Ám ảnh phiên tòa xử kẻ gây án mạng vì bị vợ từ chối gối chăn

(PLO) -  Vòng tay ôm vợ bị từ chối phũ phàng, gã chồng vũ phu vung dao đoạt mạng vợ.
 Bị cáo trong phiên tòa.
Bị cáo trong phiên tòa.

Ma men đưa lối

Ngày 21/6, TAND TP.HCM mở phiên xử lưu động bị cáo Trần Hoài Sơn (SN 1987) phạm tội “Giết người”. Nạn nhân là chị Đoàn Thị Nhàn (SN 1993, cùng quê Phú Yên), người vợ đầu gối tay ấp với Sơn.

Trong khi đông người dự khán chăm chú theo dõi diễn biến phiên tòa, hai bé trai là con của nạn nhân và bị cáo vẫn vô tư chạy nhảy nô đùa trong khoảng sân trống. Mẹ nạn nhân nước da đen nhẻm, dáng người khắc khổ vừa theo dõi phiên tòa vừa phải trông chừng hai cháu ngoại.

Thỉnh thoảng mải nghe tòa, bà lại giật mình hớt hải nhìn quanh tìm các cháu. Khi thấy hai đứa nhỏ vẫn đang tha thẩn chơi gần đó, người phụ nữ lam lũ lại hướng đôi mắt về phía HĐXX.

Mẹ nạn nhân chia sẻ về con rể đang đứng trước vành móng ngựa: “Nhà Sơn với nhà tôi cách nhau không xa. Nhà bên ấy nghèo nên nó phải đi làm thuê khắp nơi. Con gái tôi cũng có nhiều người dạm hỏi nhưng nó lại thương thằng Sơn. Gia đình tôi cũng chẳng chê bên đó nghèo, nghĩ chỉ cần hai đứa chúng nó thương yêu nhau thì khó khăn mấy cũng vượt qua… Vậy mà”.

Sau đám cưới, thời gian đầu Sơn cũng chăm chỉ làm ăn. Nhưng một năm vụ lúa chỉ có mấy tháng, thời gian nông nhàn Sơn bắt đầu sa vào tật ham nhậu của những người đàn ông nhàn rỗi ở quê.

Tuy chưa đến nỗi nghiện ngập, nhưng đáng ra thời gian để giúp vợ đồng áng thì Sơn lại bận “gầy độ” với mấy ông hàng xóm hoặc ngủ nướng vì đêm hôm trước quá chén. Hai đứa con lần lượt ra đời, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ càng thêm khó khăn. Cũng từ đây mâu thuẫn nảy sinh.

Trước đây khoảng một năm, Sơn nói với vợ sẽ vào TP.HCM bán vé số kiếm tiền nuôi con. Vợ Sơn đã khấp khởi mừng thầm tưởng chồng biết suy nghĩ, có trách nhiệm biết lo cho vợ con. Chị gửi con nhỏ hơn một tuổi ở nhà với ông bà ngoại, hai vợ chồng dắt đứa con bốn tuổi vào Nam lập nghiệp.

Nhưng “giang sơn dễ đổi, bản tính khó rời”, Sơn chăm chỉ làm ăn được một thời gian lại bắt đầu sa đà rượu chè. Cả ngày đi bán vé số vất vả mới được hơn 100 ngàn đồng nhưng buổi tối Sơn “nướng” phân nửa vào nhậu các với “đồng nghiệp” hay mấy người cùng xóm trọ.

Chấp nhận gửi con ở quê để hai vợ chồng đi xa mưu sinh nhưng người chồng lại không chí thú làm ăn. Người vợ lựa lời khuyên nhủ không xong. Mỗi khi nghĩ đến tương lai mịt mù, chị Nhàn lại buồn bã, dần dần sinh ra chán chồng.

Một đêm, khi Sơn đi nhậu về thấy vợ nằm ngủ dưới sàn, liền đến nằm bên cạnh vòng tay ôm vợ. Chị Nhàn gạt tay chồng ra, nói: “Tôi với ông không còn gì hết, tôi đã có người khác”. Thay vì xin lỗi, vỗ về, Sơn chạy xuống bếp lấy con dao lên dọa giết vợ nếu không chịu sống chung tiếp.

Tưởng chồng chỉ dọa, chị Nhàn lạnh nhạt: “Ông muốn làm gì thì làm”. Người chồng gằn giọng lặp lại câu hỏi một lần nữa, chị vợ vẫn thủng thẳng: “Ông muốn làm gì thì làm”. Nhát dao vung lên đoạt mạng người phụ nữ.

Hai đứa trẻ mồ côi

Trước tòa, bị cáo Trần Hoài Sơn phân trần: “Bị cáo rất yêu vợ, không hề có ý định giết cô ấy. Nhưng lúc đó bị cáo say, vợ lại thách thức, bị cáo chỉ định hù dọa chẳng may làm cô ấy chết”.

Quá bức xúc trước hành vi của con rể, trước tòa, cha nạn nhân không đề nghị HĐXX giảm án cho bị cáo mà đề nghị xử đúng người đúng tội. Khi được Tòa hỏi: “Sao ông không xin giảm án, để Sơn có cơ hội về nuôi hai con nhỏ”, ông buồn bã: “Nếu nó có trách nhiệm nuôi con, nó đã nuôi từ trước. Đằng này từ khi sinh hai đứa nhỏ đến giờ, nó có trách nhiệm gì đâu”.

Mẹ nạn nhân cũng sụt sùi: “Hầu như tối nào con gái tôi cũng gọi điện về nhà để nói chuyện với con. Tối hôm xảy ra chuyện, Nhàn cũng tâm sự với tôi là nó rất buồn vì chồng thiếu trách nhiệm với vợ con. Nó còn nói dạo này buồn nên gầy đi nhiều.

Tôi cũng chỉ biết động viên, thôi thì chịu khó ăn uống, chồng đã như vậy phải khỏe mạnh để nuôi con. Con bé vâng dạ, rồi nói đi ngủ sớm để mai còn đi bán vé số. Ai ngờ, vài tiếng sau nó bị chồng sát hại”.

Từ khi con gái qua đời, bố mẹ nạn nhân nhận nuôi hai cháu ngoại. Ông bà cho biết từ đó đến nay, gia đình bà không nhận được sự trợ giúp cũng chia sẻ nào từ phía gia đình bên nội.

Nhớ lại ngày đau buồn đưa tang con, người mẹ khóc: “Khi đưa mẹ nó về quê, thằng lớn lúc đó mới có bốn tuổi. Thấy nhà đông người, nó hỏi: “Ngoại ơi, mẹ con đi đâu rồi”?

Tôi ôm cháu khóc: “Mẹ con mất rồi con ạ”! Biết tôi buồn nên từ đó nó không bao giờ hỏi đến mẹ nữa. Có hôm tôi đi làm đồng về, nó chạy lại ngồi vào lòng bà, chắc lúc đó nhớ mẹ quá mới thủ thỉ: “Mẹ con mất thật rồi hả ngoại”?.

Trong phiên tòa ngày hôm đó, mẹ bị cáo cũng có mặt. Bà lặng lẽ ngồi khuất một góc trong suốt phiên xử con trai. Nhắc đến tội lỗi của con, người mẹ kể: “Sơn mồ cô cha từ nhỏ, nhà lại nghèo nên không được học hành đến nơi đến chốn. Bình thường nó hiền lắm, không ác như vậy đâu”. 

Về phản ánh của gia đình bên ngoại cho biết không nhận được hỗ trợ nuôi cháu, mẹ bị cáo phân trần: “Không phải tôi thiếu trách nhiệm không sang nhà thông gia, nhưng con tôi gây ra chuyện như vậy, tôi rất xấu hổ. Hơn nữa tôi chẳng còn tiền đâu mà đền hơn 100 triệu như bên ấy yêu cầu nên không dám sang”.

Khi được nói lời sau cùng, Sơn gửi lời xin lỗi đến gia đình, đồng thời mong muốn được khoan hồng để chăm sóc hai con. HĐXX nhận định, tội ác Sơn gây ra là quá lớn không thể khắc phục được, đã tuyên phạt bị cáo tù chung thân về tội “Giết người”. Ngoài ra, Sơn phải bồi thường cho gia đình vợ số tiền 159 triệu và cấp dưỡng cho hai con mỗi bé một triệu đồng/tháng cho đến khi các con đủ 18 tuổi.

Trước khi bị dẫn giải đi, bị cáo nhiều lần ngoái đầu lại tìm kiếm hai con. Hai đứa nhỏ đứng từ xa nhìn lại. Đứa lớn chỉ cho đứa nhỏ: “Bố kìa”. Thằng bé đưa đôi tay nhỏ xíu lên vẫy vẫy: “Bố ơi, bố ơi”. Bị cáo vội quay mặt giấu giọt nước mắt muộn màng sau tội lỗi.

Tên nạn nhân đã được thay đổi.

Đọc thêm