"Đẹp xiết bao quê hương cho ta chiếc áo nhiệm mầu"
Ngày 26/8, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam khai mạc triển lãm “Áo dài trên con đường di sản”. Đây là hoạt động hướng tới kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam 20/10 và hưởng ứng hoạt động ý nghĩa tôn vinh tà áo dài của Hội LHPN Việt Nam.
Những chiếc áo dài được xếp ngay ngắn trên mành tre, đặt trong không gian của bảo tàng đã truyền tải đến cho người xem thông điệp: Áo dài không chỉ là trang phục, áo dài còn là di sản khi dẫn dắt người xem đến với nhiều di sản thiên nhiên, văn hóa Việt thông qua các bộ sưu tập tiêu biểu như: Cánh buồm Quảng Ninh, Vịnh Hạ Long, Thổ cẩm dân tộc Tày – Dao, Nụ cười biển, Kim cương đen, Phong Nha – Kẻ Bàng, Rừng trúc Yên Tử, Nét đẹp kiến trúc Hạ Long, Hải quân, Ngọn đèn trong đêm…
Tháng 4/2019, trong khuôn khổ Festival Nghề truyền thống Huế, tại cổng Ngọ Môn, Đại Nội Huế cũng đã diễn ra lễ hội áo dài với chủ đề “Áo dài trên con đường di sản”. Các nhà thiết kế đã sử dụng chất liệu lụa truyền thống để thể hiện các tác phẩm của mình, đưa những cảnh quan thiên nhiên đẹp hay nét văn hóa riêng có giàu chất truyền thống của những di sản thế giới được UNESCO công nhận dọc dải đất miền Trung, Tây Nguyên lên tà áo dài, như Thành nhà Hồ của Thanh Hóa, Phong Nha Kẻ Bàng của Quảng Bình, quần thể di tích Triều Nguyễn ở Thừa Thiên-Huế, hay phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn ở Quảng Nam…
Sự sáng tạo độc đáo của các nhà thiết kế đã mang lại giá trị mới của thời đại cho áo dài, đồng thời dẫn dắt người xem cùng du ngoạn đến những vùng di sản độc đáo của Việt Nam.
Có thể thấy dù lễ hội áo dài ở Festival Nghề truyền thống Huế, hay triển lãm áo dài tại Bảo tàng Phụ nữ ở Hà Nội thì nguyện vọng chung nhất của các nhà tổ chức vẫn là không ngừng kết nối các trái tim say mê tình yêu với di sản áo dài Việt Nam.
Là một trong những nhà thiết kế (NTK) tham gia triển lãm “Áo dài trên con đường di sản” tại Bảo tàng Phụ nữ, hoa hậu Đặng Thị Ngọc Hân chia sẻ suy nghĩ: “Hân nghĩ rằng Hân hay những nhà thiết kế sẽ cố gắng tạo ra thật nhiều bộ sưu tập áo dài đẹp, tiện dụng để mọi người nói chung và các nghệ sĩ nói riêng sẽ sử dụng tà áo dài nhiều hơn nữa trong các sự kiện trong nước và quốc tế, giúp mọi người biết đến và yêu thêm tà áo dài. Đó sẽ là tiền đề rất tốt để áo dài trở thành di sản của Việt Nam và một ngày không xa áo dài có thể trở thành di sản thế giới”.
Những trăn trở cùng tình yêu áo dài
Cũng nhân nói về các NTK áo dài tâm huyết với sự phát triển của áo dài Việt Nam, cách đây ít lâu, tại buổi ra mắt chương trình “Áo dài của chúng ta” cũng tại Bảo tàng Phụ nữ, nhiều cặp mắt đã nhìn hút vào tà áo dài trắng mà NTK Minh Hạnh mặc. Dù khác với lụa, nhưng chất liệu vải này cũng mang đến cho người mặc một dáng vẻ mềm mại, thanh thoát, dịu dàng. Rất áo dài, rất Việt Nam! Đó chính là chất liệu vải gai và phía sau đó là cả một câu chuyện dài.
Vào năm 2018, trong Tuần lễ thời trang Việt Nam xuân hè 2018 (Vietnam Fashion Week Spring - Summer 2018) đã xuất hiện những ứng dụng mới về chất liệu truyền thống và thiên nhiên Việt Nam, mà vải gai là một trong số ấy.
Ở thời điểm đó, NTK Minh Hạnh - Trưởng ban tổ chức Tuần lễ thời trang Việt Nam xuân hè 2018 đã cho biết, cùng với những chất liệu đũi Nam Cao, tơ tằm Nhật Minh, lụa Bảo Lộc, lụa Nha Xá thì vải gai Thiên Ân - Quảng Ngãi, sợi gai An Phước… là cơ sở để chúng ta có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong việc tạo chất liệu quý giá cho thời trang cao cấp. Với xu thế tiêu dùng toàn cầu, những chất liệu tự nhiên đang lên ngôi vì tính thích nghi cao và trong sạch môi trường.
Nối tiếp câu chuyện về sợi gai gắn với thời trang Việt Nam, NTK Minh Hạnh đã kể một câu chuyện: “Có một dịp tình cờ tôi đến Quảng Ngãi để tìm chất liệu mới, gặp một vị lãnh đạo tỉnh và được nghe anh tâm sự, ngày bé hay thấy mẹ lấy vải gai để vá quần áo cho mọi người trong gia đình. Khi được anh dẫn đến các gia đình se sợi gai, tôi đã rất bất ngờ, vì người dân ở đây vẫn se sợi gai rất nhiều. Cây gai là loại cây công nghiệp thu hoạch nhanh, tuổi đời khoảng 10 năm, mỗi năm cho 4 lần thu hoạch. Sợi gai không bị ẩm mốc, rất chắc, và trên hết là giá thành chỉ bằng 1/8 so với tơ tằm. Đến giờ có thể lạc quan nói rằng, chúng tôi đã tìm được chất liệu bền vững cho thời trang Việt Nam”.
Được biết, với mục tiêu chủ động nguồn nguyên liệu cho ngành dệt may, tạo nên các loại vải cao cấp để xuất khẩu, dự án “Làm chủ công nghệ trồng và chế biến tơ sợi chất lượng cao từ cây gai xanh phục vụ sợi cho ngành dệt may với công suất 2.500 tấn/năm” đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt. Dự án được triển khai từ tháng 1/2017 đến tháng 12/2018 và đang hướng đến mục tiêu làm chủ công nghệ trong một chuỗi liên kết khép kín từ khâu giống, canh tác trên quy mô công nghiệp đến khâu chế biến tơ sợi từ cây gai xanh phục vụ ngành dệt may.
Kể câu chuyện này để thấy, với rất nhiều NTK nói riêng và nhiều người trong xã hội, tình yêu áo dài Việt đã ngấm vào máu thịt tự lúc nào. Dù chưa chính được tôn vinh là di sản văn hóa, tà áo dài đã thực sự trở thành di sản sống động trong cả suy nghĩ, lẫn cách ăn mặc hàng ngày của họ. Huế là địa phương đầu tiên khởi xướng việc công chức cả nam và nữ mặc áo dài đến công sở. Cùng với áo dài nữ giới, áo dài nam giới Việt cũng đang dần dần được khôi phục và yêu thích.
Mới đây, trao đổi với truyền thông, đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam; Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội - nêu quan điểm sở dĩ áo dài nam giới phải chịu nhiều hạn chế trong đánh giá, sử dụng hơn áo dài nữ bởi chịu ảnh hưởng của văn minh Pháp, trang phục nước ta đã có sự biến đổi theo hướng Âu hóa, đặc biệt là đối với trang phục nam. Do đó, nhiều người xem việc nam giới mặc áo dài truyền thống là cổ hủ, lạc hậu, níu kéo tàn dư phong kiến.
Theo ông Sơn, thay vì luật hoá hay có những quy định quá cứng nhắc về trang phục áo dài nam truyền thống, có lẽ cần hướng tới việc tôn vinh áo dài nam một cách thực sự hiệu quả và thực chất. Để từ đây, áo dài nam trở thành niềm tự hào tự thân của người mặc là nam giới. Chỉ khi việc mặc áo dài là nhu cầu tự thân, là niềm tự hào của chính người mặc thì việc mặc áo dài nam truyền thống mới trở nên bền vững.
Áo dài không chỉ để mặc theo nghĩa đen, mà còn mang ý nghĩa văn hóa xã hội
Ngày 12/11/2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 1909/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh vấn đề bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, khoảng 70% số di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được xây dựng đề án, chương trình bảo vệ và phát huy giá trị.
Hiện Bộ VHTTDL, Hội LHPN Việt Nam, Bảo tàng Áo dài và Hội Di sản Văn hoá TP.HCM và nhiều địa phương khác đang nỗ lực cùng nhau tiến hành lập hồ sơ trình Chính phủ để công nhận áo dài là quốc phục Việt Nam, tiến tới xác nhận áo dài là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại thuộc sở hữu của Việt Nam tại UNESCO.
Cuối tháng 6/2020, nhằm nhận diện, đánh giá đầy đủ về những khía cạnh lịch sử, tập quán sử dụng, chức năng, giá trị văn hóa, xã hội, nghệ thuật và bản sắc văn hóa của áo dài Việt Nam, Bộ VHTTDL, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc gia mang chủ đề “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc”.
Tuy nhiên, theo PGS. TS. Nguyễn Thị Hiền - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam thì việc xây dựng hồ sơ đề cử trình UNESCO về áo dài của Việt Nam cũng có những khó khăn nhất định và phải lường trước được vấn đề để hóa giải.
“Trước hết, áo dài về bản chất là một sản phẩm may mặc, một hiện vật vật chất mà chúng ta mặc, có thể nhìn, sờ và sử dụng. Nhưng áo dài khác với những chiếc áo khác, trang phục khác, còn bao hàm nhiều giá trị tinh thần và ý nghĩa văn hóa. Áo dài không chỉ để mặc theo nghĩa đen, mà áo dài còn mang trong nó những ý nghĩa văn hóa xã hội. Vì thế, văn hóa mặc áo dài cũng có thể là một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của kho tàng di sản văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, khi xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, thì hồ sơ phải tuân thủ theo các điều khoản của Công ước 2003.
Trước hết, tên gọi hồ sơ về áo dài. Tên hồ sơ đề cử là: “Áo dài của Việt Nam” hay “Áo dài của người Việt” không thể hiện là di sản văn hóa phi vật thể, mà là một hiện vật, một sản phẩm, một trang phục.
Theo định nghĩa của Công ước, di sản văn hóa phi vật thể là các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng. Do vậy, những di sản bản thân là vật thể, vật chất, hiện vật như trang phục, vải, tranh dân gian, đồ gốm, hàng thủ công khác thì các hồ sơ thường có tên gọi gợi mở, liên quan đến khía cạnh phi vật thể, như: nghệ thuật, tập quán, văn hóa.
Chẳng hạn các tên liên quan như: “Văn hóa mặc áo dài của Việt Nam/của người Việt”; “Tập quán mặc áo dài của Việt Nam/của người Việt”; “Trang phục áo dài của Việt Nam/của người Việt: Tập quán và bản sắc, biểu tượng văn hóa” - PGS.TS. Nguyễn Thị Hiền cho biết.