Có thực mắt mới thấy, đa số đồng bào nơi này vẫn tách biệt với những khu dân sầm uất, bao năm nay họ vẫn chìm đắm, lẩn quẩn trong vòng nghèo đói. Nhưng chừng ấy vẫn chưa đủ khắc họa nét “đặc trưng” của vùng đất này.
Thuê thầy mo cúng ma bái để đứa trẻ “mọc” ra mắt
Nhắc đến bé Long A Phô, sinh năm 2010, hiện đang trú tại thôn Thống Nhất là người ta nghĩ ngay đến một số phận bi thương nhất nhì xã Bản Phùng.
Cậu bé A Phô sinh ra đã không có mắt. Mọi cử chỉ hành động của chân tay A Phô cũng yếu ớt, cậu bé không có khả năng giao tiếp bình thường như những đứa trẻ khác.
Nghe kể, khi A Phô mới sinh ra, gia đình nhận thấy sự khác thường đã đưa cậu bé đi bệnh viện. Các bác sĩ chẩn đoán Phô bị dị dạng, nguyên nhân chủ yếu là do bố mẹ đứa trẻ kết hôn cận huyết thống. Đáng buồn thay, gia đình A Phô vẫn không tin chuyện con anh em cùng huyết tộc lấy nhau là cận huyết thống, dẫn đến hệ lụy như thế.
Họ vẫn thản nhiên thuê thầy mo về cúng mong đứa trẻ... “mọc” ra mắt.
Cậu bé Long A Phô khi sinh ra đã không có mắt và không cả khả năng giao tiếp |
Hôm chúng tôi cùng các đồng chí công tác bên Đoàn xã Bản Phùng lên thăm gia đình Phô, ai cũng ngạc nhiên vì tất cả cửa gia đình này đều khóa, duy chỉ có tiếng khóc gào của đứa trẻ bên trong là mãi không dứt.
Đợi mãi chúng tôi cũng gặp được ông Long Văn Khái (sinh năm 1964), là ông nội của cháu Phô. Ông Khái cho biết, vì Phô không có mắt, lại nghịch ngợm nên mỗi khi có việc phải ra ngoài, cả nhà đều khóa trái cửa nhốt Phô.
Nhắc chuyện của bố mẹ Phô, ông Khái đỏ mặt kể: Việc để con trai ông lấy người em gái là một quyết định sai lầm lớn của đời ông.
“Lúc bấy giờ làng tôi chẳng ai tin là có chuyện anh em lấy nhau là con cái sinh ra bị thế này, thế kia đâu, các chú bên xã vẫn nói nhưng cũng chẳng ai tin. Đến bây giờ cháu nội mình như thế thì tôi sợ rồi. Hồi đó cứ bảo cho con của anh em lấy nhau, sau này con dâu về nhà mới hiếu thảo, nó mới tận tâm chăm lo cho gia đình chồng, nào ngờ sự thể lại như thế” - ông Khái chua xót.
Ông Long Văn Khái kể chuyện với phóng viên |
Theo tìm hiểu, ngoài gia đình ông Khái, ở trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì còn khá nhiều trường hợp kết hôn cận huyết rồi sinh con đẻ cái mắc dị tật hình thể. Nhưng có một điều đặc biệt là, phần lớn những trường hợp như vậy đều là do “người lớn” sắp đặt.
Hay nói dễ hiểu hơn, chuyện kết hôn cận huyết nơi đây phát sinh đều theo kiểu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Người trẻ không có cơ hội yêu đương, tự tìm hiểu và kết hôn như pháp luật quy định.
Hệ lụy từ hôn nhân cận huyết thống
Chị Long Thị Dể (sinh năm 1987), mẹ cháu Phô cho biết: “Vài tuần sau khi sinh, chúng tôi vẫn không thấy con mình “mở mắt”. Chúng tôi đưa cháu tìm đến trạm y tế thì người ta nói rằng do chúng tôi lấy nhau chưa quá 3 đời nên con cái bị dị dạng.
Nhưng chẳng ai trong bản làng chịu tin, người ta bắt đầu nghi ngờ, dị nghị con chúng tôi. Gia đình khi đó có đi xem bói nhiều nơi thì thầy bói đều phán rằng do ma làm, nhà tôi bị nguyền rủa...”.
Những lời đồn ác ý khiến không ít lần chị Dể nghĩ đến chuyện chôn sống đứa con còn đỏ hỏn của mình. Nhưng rồi, tình mẫu tử thiêng liêng đã không cho phép chị Dể làm như vậy. Theo tìm hiểu riêng của người viết, trường hợp bé Phô ở miền núi cao này hoàn toàn không lạ.
Nói “không lạ” là bởi nơi đây hiện còn không ít gia đình vẫn giữ tập tục “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, cùng trong họ tộc lấy nhau tình cảm mới khăng khít.
Chia tay gia đình ông Khái cùng cậu bé A Phô, chúng tôi vẫn nhớ câu nói muộn màng của ông Khái trước khi chúng tôi ra về: “Gia đình tôi đã quá khổ, bây giờ nghĩ lại tất cả đều đã muộn, lời nguyền từ chuyện lấy anh em họ hàng đã ứng nghiệm. Bây giờ tôi khuyến khích con trai đi học đoàn, rồi khuyến nông để nó hiểu biết mà dạy tầng lớp người già như chúng tôi...”./.