Chiều muộn, ngôi nhà nhỏ ở thôn Thái Bình (xã Đông Thái, huyện Ba Vì, Hà Nội) vẫn chưa lên đèn. Không khí im ắng, vắng lặng đến nao lòng nhưng khi vừa nghe nhắc đến chuyện người vợ “vĩ đại” ba lần đội lễ đi hỏi vợ lẽ cho chồng thì tiếng cười lại ngập tràn.
Ở trong nhà, người vợ khi thì tươi cười, lúc lại rưng rưng kể lại quãng thời gian đã qua. Ngoài hiên, người chồng vừa rít một hơi thuốc lào sòng sọc vừa “hóng” câu chuyện.
Nỗi buồn chục năm vẫn vợ chồng son
Bà Nguyễn Thị Sang (SN 1952) tiếp khách với một nụ cười hiền lành. Bà nói: “Số tôi bất hạnh nên tôi phải chịu. Tôi không muốn được xem như người đàn bà “vĩ đại” khi quyết tâm đội lễ hỏi vợ cho chồng. Ông chồng tôi chắc cũng không thích. Nhưng số phận thế rồi”.
Bà dừng lời, đưa ánh mắt ra ngoài hiên, nơi người chồng vừa rít xong hơi thuốc lào đang lim dim nhả khói thuốc vẻ mãn nguyện, rồi mới bắt đầu kể lại hành trình hơn 40 năm làm vợ của mình.
Tuổi thơ bà Sang là những ngày bất hạnh, mới hai tháng tuổi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ sau một tai nạn giao thông. Bà lớn lên trong sự đùm bọc của ông bà nội ngoại và họ hàng hai bên. Khi 23 tuổi, bà gặp ông Chu Đức Tòng (cũng SN 1952), mà theo bà “tuy không đẹp trai nhưng khá đào hoa”.
Những ngày đầu hôn nhân rất hạnh phúc. Chồng bà là con một, đi bộ đội được vài năm nhưng vì sức yếu nên ông buộc phải chuyển ngành.
Trong niềm hân hoan lấy được người đàn ông vui tính, bà nghĩ đến những đứa con và luôn tưởng tượng đến hình ảnh ngôi nhà ngập tràn niềm vui. Không ngờ, cứ hết mỗi năm chờ đợi mà chưa có con, những tiếng thở dài của hai vợ chồng khiến không khí trong nhà như nặng nề hơn.
Nhắc đến chuyện buồn, bà Sang như héo hon hơn. Gương mặt người phụ nữ 64 tuổi chất chứa bao nhiêu buồn tủi. “Tôi cứ nghĩ lấy được người dí dỏm, vui vẻ, trọng tình trọng nghĩa thì đời mình sẽ vui lắm, ai ngờ...” - bà bỏ lửng câu chuyện bằng một tiếng thở dài.
Hai người đều đi khám nhưng y học ngày ấy vẫn không phát hiện được nguyên nhân hiếm muộn. 7-8 năm trôi qua, những nỗ lực của hai vợ chồng vẫn bằng không. Nhà ông Tòng lại độc đinh nên bố mẹ chồng cũng mong ngóng cháu đích tôn mỗi ngày. Tuy sốt ruột nhưng ông bà không nặng lời với con dâu, vẫn nhẹ nhàng động viên, thăm hỏi hàng ngày.
Chính sự quan tâm của gia đình chồng khiến bà Sang càng phiền muộn. Sau một thời gian dài đắn đo, bà quyết định ngỏ lời với chồng, với bố mẹ chồng muốn về quê ngoại ở để ông Tòng còn có thể đi lấy vợ, sinh con. Không ngờ bố mẹ chồng bà phản đối, chồng bà cũng một mực không cho bà ra khỏi nhà.
Đêm hôm ấy, ôm vợ trong lòng, ông Tòng bảo: “Dù thế nào tôi với mình cũng ăn đời ở kiếp với nhau. Không có con thì mình xin con nuôi rồi cùng yêu thương nó”. Nghe chồng nói, bà vừa vui vừa thấy xót xa.
Nhưng cũng chỉ được vài ngày hạnh phúc, ngôi nhà vắng bóng con trẻ khiến cuộc sống của hai vợ chồng như ngột ngạt hơn. Bà lại lựa lời nói chuyện với chồng.
Thêm một tháng đắn đo suy nghĩ, bà ướm lời với chồng về việc đi lấy vợ hai. Bà kể: “Tôi bảo với chồng, nuôi con của ông chắc tốt hơn xin con nuôi chứ”. Nghe vợ phân tích hợp lý, ông Tòng đồng ý.
Hai lần rước vợ lẽ vẫn dở dang
Bà Sang không ngần ngại sang ngay nhà hàng xóm đặt vấn đề. Từ ngày về làm dâu thôn Thái Bình, bà khá thân thiết với bà Lê Thị Vi, khi ấy đã ngoài 30, sẵn sàng giúp đỡ nhau việc đồng áng. Nghe bà Sang ngỏ lời, bà Vi ban đầu nghi ngại nhưng cảm phục tấm lòng yêu thương chồng của bà Sang nên cũng e thẹn nhận lời.
Họ sống với nhau thuận hòa khiến cả xóm phải tấm tắc khen ngợi. Hai người con, một trai, một gái lần lượt ra đời. Bà Sang chăm chúng như con đẻ, đêm đêm thức dậy mỗi khi con khóc để bà Vi được ngủ ngon giấc sau những ngày vượt cạn.
Cứ tưởng hạnh phúc đã ở lại ngôi nhà ấy. Không ngờ cơn cuồng ghen bất ngờ của người vợ hai đã cuốn phăng tất cả. Bà Vi giận dữ mang cả hai con ra khỏi nhà, đồng thời ngăn cấm không cho các con gặp bố. Ngôi nhà trở lại vắng vẻ, quạnh quẽ sau 10 năm rộn rã.
Mất vài tháng đắn đo suy nghĩ, bà Sang lại ướm lời lấy tiếp vợ cho chồng, dù bà cũng thoáng phút lo lắng, sợ người thứ ba sẽ coi khinh, chà đạp phận đàn bà không con của mình. Nhưng sau những đắn đo đấu tranh tư tưởng, cho rằng ngôi nhà phải có tiếng con trẻ mới thực sự hạnh phúc, bà quyết định đi hỏi vợ cho chồng một lần nữa.
Người bà chọn lần này là bà Nguyễn Thị Thanh, người thôn khác, cũng hiền lành như bà. Bà Sang lại tất tả đứng ra lo toan lễ mọn. Bà bảo, thời điểm ấy trong nhà cũng không còn tiền, bà phải chạy vay làng xóm láng giềng mới đủ tiền thách cưới của nhà bên kia. Cuộc sống ba người yên ấm được hai năm. Hai người phụ nữ hòa thuận, yêu thương nhau không một điều tiếng.
Nhưng cũng giống như bà Sang, người vợ thứ ba của ông Tòng cũng không có con. Cùng nỗi đau, bà Sang vẫn động viên người đàn bà đến sau cũng phận hẩm như mình. Những tiếng thở dài cứ diễn ra trong ngôi nhà nhỏ ấy, rồi bà Thanh cất bước ra đi.
Hạnh phúc hiện tại
Nghe câu chuyện của vợ, ông Tòng tiếp lời: “Tôi vẫn nhớ những ngày bà ấy thẫn thờ, sụt sùi khóc lóc vì thương cho số phận của hai vợ chồng. Tôi lo lắng cho bà ấy nhiều lắm, sợ bà nghĩ quẩn thì nguy. Nhìn bà Sang đau khổ, tuyệt vọng, lần đầu tiên tôi mở lời sẽ lấy thêm vợ một lần nữa. Bà ấy đồng ý và bảo để tùy tôi chọn lựa”.
Thấy vợ mừng vui, ông Tòng một mặt như trút đi được gánh nặng nhưng mặt khác, lòng ông lại rối bời lo lắng nhiều hơn. Bởi ông sợ, nếu thêm lần này nữa không được đứa con nào thì không biết vợ ông sẽ ra sao. Tần ngần, lưỡng lự nhưng ông Tòng vẫn đi “tìm hiểu” ở huyện Phúc Thọ. Ông gặp bà Nguyễn Thị Thảo, khi ấy đã 33 tuổi, cũng lỡ dở tình duyên.
Sau khi ông Tòng thật thà kể lại câu chuyện của hai vợ chồng mình, bà Thảo thấy xót thương ông Tòng và người vợ của ông, đồng ý về làm “bà tư”.
Ông Tòng về nhà đưa vợ lên gặp gỡ, tìm hiểu rồi mới làm lễ cưới. Bà Sang cho biết: “Ông ấy lúc nào cũng tôn trọng tôi tuyệt đối. Ưng người ta rồi nhưng vẫn về đưa tôi lên chấm. May là tôi ‘chấm đâu được đấy” nên lần thứ ba lại vác trầu cau đi hỏi vợ cho chồng”.
May mắn, lần này hạnh phúc đã ở lại ngôi nhà ấy đến tận thời điểm này, sau 14 năm ông Tòng lấy người vợ thứ tư. Nhưng, khác với hai lần hôn nhân trước, lần này, “bà cả” và “bà tư” quyết định “ai vẫn ở nhà ấy”, chỉ về với nhau mỗi dịp lễ, tết, giỗ chạp. Người vợ thứ tư cũng sinh được hai người con. Hiện con gái lớn đang học lớp 11 ở với “mẹ Thảo”. Còn con trai học lớp 4 thì về ở với “mẹ Sang”.
Bà Sang kể: “Thằng bé khôn lắm, mỗi khi mẹ nó đến nó bám riết lấy mẹ, nhưng khi mẹ nó về rồi nó lại lăn vào lòng tôi. Lớn rồi nhưng vẫn quấn mẹ lắm, suốt ngày sà vào thủ thỉ chuyện trò. Nó không gọi mẹ già, mẹ trẻ mà gọi tên mẹ Thảo, mẹ Sang”.
Ông Tòng nể vợ lắm, tính ông hay trêu đùa “bắng nhắng” nhưng chỉ cần bà Sang lên tiếng nhắc nhở là ông dừng ngay. Đang “ba hoa” chuyện “đàn ông năm thê ba thiếp là bình thường, đàn ông giỏi là phải đi đến đâu, có phòng nhì đến đấy”, bị vợ nghiêm nét mặt nhắc, ông vội vàng phân bua: “Tôi tếu táo cho vui thôi mà”. Hai ông bà lại nhìn nhau cười hạnh phúc.
Về hoàn cảnh “một ông, bốn bà” nhà bà Sang, ông Tòng, bà Phùng Thị Thoa, Hội trưởng Hội phụ nữ thôn Thái Bình chia sẻ: “Tôi luôn động viên bà Sang vững tâm vào cuộc sống. Dẫu biết rằng gia đình bà ấy đã vi phạm luật hôn nhân gia đình nhưng cuộc sống ngoài lý còn có tình nên chúng tôi cũng chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng”.