Thời gian gần đây, báo Pháp luật Việt Nam nhận được rất nhiều phản ánh của các bậc phụ huynh, học sinh và các trung tâm Anh ngữ đã được cấp phép trên địa bàn TP Bắc Ninh về thông tin có hàng loạt các trung tâm ngoại ngữ hoạt động không phép làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường giáo dục và môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các trung tâm.
Sau khi nhận được thông tin, phóng viên đã trực tiếp đến các trung tâm Anh ngữ theo nội dung phản ánh.
Trong vai một phụ huynh có nhu cầu cho con đi học ngoại ngữ (tiếng Anh), phóng viên đã tiếp cận và được biết hầu hết các trung tâm này hoạt động không phép và giáo trình đào tạo không hề có bài bản đặc biệt là không được các cơ quan chuyên môn thẩm định, đánh giá.
Ngoài ra, số tiền mà các bậc phụ huynh phải nộp được chủ cơ sở thông báo từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng theo từng khóa học.
Trên các panô, băngrôn, apphich, và qua lời giới thiệu của các trung tâm Anh ngữ này thể hiện đầy các nội dung bắt mắt như: hệ thống phòng ốc hiện đại cao cấp, đối tác quốc tế, giáo viên nước ngoài (Anh, Mỹ, Úc...), phương pháp phản xạ độc quyền, cấp bằng quốc tế, giáo trình quốc tế.
Để thu hút học viên, nhiều trung tâm sử dụng nhiều chiêu thức như chính sách miễn giảm học phí, quà tặng. Một trong những hình thức khuyến mãi phổ biến nhất hiện nay là nếu học viên đăng ký từ hai khóa học trở lên, học phí sẽ được giảm chỉ còn 50%, thậm chí 70%.
Nhưng thực tế, qua quan sát của phóng viên thì hầu hết các phòng học của các trung tâm này chật chội, giáo viên dạy học không có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, hệ thống thoát hiểm thì sơ xài.
Trong trường hợp xấu khi xảy ra hỏa hoạn thì không biết sẽ có chuyện gì xảy ra vì hầu hết các học viên của các trung tâm ngoại ngữ thường rất đông và phần lớn ở lứa tuổi thiếu nhi.
Đem câu chuyện này đến gặp ông Nguyễn Cương Nghị – Trưởng phòng Giáo dục đào tạo UBND TP Bắc Ninh thì ông Nghị cho rằng, đối với các Trung tâm anh ngữ thì đều do Sở GD&ĐT Bắc Ninh cấp phép nên việc quản lý đối với các Trung tâm Anh ngữ đều do Sở GD&ĐT phụ trách.
Về vấn đề các Trung tâm Anh ngữ hoạt động không phép trên địa bàn, theo ông Nghị thì khi phát hiện sẽ tham mưu, báo cáo lên Chủ tịch UBND TP Bắc Ninh và có văn bản báo cáo lên Sở GD&ĐT Bắc Ninh.
Trả lời Phóng viên về vấn đề trách nhiệm quản lý khi để các Trung tâm anh ngữ hoạt động không phép trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Đang – Phó trưởng phòng Tổ chức hành chính, Sở GD&ĐT Bắc Ninh cho biết, Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT ngày 24/8/2018 của Bộ GD&ĐT đã chỉ rõ về trách nhiệm quản lý của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Cụ thể, đối với UBND huyện, Thị xã, TP sẽ có trách nhiệm quản lý các trung tâm ngoại ngữ, tin học trên địa bàn. Định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học trên địa bàn với Sở GD&ĐT.
Tham mưu với UBND cấp huyện quy định và quản lý các trung tâm ngoại ngữ, tin học trong việc liên kết đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn.
Theo ông Đang, tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn TP Bắc Ninh có khoảng 60 trung tâm ngoại ngữ, tin học, riêng TP Bắc Ninh có khoảng 30 trung tâm, chiếm tỷ lệ gần 50%. Qua báo cáo và nhận xét của các bậc phụ huynh thì hầu hết các trung tâm anh ngữ đã được cấp phép trên địa bàn cơ bản là hoạt động tốt và được đánh giá cao.
Về vấn đề các trung tâm anh ngữ hoạt động “chui” trên địa bàn, ông Đang cho biết Sở GD&ĐT Bắc Ninh đã làm việc với UBND TP Bắc Ninh và sẽ thành lập đoàn kiểm tra đối với các cơ sở này.
Như vậy, có thể thấy rằng, việc phản ánh của các bậc phụ huynh về việc các trung tâm anh ngữ không được cấp phép hoạt động “chui” trong thời gian vừa qua là có cơ sở.
Theo quy định thì hầu hết các trung tâm được thành lập và cấp phép hoạt động, đội ngũ cán bộ giáo viên đều đạt chuẩn theo quy định, đáp ứng nhu cầu người học; hồ sơ hoạt động tương đối đảm bảo; giáo viên người nước ngoài đều được kiểm soát theo quy định của pháp luật; hoạt động của các trung tâm sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ cho mọi lứa tuổi.
Tuy nhiên, còn có những thiếu sót tồn tại về cơ sở vật chất, địa bàn hoạt động, về công tác quản lý đội ngũ giáo viên, nhất là quản lý giáo viên là người nước ngoài.
Câu trả lời của các cấp ban ngành trong lĩnh vực Giáo dục trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh thể hiện việc “đẩy quá bóng trách nhiệm” cho nhau mà không ai bị xử lý là điều khiến dư luận không khỏi bức xúc. Việc này thể hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước của Sở GD&ĐT Bắc Ninh, UBND TP Bắc Ninh vẫn còn lỏng lẻo, chưa được chặt chẽ.
Để tránh xảy ra trường hợp trên thì các cấp chính quyền và các sở ban ngành cần phải tăng cường quản lý, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên trên địa bàn phải giám sát, phòng giáo dục tăng cường thanh tra cương quyết xử lý, đặc biệt trong vấn đề cấp phép.
Khi đăng ký một trung tâm ngoại ngữ để học, phụ huynh, học sinh cần tìm hiểu kỹ về vấn đề pháp lý của trung tâm, đồng thời nên đến tận nơi kiểm tra cơ sở vật chất, lớp học. Phụ huynh học sinh cũng không quá coi trọng khuyến mãi mà đóng học phí trên 6 tháng/lần, nên đóng học phí từng khoá/3 tháng tránh trường hợp rủi ro xảy ra.
Báo PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin./.