95% ngân hàng đã sẵn sàng chuyển đổi số

(PLVN) - Khẳng định chuyển đổi số là hướng đi chiến lược bền vững trong kỷ nguyên 4.0, PGS.TS Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, hoạt động chuyển đổi số đã và đang được ngành rất quan tâm, chủ động triển khai với 95% tổ chức tín dụng đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược quan trọng này…

Phục vụ tốt hơn cho người dân, khách hàng

Ngày 11/5/2021, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ký Quyết định 810/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch chuyển đổi số (CĐS) ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Kế hoạch 810).

Theo PGS.TS Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc NHNN, việc xây dựng và ban hành Kế hoạch 810 nhằm xác định rõ định hướng, kế hoạch triển khai của ngành NH trong xu thế CĐS, giúp ngành NH nắm bắt thời cơ, vượt lên thách thức của cuộc CMCN 4.0; qua đó góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình CĐS quốc gia, hỗ trợ phát triển kinh tế số tại Việt Nam.

Kế hoạch 810 được xây dựng, tiếp cận theo hướng đặt người dân, khách hàng (KH) ở vị trí trung tâm, hướng tới việc phục vụ tốt hơn cho người dân, cho KH.

Đối với tổ chức tín dụng (TCTD) mục tiêu hướng tới là “Phát triển các mô hình NH số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm KH và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, phát triển bền vững trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ”. Với mục tiêu này, hoạt động CĐS tại TCTD gắn với nhiệm vụ về gia tăng tiện ích, trải nghiệm KH và cung ứng sản phẩm theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa nghiệp vụ… nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt cho các TCTD trong quá trình thực hiện.

“Nhìn chung, việc xác định mục tiêu tổng quát tại Kế hoạch 810 được tiếp cận từ góc độ là ngành NH là bên cung ứng dịch vụ phục vụ người dân, DN, phục vụ KH và cách tiếp cận này cũng được thống nhất, xuyên suốt từ quan điểm xây dựng Kế hoạch, đó là “nâng cao chất lượng cung ứng sản phẩm, dịch vụ, gia tăng trải nghiệm và đáp ứng nhu cầu KH là thước đo hiệu quả của quá trình CĐS”…”- Lãnh đạo NHNN khẳng định.

Mục tiêu và thách thức

Kết quả khảo sát của NHNN cho thấy, hoạt động CĐS đã và đang được các TCTD rất quan tâm và chủ động triển khai với 95% TCTD đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược CĐS. Bên cạnh đó, hầu hết các NH đều ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới trong hoạt động và cung ứng dịch vụ, trong đó có 9/19 nghiệp vụ đã được một số NH số hóa hoàn toàn (như gửi tiết kiệm; tiền gửi có kỳ hạn; mở và sử dụng tài khoản thanh toán; thẻ NH; ví điện tử; chuyển tiền; quản lý nhân sự; kế toán - tài chính...). Nhiều NH cũng đã ứng dụng các công nghệ AI, ML và Big Data để đánh giá, phân loại KH và quyết định giải ngân... giúp đơn giản hóa quy trình thủ tục và rút thời gian giải ngân, cho vay.

Thêm nữa, số lượng, giá trị giao dịch NH qua kênh số có sự tăng trưởng mạnh, trong đó mức tăng trưởng thanh toán di động năm 2020 so với 2019 là 114% về số lượng và 118% về giá trị; thanh toán QR code tăng 72,9% về số lượng giao dịch. Hệ thống thanh toán bù trừ tự động các giao dịch bán lẻ (ACH) xử lý 5-7 triệu giao dịch thanh toán liên NH mỗi ngày, năm 2020 tốc độ tăng trưởng số lượng và giá trị giao dịch lần lượt là 78% và 128 % so với năm 2019…

“Với thực trạng triển khai và xu hướng CĐS tại các TCTD thời gian qua kết hợp với các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể tại Kế hoạch 810, tôi tin tưởng rằng các mục tiêu cụ thể tại Kế hoạch CĐS ngành NH là hoàn toàn khả thi!” - PGS.TS Nguyễn Kim Anh khẳng định.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 đã cho thấy các hạ tầng quan trọng của ngành NH như hệ thống thanh toán, hệ thống thông tin tín dụng và các NH hoạt động bền bỉ, thông suốt, đáp ứng nhu cầu của người dân, DN, các cơ quan Chính phủ một cách nhanh chóng, đáp ứng tốt xu hướng dịch chuyển số, tăng tốc số của các chủ thể trong nền kinh tế.

Thách thức lớn nhất mà ngành NH đã và đang gặp phải trong quá trình CĐS được chỉ ra chính là về sự đồng bộ và phù hợp của các quy định pháp lý hiện hành liên quan về giao dịch điện tử, chữ ký, chứng từ điện tử, việc định danh và xác thực KH điện tử, việc chia sẻ dữ liệu và bảo mật thông tin KH, quy trình nghiệp vụ... với thực tiễn ứng dụng công nghệ số trong hoạt động NH.

Cùng với đó là thách thức về sự đồng bộ và chuẩn hóa các cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo thuận lợi cho kết nối liên thông, tích hợp liền mạch giữa ngành NH với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành hệ sinh thái số, cung ứng dịch vụ đa tiện ích cho KH; thách thức từ thay đổi nhận thức, thói quen, hành vi người tiêu dùng; việc đảm bảo an ninh an toàn và huy động, bố trí nguồn lực phục vụ CĐS.

Từ việc xác định được các thách thức, Kế hoạch 810 cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để dần tháo gỡ và giải quyết các thách thức này.

“CĐS đối với ngành NH không còn là sự lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc, là hướng đi chiến lược nhằm giúp Ngành cạnh tranh hiệu quả và phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0” - Lãnh đạo NHNN khẳng định.

Kế hoạch 810 đề ra một số chỉ tiêu cụ thể liên quan đến việc cung ứng dịch vụ hoạt động nghiệp vụ tại TCTD như: Ít nhất 50% các nghiệp vụ được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số vào năm 2025 và đến năm 2030 là 70%;

Chỉ tiêu về số lượng giao dịch của khách hàng trên các kênh số đạt ít nhất 70% năm 2025 và 80% năm 2030;

Chỉ tiêu về tỷ lệ quyết định giải ngân, cho vay của NH thương mại, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động: Đến năm 2025 đạt tối thiểu 50% và đến năm 2030, đạt tối thiểu 70%.

Đọc thêm