Bà lão 20 năm lang thang vì bị đuổi khỏi nhà… của mình

(PLO) - Được bố mẹ để lại cho một mảnh đất và ngôi nhà chung nhưng sau thời gian đi công tác, khi trở về thì bà Mai Thị Hồng (SN 1943) đã bị anh trai đuổi ra khỏi nhà. Trong 20 năm đó, bà Hồng phải lang thang nương tựa ở nhà người thân để đi tìm công lý, đòi lại quyền lợi chính đáng của mình. 
Qua 5 phiên tòa, quyền lợi bà Mai Thị Hồng vẫn… treo lơ lửng
Qua 5 phiên tòa, quyền lợi bà Mai Thị Hồng vẫn… treo lơ lửng

Bước đường cùng

Đang phải ở tạm trong căn phòng nhỏ tầm chục mét vuông nằm sâu hun hút ở con phố Minh Khai (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội), bà  Mai Thị Hồng kể lại câu chuyện trong 20 năm đi đòi công lý của mình.

Nước mắt bà trực trào khi kể về những năm tháng sống cùng bố mẹ và anh trai, rồi sau này lấy chồng, ly hôn và một mình nuôi mấy người con còn thơ dại. Nhưng khi mọi khó khăn, vất vả đã qua đi những tưởng khi về già được ngày ngày chơi với các con, các cháu thì bà lại đau đớn buộc phải cầm những lá đơn kiện anh trai để đòi lại quyền lợi chính đáng của mình.

Đưa cho chúng tôi xem những bản án mà các cấp tòa từ TP Hạ Long đến TAND tối cao đã phán quyết, bà Hồng tâm sự: “Ở tuổi này, tôi chẳng ham hố gì tiền bạc, chẳng ước gì giàu sang, phú quý. Nhưng 20 năm lang thang ăn nhờ, ở đậu khắp nơi tôi mệt mỏi lắm rồi. Kể cả khi không còn sức lực, tôi vẫn phải đòi lại những gì mà bố mẹ đã để lại và tòa án đã phán quyết”.

5 bản án của các cấp tòa xét xử
5 bản án của các cấp tòa xét xử

Chỉ vào căn phòng đang ngồi rộng khoảng chục mét vuông, bà cho biết thêm, đây là nhà của cô cháu ngoại cho bà ở tạm. “Tôi nghỉ hưu sớm nên không có chế độ gì. Nhà cửa thì đã bị anh trai lấy hết nên mọi sự phải nhờ vào con cháu. Đến cái tuổi này, tôi chỉ buồn vì đất cát, vì lợi ích trước mắt mà tình cảm anh em chia lìa. Ngày xưa, khi đi công tác xa, tôi còn bị tung tin là con nuôi và không được hưởng tài sản bố mẹ để lại”, bà Hồng chua chát cho biết.

Tiếp nối câu chuyện, bà Hồng kể tiếp, bà quê gốc ở phường Cao Thắng, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Sau khi lấy chồng và sinh được 3 người con, đến năm 1971 thì hai vợ chồng ly hôn, 3 người con chung phải gửi nhờ bố mẹ bà chăm sóc. Đến năm 1985, cuộc sống quá khó khăn, bà vào Bình Thuận làm ngành thủy sản để có tiền gửi về quê nuôi con cái.

“Sau đó năm 1994, mẹ tôi mất. Tôi chỉ được báo tin khi người nhà đã đưa đi chôn cất. Đến năm 1995, bố tôi lâm bệnh nặng. Tôi về chăm ông được một thời gian thì ông cũng qua đời. Quay trở lại Bình Thuận, tôi vẫn tiếp tục công việc bên ngành thủy sản. Năm 1997, khi con cái đã lớn khôn và cháu đầu lập gia đình, tôi trở về quê để được gần con, gần cháu. Nhưng khi vào nhà bố mẹ để lại cho hai anh em thì tôi bị đuổi ra ngoài. Từ đó đến nay là 20 năm, tôi phải lang thang từ Quảng Ninh, lên Hà Nội rồi tá túc ở nhà con gái, các cháu ngoại hoặc người thân. Còn toàn bộ tài sản là đất đai và nhà cửa mà mà bố mẹ để lại, đều bị anh trai tôi lấy hết. Cực chẳng đã, năm 1998, tôi gửi đơn lên TAND TP Hạ Long để yêu cầu giải quyết tranh chấp di sản thừa kế là nhà và đất của bố mẹ tôi để lại tại tổ 66, khu 8, phường Cao Thắng, thành phố Hạ Long. Sau gần 10 năm theo kiện, trải qua nhiều cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm, cuối cùng công lý đã thuộc về tôi. Nhưng đến nay, quyền lợi của tôi vẫn treo lơ lửng…”, bà Hồng không kìm được nước mắt khi nói về hành trình đi tìm công lý của mình.

Làm khó công tác thi hành án

Cầm trên tay 5 bản án từ sơ thẩm đến giám đốc thẩm, bà Hồng cho biết bố mẹ bà là cụ Mai Đức Khâm và Đinh Thị Tuyết sinh được hai người con là bà và anh trai Mai Đức Hải. Ngày bà nộp đơn khởi kiện, ông Hải cùng vợ là bà Trần Thị Hồng (trú tại khu 8 mới, phường Cao Thắng) đang quản lý một căn nhà xây cấp 4 có diện tích sử dụng là 64,79m2 kèm theo công trình phụ nằm trên diện tích 957m2. Trong diện tích 957m2 nói trên có 160m2 đất đã có giấy phép xây dựng mang tên cụ Mai Đức Khâm do Ủy ban hành chính thị xã Hòn Gai (nay là TP Hạ Long) cấp ngày 11/3/1972.

Trải qua nhiều phiên tòa xét xử với các bản án sơ thẩm số 10/DSST ngày 31//3/2001 của TAND TP Hạ Long; bản án phúc thẩm số 14/DSPT ngày 22/5/2001 của TAND tỉnh Quảng Ninh; Quyết định giám đốc thẩm số 41/GĐT-DS ngày 19/3/2003 của Tòa dân sự - TAND Tối cao; sau đó đến bản án sơ thẩm số 11/2007/DSST ngày 17/5/2007 của TAND TP Hạ Long; bản án phúc thẩm số 28/2007/DSST ngày 16/8/2007 của TAND tỉnh Quảng Ninh, bà Mai Thị Hồng đều được xử thừa kế một phần tài sản của bố mẹ để lại.

Trong quá trình xét xử, ông Mai Đức Hải cũng đã xuất trình một tờ giấy di chúc của cụ Mai Đức Khâm có nội dung: “Cho ông Mai Đức Hải được thừa kế toàn bộ khu nhà theo giấy phép xây dựng cấp ngày 11/3/1972”.

Tuy nhiên, bản di chúc này đã bị cấp sơ thẩm của TAND TP Hạ Long, cấp phúc thẩm của TAND Quảng Ninh bác bỏ vì không đủ căn cứ. Cụ thể là nội dung và hình thức của bản di chúc này đều không phù hợp với Bộ luật dân sự đã quy định.

Theo nội dung bản án dân sự phúc thẩm số 28/2007/DSPT, ngày 16/8/2007 mới nhất, TAND tỉnh Quảng Ninh đã quyết định tạm giao cho bà Mai Thị Hồng được quyền sử dụng diện tích 346,2m2 (trong số 957m2) đất tại tổ 66 khu 8, phường Cao Thắng và sở hữu một gian nhà diện tích 19,53m2 kèm theo công trình phụ.

Bản án này được đính kèm sơ đồ hiện trạng thửa đất số 30, tờ bản đồ địa chính số 23 có diện tích 957m2  được cấp giấy phép xây dựng năm 1972 cho cụ Mai Đức Khâm. Sơ đồ hiện trạng chi tiết được đo đạc bằng máy trắc địa do cán bộ địa chính phường Cao Thắng thực hiện và các bên tranh chấp đã ký xác nhận.

Tuy nhiên, kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật cho đến nay đã hơn 8 năm nhưng bà Mai Thị Hồng vẫn chưa được hưởng phần tài sản mà tòa án đã tuyên. Lý do như sau: Theo văn bản số 589/CCTHA ngày 23/10/2015 của Chi cục thi hành án thành phố Hạ Long, trong quá trình thi hành án, Chi cục THADS TP Hạ Long xác minh qua Phòng TNMT TP Hạ Long thì diện tích đất được TAND giao cho ông Mai Đức Hải đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Minh Thao và bà Trần Mộng Hoài từ ngày 30/7/2002.

Điều hết sức lạ lùng là việc chuyển nhượng khu đất này được thực hiện trong thời gian TAND đang xét xử vụ án dân sự nói trên. Được biết, ông Nguyễn Minh Thao hiện đang là Phó trưởng Công an TP Hạ Long. Còn về phần diện tích mà TAND tuyên tạm giao cho bà Mai Thị Hồng thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Mai Đức Hải, Trần Thị Hồng cũng ngày 30/7/2002. Vậy ai là người đứng ra làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Mai Đức Hải, bà Trần Thị Hồng cũng cần phải được làm rõ.

Chính bởi những việc làm tắc trách của chính quyền TP Hạ Long đã khiến cho cơ quan Thi hành án dân sự TP Hạ Long rơi vào thế bế tắc bởi bản án thì đã tuyên, đã có hiệu lực pháp luật nhưng khối tài sản phải thi hành án lại mang tên người khác.

Được biết, để đảm bảo việc thi hành bản án, từ ngày 11/3/2008, cơ quan Thi hành án dân sự TP Hà Long đã gửi công văn số 23/CV-THA gửi UBND TP Hạ Long, Phòng TNMT TP Hạ Long, UBND phường Cao Thắng đề nghị các đơn vị này không làm thủ tục chuyển nhượng, tặng cho, cầm cố, thế chấp nhà cửa và các lô đất mà bản án số dân sự phúc thẩm số 28/2007/DSPT, ngày 16/8/2007 đã nêu.

Từ ngày 25/8/2011, Chi cục THADS TP Hạ Long đã gửi văn bản đến TAND tỉnh Quảng Ninh đề nghị giải thích bản án số 28 nhưng TAND tỉnh Quảng Ninh cho biết, do Tòa dân sự TAND Tối cao mượn hồ sơ từ năm 2008 nên đến nay chưa thể trả lời được.

“Như vậy, qua gần 20 năm theo kiện, đến nay tuổi đã cao, sức đã yếu, không có chỗ ở nhưng tôi lại phải tiếp tục hành trình đi tìm công lý”, bà Hồng bức xúc.

Phước Long - Tố Vân

Đọc thêm