Lấy oán báo ân, đi ngược đạo lý “có vay có trả”
Xin được nhắc lại vụ việc này để thấy, mặc dù đã được cơ quan thi án cưỡng chế, buộc Công ty Vĩnh Tường phải thực hiện bản án, giao tài sản cho Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai nhưng “khổ chủ” vẫn chịu thiệt đơn, thiệt kép như thế nào.
Năm 2011, Công ty Vĩnh Tường của bà Linda Tan Woo đang mắc nợ Ngân hàng Nam Á với số tiền hơn 200 tỷ (bao gồm cả tiền lãi), lãi suất quá hạn lên đến 36%/năm. Với khoản nợ này và lãi suất quá “khủng” như trên, thời gian trả nợ càng kéo dài thì Công ty Vĩnh Tường sẽ lâm vào tình trạng mất trắng tài sản thế chấp là khách sạn Wooshu mà vẫn phải gánh một khoản nợ khổng lồ do tiền lãi sinh ra.
Giữa thời điểm khó khăn đó, bà Linda Tan Woo đã may mắn khi được chị Nguyễn Thị Bích Hạnh và gia đình giúp đỡ, vay được khoản tiền tương đương 10 triệu USD với lãi suất chỉ 1%/năm từ Công ty Orient do bà Lan làm đại diện tại Việt Nam. Với số tiền vay được, chính chị Hạnh đã đại diện cho Công ty Vĩnh Tường thanh toán toàn bộ khoản nợ cho Ngân hàng Nam Á. Như vậy, cả Công ty Vĩnh Tường và Ngân hàng đều may mắn thoát cảnh nợ nần nhờ nguồn vốn 10 triệu USD trên. Song, thời điểm đó, “ân nhân” cho Công ty Vĩnh Tường vay tiền vẫn rằng tin lòng tốt của họ sẽ không bị phản bội và họ không đoán biết điều gì đang đợi họ ở phía trước.
Đến hạn thanh toán khoản vay 10 triệu USD, chị Hạnh đã nhiều lần nhắc “cô” Linda Tan Woo phải trả nợ gốc và lãi vay vì trong suốt thời gian vay tiền, Công ty Vĩnh Tường mới trả được 6 tỷ tiền lãi. Tháng 7/2012, tiền vay cả gốc và lãi lên đến hơn 233 tỷ đồng nên chị Hạnh đã yêu cầu bà Linda Tan Woo phải sử dụng tài sản là khách sạn Wooshu để trả nợ như đã cam kết trong hợp đồng. Bà Linda Tan Woo vẫn tìm khách khất nợ, không có ý trả nợ. Do đó, với việc đã được ủy quyền xử lý tài sản để trả nợ, chị Hạnh buộc lòng phải chuyển giao tài sản cho chủ nợ với giá 228 tỷ đồng, chưa đủ trả khoản nợ lúc đó là hơn 233 tỷ đồng.
Lúc này, bà Linda Tan Woo mới thể hiện rõ ý đồ không muốn trả nợ bằng việc hủy bỏ việc ủy quyền cho chị Hạnh, trong đó có ủy quyền đi vay tiền, ủy quyền trả tiền cho ngân hàng và ủy quyền quản lý, sử dụng và định đoạt tài sản để đảm bảo cho khoản vay 10 triệu USD. Bên cạnh đó, bà Linda Tan Woo còn tráo trở cho rằng, Công ty Vĩnh Tường không vay tiền của Công ty Orient nhằm không trả khoản tiền này cho chủ nợ. Một loạt giấy tờ được Công ty Vĩnh Tường trình ra để bảo vệ cho ý đồ “nuốt” không 233 tỷ tiền vay cả gốc và lãi, trong đó có cả việc nại ra hợp đồng hợp tác kinh doanh trò chơi đánh bạc, một dự án mà chưa bao giờ Công ty Vĩnh Tường được cấp phép, tính đến thời điểm này. Đây không phải lần đầu tiên bà Linda Tan Woo có ý đồ chiếm đoạt tiền vay của người khác. Trước đó, bà Linda Tan Woo từng bị khởi tố, bắt giam về hành vi “lạm dụng tín nhiệm”, vay mà không trả số tiền 2 triệu USD của bà Trương Mỹ Lan.
Công lý được thực thi, “ân nhân” vẫn thiệt hại
Nhưng, những chiêu trò đổi trắng thay đen của Công ty Vĩnh Tường đã không qua mặt được Tòa án. Với những chứng cứ vay tiền rất rõ ràng, từ việc Công ty này cần tiền trả nợ ngân hàng đến việc bà Linda Tan Woo và Công ty ủy quyền cho chị Hạnh vay tiền, trả tiền cho Ngân hàng Nam Á và quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản để đảm bảo khoản vay 10 triệu USD nên Tòa án đã công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất mà chị Hạnh đại diện cho Công ty Vĩnh Tường ký để đối trừ khoản nợ đã vay. Tòa cũng bác bỏ lý lẽ tráo trở của Công ty Vĩnh Tường khi cho rằng, đó không phải là tiền vay mà là tiền hợp tác để kinh doanh sòng bạc. Vì, không có dự án kinh doanh đánh bạc nào được cấp phép và đối tác mà Công ty Vĩnh Tường nại ra cũng phủ nhận việc “hợp tác” này và khẳng định, họ chỉ cho vay tiền.
Với chứng cứ trên, phán quyết của hai cấp Tòa án buộc Công ty Vĩnh Tường phải giao tài sản theo hợp đồng để đối trừ nợ vay là rất rõ ràng, đúng pháp luật và bảo vệ đạo lý “có vay, có trả”. Thế nhưng Công ty Vĩnh Tường vẫn bất phục mà tiếp tục luận điệu cũ là “không vay tiền”, đồng thời gửi đơn lên lãnh đạo các cơ quan nhà nước ở Trung ương với các nội dung sai sự thật trên để mong được can thiệp và thay đổi sự thật là Công ty Vĩnh Tường đã vay tiền nhưng không muốn trả tiền. Việc thi hành án cũng bị Công ty Vĩnh Tường cản trở, không chấp hành. Do đó, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai đã buộc lòng phải thực hiện biện pháp cưỡng chế. Nhưng, ngay khi chuẩn bị cưỡng chế thi hành án, vẫn có dấu hiệu cho thấy có sự can thiệp nhằm trì hoãn việc cưỡng chế thi hành án và thực thi công lý.
Từ ngày 23/5 đến ngày 6/6/2014, theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo công tác thi hành án, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai đã thực hiện việc cưỡng chế thi hành án và hoàn tất việc thi hành bản án của Tòa án, buộc Công ty Vĩnh Tường phải thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất để đối trừ nợ vay. Theo thông tin bà Báo Pháp luật Việt Nam ghi nhận được, đến thời điểm này, việc thi hành án đã được thực hiện xong. Công ty CP Vĩnh Thiện Đồng Nai đã nhận giao tài sản và hoàn tất các thủ tục pháp lý để sở hữu tài sản và sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Mặc dù việc thi hành án đã xong, nhưng tính đến nay, chủ nợ của Công ty Vĩnh Tường vẫn thiệt đơn, thiệt kép. Khoản nợ 233 tỷ mới được đối trừ theo hợp đồng là 228 tỷ đồng. Nhưng thực tế, khách sạn Wooshu được định giá chỉ được 194 tỷ đồng. Do vậy, chủ nợ chưa thù hồi đủ tiền gốc, còn khoản lãi suất và chi phí vốn trong hơn 2 năm qua, coi như mất trắng. Chưa kể đến việc khách sạn Wooshu có vốn đầu tư lớn, hiệu suất khai thác thấp, nếu chủ mới tiếp tục kinh doanh sẽ phải chịu lỗ. Với viễn cảnh đó, “ân nhân” của Công ty Vĩnh Tường đang phải tiếp tục gánh “cục nợ” cho Công ty này. Đã thế, Công ty Vĩnh Tường đến nay vẫn không phục mà tiếp tục gửi đơn khiếu nại và tìm kiếm sự “giúp đỡ” để đảo ngược hiện trạng. Song, pháp luật tồn tại là để duy trì sự công bằng của xã hội và đạo lý, công lý phải được bảo vệ. Do vậy, liệu có ai dám đi ngược đạo lý và pháp luật để ủng hộ Công ty Vĩnh Tường tiếp tục gây đau khổ cho ân nhân đã thiệt đơn, thiệt kép vì Công ty này?