Ấn Độ cấm xuất, Trung Quốc cần 6 triệu tấn gạo và cơ hội của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời tiết khắc nghiệt ở nhiều quốc gia châu Á, nơi chiếm 90% sản lượng gạo toàn cầu, đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt đáng báo động. Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu, trong khi Trung Quốc dự báo sẽ nhập khẩu kỷ lục 6 triệu tấn gạo trong năm tới sẽ là cơ hội cho xuất khẩu gạo của nước ta.
9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 2,44 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 2,44 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Gạo thương hiệu Việt xuất hiện tại nhiều siêu thị lớn

Tổng Cục Hải quan cho hay, tính từ đầu năm 2022 đến hết ngày 15/9, xuất khẩu (XK) gạo của Việt Nam đã đạt 5,02 triệu tấn, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch XK đạt 2,44 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù giá trị trung bình XK gạo giảm so với cùng kỳ nhưng giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang được XK với mức 433 USD/tấn, tăng khoảng 10% so với thời điểm đầu năm 2022. Dự báo giá loại gạo này có thể sẽ còn tăng tiếp khi đầu tuần, giá gạo XK 5% tấm lại tiếp tục tăng 20 USD/tấn so với tuần trước.

Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, cơ cấu chủng loại gạo XK tiếp tục có sự chuyển biến tích cực phù hợp với định hướng Chiến lược phát triển thị trường XK gạo đã được phê duyệt. Hiện, tỷ lệ XK gạo trắng ở mức 44,7%, gạo thơm các loại khoảng 33,4%.

Việt Nam tiếp tục XK gạo hữu cơ và gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng tuy với tỷ trọng nhỏ nhưng đã làm đa dạng chủng loại gạo XK và khẳng định được giá trị mặt hàng gạo XK.

Đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng nhận định, thời gian gần đây, gạo Việt Nam XK có xu hướng dịch chuyển sang các loại gạo chất lượng cao. Trong đó, lần đầu tiên, những bao gạo mang thương hiệu của Việt Nam đã chính thức xuất hiện trên các quầy kệ siêu thị ở một số quốc gia châu Âu và châu Á.

Cụ thể, thương hiệu "Cơm Việt Nam Rice" của Tập đoàn Lộc Trời có mặt tại Hà Lan, Đức, Pháp và được bày bán tại hệ thống siêu thị hàng đầu châu Âu - Carrefour; gạo ST25 mang thương hiệu "A An" của Tập đoàn Tân Long chinh phục thị trường Nhật Bản và đã vào được bếp ăn của Văn phòng Nội các Nhật Bản. Gạo ST25 của người sáng lập Hồ Quang Cua, với thương hiệu gạo Ông Cua cũng đã XK chính thức sang Anh và Úc.

Nhiều chuyên gia đánh giá, việc Việt Nam nằm trong top các nước XK gạo hàng đầu thế giới và gạo Việt Nam với thương hiệu Việt Nam xuất hiện ở hệ thống siêu thị lớn của các quốc gia có yêu cầu cao về chất lượng cho thấy thế giới đang dần quen với thương hiệu gạo của Việt Nam. Điều này sẽ giúp gạo Việt Nam nâng dần giá trị XK cả về sản lượng và giá trị.

Giá gạo sẽ tăng

Trong năm 2021, Ấn Độ đã XK 21,5 triệu tấn gạo - nhiều hơn tổng số gạo của 4 nước XK lớn gồm Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ cộng lại. Nhưng từ giữa tháng 9/2022, Ấn Độ đã ban hành quyết định cấm XK gạo. Với các hợp đồng bắt buộc phải xuất thì thuế suất là 20%.

Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho rằng, động thái hạn chế XK gạo của Ấn Độ sẽ tạo hiệu ứng đẩy giá gạo toàn cầu lên cao và sẽ là cơ hội cho các nước nằm trong top các nước XK hàng đầu thế giới.

Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (MVX) cũng nhận định, nhìn chung, bức tranh cung - cầu của thị trường gạo đang thiên về một xu hướng tăng trong giai đoạn quý IV/2022 và đầu năm 2023.

“Thời tiết khắc nghiệt ở nhiều quốc gia châu Á, nơi chiếm 90% sản lượng gạo toàn cầu, đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt đáng báo động. Việc Ấn Độ cấm XK, trong khi Trung Quốc dự báo sẽ nhập khẩu kỷ lục 6 triệu tấn gạo trong năm tới sẽ là cơ hội cho ngành XK gạo của Việt Nam”, đại diện MVX đánh giá.

Ngoài ra, theo đại diện này, do gạo là loại lương thực thiết yếu, nên nhu cầu sử dụng gạo sẽ không bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế như những mặt hàng khác. Trong bối cảnh nguồn cung sụt giảm, nhu cầu ổn định, giá gạo thế giới và giá gạo XK của Việt Nam sẽ còn dư địa tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Philippines cũng vừa trải qua cơn bão lớn, dự báo có thể khiến nguồn cung lúa gạo của quốc gia này sẽ giảm mạnh. Do đó, nhiều khả năng Philippines có thể sẽ phải tăng cường nhập khẩu gạo trước khi giá gạo thế giới bước vào thời kỳ biến động tăng.

Trong khi đó, quốc gia này là đối tác nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam. Trong 8 tháng qua, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 47,7% trong tổng số lượng và chiếm 45,6% tổng kim ngạch XK gạo của Việt Nam.

Mới đây, một đoàn xúc tiến thương mại gạo Việt Nam cũng đã tổ chức tại thị trường Philippines với hơn 80 doanh nghiệp 2 nước tham gia.

Theo đại diện của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, doanh nghiệp Philippines đặc biệt quan tâm đến gạo Việt Nam, hiệp hội đã có cuộc gặp riêng một tập đoàn xuất nhập khẩu gạo lớn nhất của Philippine để bàn bạc về cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp trong thời gian tới.