều kiện để nuôi dưỡng, bảo quản trong thời gian chờ quyết định xử lý của người có thẩm quyền. Việc chuyển giao động vật rừng phải lập biên bản theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Kinh phí nuôi dưỡng, bảo quản động vật rừng là tang vật, vật chứng trong quá trình tạm giữ thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về tố tụng hình sự.”

Theo các quy định nêu trên, sau khi tạm giữ vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm còn sống thì cơ quan điều tra có trách nhiệm nuôi dưỡng các động vật này. Biện pháp nuôi dưỡng phải phù hợp với đặc điểm từng loài động vật, bảo đảm vệ sinh, an toàn cho người và động vật. Trường hợp cơ quan điều tra không có điều kiện nuôi dưỡng thì phải chuyển giao các động vật còn sống bị tạm giữ cho cơ sở có điều kiện để nuôi dưỡng trong thời gian chờ quyết định xử lý của người có thẩm quyền. Và ngay sau khi có kết luận giám định thì cơ quan điều tra phải giao các động vật còn sống bị tạm giữ cho cơ quan quản lý chuyên ngành để trả về tự nhiên, giao cho trung tâm cứu hộ, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia hoặc giao cho cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

-Theo ông, ai sẽ phải chịu trách nhiệm đối với việc 8 cá thể hổ bị chết?

Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Nguyên nhân chết của 08 con hổ, cũng như trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có liên quan như thế nào sẽ còn phải chờ kết quả điều tra, xác minh của các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, đối với các vụ việc hoặc vụ án hình sự có tang vật, vật chứng là các động vật hoang dã còn sống, đặc biệt là các động vật nguy cấp, quý hiếm thì ngoài việc coi chúng như các vật chứng, để làm căn cứ xử lý trách nhiệm của người vi phạm, các cơ quan chức năng cũng cần phải có kế hoạch và phương án để bảo vệ an toàn, đảm bảo sự sống cho các động vật này. Do đó, việc có đến 08 con hổ bị chết trong quá trình tạm giữ và xử lý vật chứng là thiếu sót rất lớn, thậm chí có thể có những vi phạm của các cơ quan và cá nhân có trách nhiệm, gây ra những phản ứng tiêu cực trong dư luận xã hội.

Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng điều tra, xác minh, để làm sáng tỏ nguyên nhân chết của 08 con hổ, cũng như làm rõ trách nhiệm, thiếu sót, hoặc là vi phạm của các cơ quan và cá nhân có liên quan (nếu có), để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

- Đối với 8 cá thể hổ chết thì phải xử lý như thế nào đối với chứng cứ này?

Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Theo quy định tại điểm b Khoản 1, Điều 7 Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao quy định” Vật chứng là cá thể động vật chết hoặc sản phẩm động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc loại mau hỏng, khó bảo quản thì tiêu hủy hoặc giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.” Theo quy định này, sau khi hoàn thành xong các thủ tục tố tụng, điều tra cần thiết thì 08 con hổ đã chết này có thể bị tiêu huỷ hoặc giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật (các cơ sở nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành.v.v..).

- Xin cám ơn ông!

Lực lượng Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ 17 cá thể hổ nuôi nhốt trái phép trong nhà 2 hộ dân ở xã Đô Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An). Chuồng nuôi nhốt hổ được làm bằng lồng sắt rất chắc chắn.

Chủ cơ sở thứ nhất là anh Nguyễn Văn Hiền (SN 1982) và chị Hồ Thị Thanh (SN 1990), ở xóm Nam Vực nuôi 14 cá thể hổ đã trưởng thành. Hai người này khai nhận, tự cải tạo chuồng trại với diện tích 80m2, bao bọc sắt thép chắc chắn.

Số hổ này được đưa từ Lào về nuôi từ khi còn nhỏ; đến nay mỗi con có trọng lượng đạt gần 200kg.

Chủ cơ sở thứ hai là bà Nguyễn Thị Định (SN 1971), xóm Phú Xuân, nuôi nhốt 3 cá thể hổ.

Bà Định đã xây dựng hệ thống tầng hầm nuôi hổ với diện tích 120m2. Mỗi cá thể hổ ở đây nặng từ 225kg đến 265kg.

Hiện vụ việc đang được lực lượng Công an Nghệ An tiếp tục điều tra, làm rõ.

Đọc thêm