“Táng tận lương tâm”…
Các vụ NĐTP “lùm xùm” liên quan đến thực phẩm “bẩn” trong năm 2014 chưa hết lắng dịu thì đầu năm 2015 (ngày 4/2/2015), Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an phối hợp với lực lượng quản lý thị trường quận Thủ Đức, TP.HCM lại tiếp tục bắt quả tang cơ sở kinh doanh trái phép thực phẩm quá hạn với số lượng lớn do bà Lê Thị Lệ Hằng (ngụ đường Tô Ngọc Vân, phường Tam Bình, quận Thủ Đức) làm chủ. Được biết, số thực phẩm “bẩn” này được bán cho khắp các nơi tiêu dùng, trong đó có cả các trường mầm non…
Mới đây nhất là vụ việc chiếc xe tải của Công ty Phú Nhật Hào (địa chỉ thị xã Tân Uyên, Bình Dương) chở 300kg thực phẩm, gồm 72kg cá điêu hồng và 12kg thịt đều bị ôi thối, rau củ quả giập nát vào Trường Tiểu học Long Bình (xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương) bị phụ huynh phát hiện.
Quá sợ hãi, nhiều phụ huynh trong khu vực đã phải bỏ thời gian đón con về nhà ăn cơm hoặc mua cơm hộp mang đến tận trường chứ nhất quyết không chịu “gửi trứng cho ác”… Chưa rõ nguồn cơn nghi án vụ thực phẩm “bẩn” nói trên, Công ty Phú Nhật Hào lại tiếp tục bị “tố” liên quan đến vụ hàng chục em học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (tại khu phố 5, phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, Bình Dương) bị NĐTP sau khi ăn bữa trưa tại Trường, mà nguồn nguyên liệu cung cấp là của Phú Nhật Hào.
Cụ thể, bác sĩ Châu Thị Bích, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Bến Cát, Bình Dương cho biết, khoảng 12h trưa ngày 9/4/2015, Trung tâm có tiếp nhận 15 học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đưa đến cấp cứu do nghi NĐTP. Bác sĩ Bích cho biết, trên địa bàn thị xã Bến Cát có tới 08 trường học có đăng ký hợp đồng cung cấp suất ăn với Công ty TNHH Phú Nhật Hào…
Ngoài các vụ NĐTP với số lượng lớn trẻ em mắc, rải rác trong năm là các ca trẻ em bị NĐTP được ghi nhận tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Đó là chưa kể đến các trường hợp bị NĐTP dạng nhẹ được các bậc phụ huynh phát hiện và tự điều trị sau khi đón con từ nhà trẻ, mẫu giáo về. Điều đó cho thấy vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong các trường học đã trở thành vấn đề đáng báo động.
Chính vì lẽ đó, đại diện cơ quan quản lý - Cục ATTP, Bộ Y tế đã nhận định, trong thời gian gần đây, việc sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn, thực phẩm không có nguồn gốc rõ ràng ở một số cơ sở giáo dục, đặc biệt là các trường học có tổ chức ăn bán trú diễn biến phức tạp, đe dọa gây ra NĐTP, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng là học sinh - sinh viên, gây bức xúc trong dư luận xã hội…
Siết chặt quản lý và giám sát chặt chẽ các bếp ăn tập thể!
Trước liên tiếp các “sự cố” về ATTP có liên quan đến Công ty TNHH MTV Phú Nhật Hào trong việc cung cấp nguyên liệu thực phẩm, bếp ăn tập thể trường học có nguy cơ đe dọa đến sức khỏe học sinh, Cục ATTP, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Sở Y tế Bình Dương chỉ đạo các cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ, ra quyết định xử lý nghiêm các hành vi vi phạm ATTP đối với Công ty TNHH MTV Phú Nhật Hào theo đúng quy định của pháp luật; công khai kết quả điều tra, xử lý hành vi vi phạm về ATTP trên các phương tiện thông tin để cảnh báo cho cộng đồng; tổ chức giám sát chặt chẽ, yêu cầu Công ty TNHH MTV Phú Nhật Hào khắc phục nhanh chóng, triệt để các sai phạm, đảm bảo đủ điều kiện về ATTP theo đúng quy định trong vận chuyển thực phẩm và kinh doanh dịch vụ ăn uống; đồng thời tăng cường triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất việc chấp hành các quy định bảo đảm ATTP tại các bếp ăn, căng tin của các cơ sở giáo dục trên địa bàn…
Để tăng cường công tác bảo đảm ATTP, thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về ATTP bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, Cục ATTP cũng đã có văn bản gửi Vụ Công tác học sinh - sinh viên Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Vụ chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo của tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường triển khai việc thông tin, tuyên truyền, giáo dục về các biện pháp phòng chống NĐTP cho người quản lý, người trực tiếp chế biến thực phẩm tại các bếp ăn, căng tin của trường học, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống… trong cơ sở giáo dục.
Đặc biệt, kiên quyết không để các đơn vị cung cấp thực phẩm, chế biến suất ăn sẵn không bảo đảm đầy đủ các quy định về ATTP, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cung cấp suất ăn cho các cơ sở giáo dục, các trường học bán trú. Đối với các bếp ăn do cơ sở tự tổ chức cần thực hiện nghiêm các quy định về ATTP, tăng cường hoạt động tự kiểm tra, giám sát bảo đảm ATTP tại cơ sở, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không bảo đảm ATTP, bị ôi thiu, mốc, hỏng… để chế biến thức ăn.
Hà Nội: Sẽ xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm ATTP và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng
Tại Lễ phát động và triển khai “Tháng hành động vì ATTP” năm 2015 diễn ra từ 15/4 - 15/5/2015 của TP, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, tại Việt Nam rau và thịt là thực phẩm chủ yếu, phổ biến trong bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, trong quá trình đánh bắt, nuôi, trồng, lưu thông và chế biến rau, thịt luôn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm thực phẩm như: Tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên rau; tồn dư chất cấm, thuốc kháng sinh trên thịt; nhiễm vi sinh trên rau, thịt…
Trong khi đó khả năng tự cung ứng rau và thịt của TP chỉ đáp ứng từ 60-70% nhu cầu. Số còn lại chủ yếu nhập từ các tỉnh, TP trong cả nước. Việc quản lý chất lượng rau, thịt của các tỉnh đưa vào tiêu thụ tại Hà Nội gặp nhiều khó khăn, nhất là việc xác định nguồn gốc, xuất xứ và kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Vì vậy, Bộ Y tế phát động Tháng hành động vì ATTP năm 2015 với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn” nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về sản suất, kinh doanh và tiêu dùng sản phẩm rau, thịt an toàn. Đây là đợt cao điểm đẩy mạnh các hoạt động vì ATTP, chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa NĐTP, đặc biệt là NĐTP tập thể và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Trong dịp này, Ban chỉ đạo vệ sinh ATTP TP sẽ tổ chức 6 đoàn thanh kiểm tra liên ngành ATTP, trong đó tăng cường thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm đối với hoạt động sản suất, kinh doanh, lưu thông, phân phối rau, thịt; đảm bảo nguồn gốc rau, thịt và ATTP trong bảo quản, chế biến tại các bếp ăn tập thể của khu công nghiệp, trường học; công tác quản lý ATTP nói chung và rau, thịt nói riêng. Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định về ATTP, thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.