Cụ thể ở đây là làm nghiên cứu sinh tiến sỹ. Không có chứng chỉ ngoại ngữ “đừng hòng” mà bảo vệ luận án. Những con người đáng kính - các giáo sư, tiến sỹ đi trước, nay ở trong hội đồng chấm thi hoặc hướng dẫn không đòi hỏi và cũng chẳng kiểm tra trình độ ngoại ngữ bắt buộc phải đạt tới của nghiên cứu sinh, chỉ cần tấm bằng là đủ, dù nó được mua hay kiếm bằng cách nào.
Không thể dùng tấm bằng giả của Đại học Đông Đô để xin việc vì chỉ cần hỏi người dự thí vài câu là lòi ra bằng giả ngay. Cũng không thể dùng bằng này để di dạy ngoại ngữ, dù là bất cứ đâu, thuộc biên chế hay lớp ban đêm, bởi “mù ngoại ngữ” thì tấm bằng có giúp ích được gì đâu.
Dùng các phép loại trừ đó để thấy mục đích duy nhất của những người mua bằng giả này là để kiếm danh, để mình có cái học vị khoa học. Và, kết cục là đất nước chúng ta có một đội ngũ tiến sỹ đông đảo và hùng mạnh nhưng không thông thạo bất cứ ngoại ngữ nào, dự hội thảo quốc tế sẽ ngơ ngác như người mù chữ đi học.
Người viết bài này từng dự một hội nghị Hiệp hội luật gia Đông Nam Á tại Singapore. Tất cả các hội thảo, tọa đàm, trao đổi lớn nhỏ trong khuôn khổ hội nghị đều dùng trực tiếp tiếng Anh mà không hề có phiên dịch. Thật khó khăn cho những ai không biết thứ tiếng này và tại đây, một môi trường thử nghiệm thật tốt để các tiến sỹ mua bằng ngoại ngữ lộ diện.
Những tiến sỹ dùng bằng giả có thể vênh vang với làng xóm, họ hàng... nhưng chỉ trong phạm vi đó thôi, còn đồng nghiệp, học trò, bạn bè thì biết rõ anh chỉ là tiến sỹ giấy. Nhưng chờ đến lúc thực tế kiểm nghiệm thì đã quá muộn và các tiến sỹ kia dù không biết xấu hổ nhưng thể diện quốc gia, nền khoa học nước nhà với các danh xưng học hàm, học vị bị phỉ báng dưới con mắt các đồng nghiệp khu vực.
Thế nên đây hẳn là cơ hội tốt để văn hóa từ chức được thực hành. Đừng đợi cơ quan chức năng công khai danh tính làm gì, nếu còn chút liêm sỷ và tự trọng thì hãy thú nhận mình mua bằng, tự thoái vị (học vị) hoặc từ chức, giúp cơ quan tố tụng dễ dàng làm việc và giúp đất nước thoát khỏi tệ mua bằng, bán tước!