Ai đã tiếp tay cho Ngân gốm lừa đảo?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mặc dù có vô số người liên tiếp bị lừa đảo trong nhiều năm nay nhưng Ngân gốm vẫn “sống khỏe” và thản nhiên lừa thêm được rất nhiều người. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Vậy ai đã tiếp tay cho đối tượng này “lừa khỏe”, “lừa dai” tới như vậy?
Hình ảnh Ngân gốm trên một bài viết của kênh thông tin afamily cách đây 4 năm.
Hình ảnh Ngân gốm trên một bài viết của kênh thông tin afamily cách đây 4 năm.

Như loạt bài báo PLVN đã đăng tải, mặc dù có vô số người liên tiếp bị Ngân Gốm lừa đảo trong nhiều năm nhưng tới nay đối tượng này vẫn “sống khỏe” và thản nhiên lừa thêm được rất nhiều người khác.

Song song với việc bị tố lừa đảo, điều khó hiểu là Ngân Gốm lại được kênh thông tin afamily (Thuộc Công ty Cổ phần VCCorp) từng viết về PR. Ngân Gốm đã lợi dụng bài viết này để lấy sự tin tưởng của mọi người từ đó tung chiêu lừa đảo một cách dễ dàng.

Ngân gốm đăng tải bài viết về bản thân trên kênh afamily để lấy được lòng tin từ khách hàng.

Ngân gốm đăng tải bài viết về bản thân trên kênh afamily để lấy được lòng tin từ khách hàng.

Cụ thể, trên trang cá nhân của mình, Ngân Gốm đăng một bài viết: “Là tôi đó mặt báo nào cũng góp mặt. Sau đó dẫn đường links bài viết “Bị chồng phụ, tay trắng khởi nghiệp, người phụ nữ khoe xe hơi “tự thưởng” chứng minh “càng khổ càng thành đạt”” được viết cách đây 4 năm, bài viết nhận được rất nhiều lượt thích và chia sẻ. Đây chính là “đòn bẩy” khiến Ngân Gốm vươn 'vòi' lừa đảo của mình.

Trong bài viết, Ngân Gốm được nhắc tới bởi sự mạnh mẽ và thành công của mình khi trở thành mẹ đơn thân.

Bài viết về Ngân gốm mà afamily đăng tải.
Bài viết về Ngân gốm mà afamily đăng tải.

“Những người phụ nữ bị chồng phụ rẫy, lừa dối sau lưng, đa số sẽ rơi vào khủng hoảng và hoàn toàn chìm đắm trong thương đau. Nhưng có mấy ai đủ sức và đủ quyết tâm để gượng dậy, làm lại từ đầu, biến thương đau thành một cuộc sống màu hồng như người phụ nữ này đâu.

Câu chuyện của chị được gói gọn trong vài dòng ngắn ngủi mà chị vừa đăng trên một hội nhóm chị em, có nội dung là: "Tự thưởng vì tôi là người phụ nữ chịu khó. Chồng ngoại tình vứt mẹ con tôi bơ vơ, tôi đã sống là để chứng minh. Phụ nữ càng khổ càng thành đạt".

Và đi kèm với những dòng "khí phách" đó chính là hình ảnh chiếc xe hơi màu đỏ mà chị vừa mua để tự thưởng cho bản thân mình…”- Đó là những dòng mô tả về đối tượng Ngân Gốm trên afamily.

Đa số mọi người, đặc biệt là các chị em đều tỏ ra ngưỡng mộ trước sự mạnh mẽ và quyết tâm của Ngân Gốm, một số lấy “tấm gương” này làm động lực cho bản thân làm lại từ đầu khi có hoàn cảnh giống như Ngân Gốm.

Theo như lời một nạn nhân đã từng bị Ngân Gốm lừa đảo, Ngân Gốm trước đây thường đăng bán các sản phẩm gốm xứ của Bát Tràng và tự nhận mình là chuyên gia về gốm xứ tại Bát Tràng. Cộng thêm với bài viết ““Bị chồng phụ, tay trắng khởi nghiệp, người phụ nữ khoe xe hơi “tự thưởng” chứng minh “càng khổ càng thành đạt” được đối tượng này chia sẻ, hầu hết những người bị Ngân lừa đảo đều xuất phát từ lòng tin vào bài viết trên trang cá nhân của Ngân Gốm.

Nhân vật tên người phụ nữ mạnh mẽ trong bài viết kia có phải là Ngân Gốm ở ngoài đời không? Hay chỉ là chiêu mượn danh của chủ tài khoản lấy tên Ngân Gốm?

Nếu hai người này đúng là một thì vì sao một đối tượng lừa đảo như vậy lại được ca tụng? Phải chăng chính bài viết của afamily khiến thủ đoạn lừa đảo của Ngân Gốm được “bảo hành” hơn. Các nạn nhân hoài nghi, trong bài viết đó có bao nhiêu % là sự thật? Có hay không việc Ngân Gốm "mua bài viết" để đánh bóng tên tuổi sau đó dùng làm vũ khí lợi dụng lòng tin của khách hàng để lừa đảo? Trách nhiệm của trang tin afamily này như thế nào?

Sau khi lừa rất nhiều người, đối tượng Ngân gốm vẫn tiếp tục thách thức cơ quan chức năng bằng việc ngang nhiên đăng bài quảng cáo Facebook.
Sau khi lừa rất nhiều người, đối tượng Ngân gốm vẫn tiếp tục thách thức cơ quan chức năng bằng việc ngang nhiên đăng bài quảng cáo Facebook.

Không chỉ có afamily, facebook đang là "công cụ" hữu hiệu, mạnh mẽ 'tiếp tay" cho thủ đoạn lừa đảo của Ngân Gốm. Cho tới thời điểm hiện tại, sau khi Báo Pháp luật Việt Nam đã đăng tải loạt bài “Ngân Gốm” lừa đảo, facebook vẫn tiếp tục quảng cáo cho trang cá nhân này, với nội dung bán thanh lý các mặt hàng tiêu dùng có tên tuổi với giá siêu rẻ.

Việc Facebook cho chạy quảng cáo bài đăng có tính phí mà không có sự thẩm định cũng là “kẽ hở” cho các đối tượng muốn lợi dụng sự lan tỏa của mạng xã hội nhằm mục đích lừa đảo.

Với hơn 31 nghìn lượt theo dõi trên trang cá nhân của đối tượng này, nếu không có sự vào cuộc nhanh chóng của cơ quan chức năng, không thể biết sẽ có thêm bao nhiêu người sẽ là “mồi ngon” tiếp theo của Ngân Gốm?

Thực tế, chỉ trong vòng 1 tháng khi bài viết về đối tượng lừa đảo này của Báo Pháp luật Việt Nam đăng tải, đã có hàng chục nạn nhân liên tiếp tìm tới Báo mong “tiếng nói” của cơ quan ngôn luận có thể cảnh tỉnh được người tiêu dùng cũng như “khẩn thiết” sự vào cuộc của cơ quan chức năng.

Đọc thêm