Bài 1:CP và Anco liên quan gì tới “phi vụ lợn dính chất cấm”

(PLO) - Tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tiếp tục gia tăng ở các tỉnh, thành trên phạm vi cả nước. Đáng lo ngại, ngay cả trong các lô heo từ trang trại của doanh nghiệp lớn cũng bị phát hiện có chất cấm. Khi sử dụng thực phẩm này, người ăn có thể bị chóng mặt, ù tai, nhịp tim nhanh, mệt mỏi, về lâu dài có nguy cơ mắc bệnh ung thư và ảnh hưởng tới nòi giống.
Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo có dấu hiệu bùng phát. Ảnh: www.vietpress.vn.
Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo có dấu hiệu bùng phát. Ảnh: www.vietpress.vn.
Xuất hiện phổ biến việc sử dụng chất tạo nạc là vấn đề “nổi cộm” trong cuộc họp báo thường kỳ về kết quả công tác tháng 8 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 9/2015 do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 31/8/2015, tại Hà Nội.

Dư lượng chất cấm vượt hơn 600 lần

Tại buổi họp báo, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN&PTNT) cho biết, đoàn kiểm tra của Bộ vừa kiểm tra nhiều cơ sở chăn nuôi tại các tỉnh miền Nam, gồm TPHCM, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An về việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo. Qua kiểm tra, đoàn đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm.

Cụ thể, Đoàn Thanh tra Bộ đã làm việc với Chi cục Thú y TP. Hồ Chí Minh về việc phát hiện tồn dư chất cấm trong các lô heo giết mổ. Theo đó, Chi cục đã lấy 227 mẫu nước tiểu heo giết mổ của 51 lô, phát hiện 31 mẫu dương tính với hàm lượng cao từ 80 ppb – 1.300 ppb thuộc 7 lô heo, lập biên bản và ra quyết định xử lý vi phạm với 7 thương lái có heo kiểm tra dương tính với Sbutamol (một hóa chất tạo nạc đã bị cấm).

Trong 7 lô đó có 4 trường hợp có nguồn gốc xuất xứ từ Đồng Nai, 2 trường hợp ở Tiền Giang và 1 ở Long An. Chi cục Thú y TP. Hồ Chí Minh đã có công văn gửi Chi cục các tỉnh về việc phối hợp xử lý vụ việc trên.

Đối với Đồng Nai, Chi cục Thú y đã kiểm tra 44 trang trại trong gần 2.000 trang trại trên địa bàn, phát hiện 14 trang trại có heo dương tính với Sbutamol. Chi cục đã ra quyết định xử phạt hành chính với các trang trại tập trung tại huyện Vĩnh Cử và Biên Hòa… 
Đặc biệt, tại 2 trang trại chăn nuôi "vệ tinh" cho tập đoàn CP - một trong những tập đoàn hàng đầu hiện nay về quy mô chăn nuôi tại Việt Nam, Chi cục Thú y TPHCM phát hiện 2 lô heo xuất phát từ 2 trạm trung chuyển của công ty có chứa chất cấm.
Nội dung báo cáo của đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và PTNT về kết quả truy xuất nguồn gốc lô heo của Công ty CP chứa chất cấm.
Nội dung báo cáo của đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và PTNT về kết quả truy xuất nguồn gốc lô heo của Công ty CP chứa chất cấm. 
Nội dung làm việc của đoàn về vấn đề truy xuất nguồn gốc lô heo chứa chất cấm của Công ty ANCO.
 Nội dung làm việc của đoàn về vấn đề truy xuất nguồn gốc lô heo chứa chất cấm của Công ty ANCO.

Tương tự như CP, Công ty Anco có tổng đàn heo 95.000 con, mỗi tháng xuất trên 14.000 con. Công ty đã xuất heo cho thương lái, giao phiếu tiêm phòng vaccine và giấy bán cho thương lái, nhưng không có biện pháp theo dõi, nên các thương lái đã bán lại cho một số trang trại để nuôi vỗ béo, sau đó mới xuất bán, ảnh hưởng tới uy tín của công ty.

Đặc biệt, đoàn công tác đã truy xuất lô hàng của công ty sản xuất thú y Khoa Nguyên (TPHCM) sản xuất tháng 7/2014. Doanh nghiệp này thừa nhận có sử dụng chất cấm. Đoàn cũng phát hiện 15 sản phẩm thuốc thú y của công ty này không nằm trong danh mục cho phép (đã lập biên bản vi phạm hành chính tới 420 triệu đồng, đình chỉ sản xuất thức ăn bổ sung 1 tháng, và cấm sản xuất thuốc thú y).

Ngoài ra, Chi cục Thú y tại Vĩnh Long, đã kiểm tra, phát hiện sản phẩm chứa Salbutamol hàm lượng tới 3.160. Cty Cường Phát (xã Bắc Sơn, Trảng Bom, Đồng Nai) là nơi đặt hàng Cty Bắc Âu Mỹ (Long Thành, Đồng Nai) sản xuất. Với Cty Cường Phát bị phát hiện 10 sản phẩm không có trong danh mục, đề xuất phạt 340 triệu đồng. Ngoài ra, tại Tiền Giang, cơ quan chức năng phát hiện 25/38 mẫu nước tiểu lợn dương tính với Salbutamol; Bến Tre lấy 20 mẫu (16 mẫu nước tiểu, 4 mẫu thức ăn bổ sung), trong đó 4/16 mẫu nước tiểu dính chất cấm; Tây Ninh phát hiện 2/2 mẫu có chất cấm.

Giải thích về việc sử dụng chất cấm tràn lan, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, do giá heo cao, từ 45.000-50.000 đồng/kg, khiến nhiều người nuôi hám lợi, mờ mắt.

Thứ hai là áp lực từ thương lái, muốn ép người chăn nuôi dùng chất cấm Sabutamol có tỉ lệ thịt nạc cao, bán được giá hơn, và thứ ba là một số địa phương xao nhãng việc kiểm tra, kiểm soát.
Ông Phạm Tiến Dũng, (đứng), Trưởng phòng thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NNPTNT phát biểu tại buổi họp báo.
 

Ông Phạm Tiến Dũng, (đứng), Trưởng phòng thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NNPTNT phát biểu tại buổi họp báo.

Sau chuyến công tác vừa qua, ông Dũng đưa ra nhận định: Tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ở các tỉnh miền Nam đang diễn ra hết sức phức tạp, nhân dân phẫn nộ trước việc sử dụng chất cấm để vỗ béo cho heo tràn lan.

Khi ăn các thực phẩm có các chất cấm, người ăn có thể bị chóng mặt, ù tai, nhịp tim nhanh, mệt mỏi, về lâu dài có nguy cơ mắc bệnh ung thư, ảnh hưởng tới nòi giống. Đây là một tội ác, cần phải ngăn chặn, xử lý nghiêm để răn đe.
Đề nghị xử lý hình sự người dùng chất cấm nuôi heo

Ông Phạm Đức Bình, phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN, cho biết chất tạo nạc cho heo được sử dụng nhiều nhất tại VN là clenbuterol và salbutamol, chủ yếu có nguồn nhập từ Trung Quốc, khi heo ăn chất này sẽ không đào thải như những chất khác.

Ông Bình cũng lưu ý hiện tượng nhiều người mua những con heo lớn, nặng khoảng 100kg, đã đến tuổi xuất chuồng của các công ty có uy tín về nuôi, sử dụng các chất kích thích, chất tạo nạc để thúc heo trong thời gian ngắn tăng lên 130kg, thậm chí có con lên đến 200kg để giả thịt bò nhằm thu lợi nhuận.

Hiện nay, việc phát hiện, xử lý các cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi heo mới dừng lại ở chế tài xử phạt hành chính. Theo quy định hiện nay, khi đoàn kiểm tra phát hiện một lô heo nào đó có chất cấm vượt ngưỡng cho phép, đầu tiên là xử phạt hành chính với mức phạt tiền 15 triệu đồng và bắt người vi phạm phải nuôi thêm 10-15 ngày để chất cấm này không còn trong thịt trước khi đưa ra thị trường nên không có tính răn đe cao.
Vì thế, nhiều nhà chuyên môn cho rằng cần phải có chế tài hình sự về vấn đề này mới xử lý triệt để tình trạng dùng chất cấm trong chăn nuôi heo, góp phần bảo vệ người tiêu dùng. Liên quan đến yêu cầu “xử lý hình sự” những cá nhân, đơn vị sản xuất, mua bán, xúi giục người khác sử dụng chất tạo nạc trong lĩnh vực chăn nuôi heo như đề xuất của Sở NN&PTNT Đồng Nai. 
Theo ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, cơ quan chức năng phải xử lý tới nơi tới chốn, quyết liệt để ngăn chặn nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Mức phạt đối với hành vi này hiện còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Nếu không thay đổi mức xử phạt, xử lý không nghiêm thì ngành chăn nuôi có nguy cơ phá sản. 
Trước thực trạng sử dụng chất cấm vẫn diễn ra, các cơ quan liên quan cần tổ chức các đoàn thường xuyên kiểm tra các trang trại ngẫu nhiên, liên tục nhằm có biện pháp chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; đồng thời công bố các trang trại vi phạm lên phương tiện truyền thông đại chúng.
Để người tiêu dùng không tẩy chay thịt lợn và ngành Chăn nuôi Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi thực phẩm “bẩn”, rất cần có sự đồng lòng và cái tâm của người chăn nuôi không vì lợi nhuận mà cố tình vi phạm các nguyên tắc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong chăn nuôi, gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng…/.
Chuyên mục Tiêu dùng & Dư luận của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, chăm sóc khách hàng...
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm