Ăn “quả đắng” vì tin nhầm shipper

(PLO) - Hàng loạt sự việc người giao hàng lợi dụng lòng tin của người bán để biển thủ luôn số tiền nhận của khách hàng đã dấy lên cảnh báo về một hình thức lừa đảo mới. Có những kẻ giả danh người giao hàng để lừa một lúc nhiều người bán mà vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật.
Ăn “quả đắng”  vì tin nhầm shipper

Một mánh lới dùng nhiều lần

Mới đây, chủ một cửa hàng kinh doanh hải sản tại TP HCM đã lên tiếng “tìm người giao hàng” khi người thanh niên được thuê giao hải sản cho khách đã “một đi không trở lại” cùng với số hải sản lớn trị giá vài triệu đồng. Theo chủ cửa hàng, do cửa hàng mới mở, thiếu kinh nghiệm tuyển dụng nên đã mắc bẫy nhân viên giao hàng. Người giao hàng này trước đây khi đến xin việc có nộp giấy tờ tùy thân cho cửa hàng, hộ khẩu thường trú tại TP HCM, tỏ ra rất thật thà, đáng tin cậy, chính vì thế chủ cửa hàng đã chủ quan giao cho người này số hàng lớn mà không cần tiền thế chân. Trước đó, rất nhiều cửa hàng khác đã mắc phải bẫy của những nhân viên “tỏ ra thật thà” như thế.

Người giao hàng, hay còn gọi shipper, là một nghề nghiệp mới xuất hiện vài năm gần đây, khi dịch vụ bán hàng qua mạng, bán hàng từ xa nở rộ. Giao hàng trở thành khâu không thể thiếu trong 

quy trình bán hàng, thậm chí là khâu rất quan trọng. Từ đó, nghề shipper cũng trở thành một nghề được ưa chuộng, một lựa chọn khá kinh tế dành cho giới sinh viên và người lao động phổ thông. Ước tính, thu nhập của một người giao hàng dao động từ 3 triệu đến hàng chục triệu đồng hàng tháng, nếu có việc nhiều, đều đặn. Tuy nhiên, nghề nghiệp này cũng là nơi dòm ngó của những kẻ rắp tâm lừa đảo, đánh vào các sơ hở của chủ. 

Một người giao hàng tên Cường, hộ khẩu Quảng Nam đã bị nhiều chủ cửa hàng ở Hà Nội truy tìm vì lân la lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhiều chủ cửa hàng, cũng từ chiêu xin việc, lấy lòng và tạo niềm tin nơi chủ cửa hàng. Chủ một cửa hàng làm đẹp ở Hà Nội kể, shipper tên Cường khi xin việc rất nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc và chủ động yêu cầu chủ shop chụp hình chứng minh nhân dân của mình lại, nên 

chủ shop rất tin tưởng và thường thưởng thêm. Nhưng một lần giao hàng cho khách, shipper này đã đi luôn, không quay lại. Chủ cửa hàng liên lạc nhiều lần thì shipper này hẹn lần lữa rồi khóa máy luôn. Theo tìm hiểu, chủ shop được biết shipper này đã lừa nhiều cửa hàng với thủ đoạn tương tự. 

Một shipper ngụ TP HCM cũng bị nhiều chủ shop bán mỹ phẩm, trang sức… tố lừa đảo của họ số tiền từ một đến vài triệu đồng. Shipper này lúc xưng tên Toàn, khi thì tên Dũng, Tuấn… sử dụng giấy tờ photo giả, hoặc nói hoàn cảnh khó khăn, mất giấy tờ… cùng vẻ ngoài đáng tin cậy, làm việc nhiệt tình một thời gian dài, đợi chủ cửa hàng lơ là mất cảnh giác giao cho số hàng trị giá lớn thì ôm hàng mất tích.

Đừng nên “cho qua” hành vi phạm tội

Rất nhiều sự việc tương tự xảy ra khiến nhiều người bán hàng đã trở nên cảnh giác với lực lượng được thuê để giao hàng. Những người bán lâu năm, có kinh nghiệm làm việc nhiều với shipper chia sẻ, chủ cửa hàng cần đề cao cảnh giác với shipper, khi tuyển dụng cần yêu cầu nộp giấy tờ có công chứng đàng hoàng và cho dù shipper đã làm việc lâu năm, tin cậy đến đâu  thì vẫn phải giữ vững nguyên tắc: luôn luôn yêu cầu shipper đặt cọc tiền hàng khi đi lấy hàng để đề phòng trường hợp tạo cơ hội cho kẻ gian hoặc vô tình biến người lương thiện thành kẻ gian vì bất chợt nảy lòng tham.

Còn theo Luật sư Nguyễn Thanh Tùng (Đoàn Luật sư TP HCM), hành vi của những người giao hàng nói trên đã cấu thành tội hình sự. Cần phải xem xét quá trình phạm pháp của người giao hàng, nếu là lòng tham trỗi dậy, hành vi phạm tội bất chợt nảy sinh trong quá trình làm việc, người giao hàng sẽ phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Trường hợp những người mưu tính từ đầu, giả mạo giấy tờ để lấy lòng tin chủ cửa hàng rồi chiếm đoạt số tiền hoặc hàng tương đương từ hai triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì có thể phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, với khung hình phạt từ sáu tháng đến ba năm tù, theo quy định của Điều 139 Bộ luật Hình sự. 

Trên thực tế, sự việc như trên đã xảy ra nhiều nhưng có khá ít chủ cửa hàng tố cáo đến cơ quan công an, vì lý do sợ phiền phức, hoặc không đáng. Tuy nhiên, việc bỏ qua của các chủ cửa hàng sẽ tạo cơ hội cho những kẻ này tiếp tục hành vi của mình, chiếm đoạt tiền của nhiều cửa hàng khác, ung dung ngoài vòng pháp luật. Theo LS Nguyễn Thanh Tùng, những người bị hại cần làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an nơi người chiếm đoạt tiền cư trú (nếu xác định được nơi cư trú), hoặc cơ quan công an nơi cửa hàng kinh doanh để cơ quan công an vào cuộc, xử lý.

Đọc thêm