Hàng loạt rào cản
Phát triển đô thị thông minh và bền vững đang là mục tiêu của rất nhiều thành phố trên thế giới và cũng là tâm điểm phát triển của xây dựng Việt Nam. Theo đó, hiện nay trên toàn quốc đã có gần 20 tỉnh, thành phố đang triển khai hoặc khởi động về các đề án về đô thị thông minh, như Đà Nẵng, Bình Dương, Hà Nội, TP HCM...
Như vậy, tiềm năng phát triển đô thị thông minh khá lớn, tuy nhiên việc thiếu quy chuẩn chung, mỗi nơi thực hiện theo một hình khác nhau đang là rào cản để tiến tới phát triển thành phố thông minh, bền vững. Bên cạnh đó, việc phát triển đô thị tại Việt Nam trong những năm qua diễn ra quá nhanh, đã vượt quá khả năng kiểm soát của chính quyền, làm nảy sinh nhiều bất cập và hệ lụy, lãng phí và tài nguyên quốc gia, làm mất cân bằng hệ sinh thái môi trường, mất cân bằng về không gian kiến trúc, suy giảm các công trình kiến trúc văn hóa lịch sử và văn hóa tâm linh, văn hóa dân tộc...
Theo dự báo, đến năm 2050, 70% dân số thế giới sẽ sống ở các đô thị. Tại Việt Nam hiện có 813 đô thị với tỷ lệ đô thị đang tăng nhanh. Chỉ riêng hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP HCM đã có dân số đô thị chiếm 30% dân số đô thị trên toàn quốc. Điều này tạo nên áp lực vô cùng lớn lên hệ thống công trình cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất và không gian sống; đòi hỏi các kiến trúc sư, các nhà xây dựng phải nắm bắt, đáp ứng được xu hướng thực tế và nhu cầu sống của cộng đồng.
Tuy đã có nhiều thành phố đã được phê duyệt quy hoạch đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. nhưng do việc quy hoạch được phê duyệt còn thiếu chi tiết và cụ thể hóa, tầm nhìn chiến lược dài hạn vẫn còn nặng về yếu tố tăng trưởng, thiếu sự phối kết hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ban ngành. Đặc biệt là thiếu cơ quan chủ quản đầu mối chịu trách nhiệm chính. Chính quyền đô thị còn nặng về yếu tố thành tích, chạy đua với tăng trưởng GDP theo kế hoạch. Hệ lụy của nó trong thời gian qua là diện tích đất nông nghiệp, đất công cộng bị thu hẹp nhanh chóng để nhường chỗ cho các khu đô thị, nhà cao tầng mọc lên trong nội thành nhanh chóng, nhiều khu tự nhiên sinh thái bị phá vỡ, ao hồ bị vùi lấp, sông suối bị thu hẹp, trường học và bệnh viện trong thành phố tăng lên.
Theo ông Trần Quốc Thái, Phó cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng), quy hoạch đô thị ở Việt Nam dù có nhiều cải thiện nhưng vẫn chưa tương xứng với nhu cầu của sự phát triển, vẫn còn tồn tại không ít bất cập và đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa. “Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị rất mỏng, phân tán, chưa số hóa trong khi tốc độ đô thị hóa diễn quá nhanh làm hạn chế khả năng thông minh hóa công tác quy hoạch đô thị cũng như quản lý phát triển đô thị”, ông Thái nhận định.
Theo giới chuyên gia kinh tế, kiến trúc đô thị, thách thức lớn hiện nay trong việc xây dựng thành phố thông minh tại Việt Nam là sự hình thành và phát triển đô thị còn thiếu kiểm soát, năng lực cạnh tranh của đô thị không cao; chất lượng đô thị yếu, kém... khiến nguy cơ cao dẫn đến tốn kém lượng lớn ngân sách, tiền của mà không thu hoạch được nhiều. Bởi vậy, muốn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trong khi vẫn đảm bảo có thể đối phó với những thách thức trong tương lai, tạo không gian cho tăng trưởng, đảm bảo đủ công ăn việc làm và trang bị những kĩ năng cần thiết cho lực lượng lao động, Việt Nam không chỉ cần có một kế hoạch dài hạn mà còn cần một kế hoạch thông minh.
Cần những giải pháp “dài hơi”
Tại hội thảo “Quản lý xã hội hướng đến phát triển đô thị bền vững ở Thành phố Hồ Chí Minh” diễn ra vào cuối tháng 8 vừa qua, Phó GS,TS. Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM cho rằng, trong bối cảnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tốc độ đô thị phát triển nhanh, lượng dân nhập cư cao cùng với cơ chế chính sách quản lý đối với một đô thị lớn còn nhiều bất cập đã tạo ra bài toán khó cho công tác quản lý đô thị - xã hội ở của thành phố này.
Hiện thành phố đang chịu áp lực quá tải hạ tầng dịch vụ cơ bản chăm sóc cho người dân cùng nhiều mục tiêu phát triển trên nhiều lĩnh vực khác. Nổi bật là tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, bảo đảm trật tự xã hội; dịch vụ khám chữa bệnh, giáo dục, nhà ở, đô thị hóa và đặc biệt là vấn đề bất bình đẳng xã hội…
Theo Phó GS, TS. Nguyễn Văn Trình, hầu hết các nhóm dân cư đều được hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế nhưng trong quá trình phát triển đã dần cho thấy sự bất bình đẳng trong thu nhập, sự chênh lệch trong mức sống. Vấn đề này làm cho khoảng cách giữa các nhóm xã hội ngày càng rõ nét. Vì thế, thành phố cần có giải pháp cụ thể về quản lý trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội...
Để giải quyết vấn đề quản lý xã hội hướng đến phát triển đô thị bền vững ở Thành phố, theo bà Thi Thị Tuyến Nhung- Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND TP HCM- rất cần có sự liên kết từ các cấp lãnh đạo, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân. Tiến trình xây dựng TP HCM phát triển bền vững đòi hỏi phải có sự chung tay tham gia của tất cả các lực lượng xã hội, trong đó tập trung vào sự chuyển đổi nhận thức, thái độ trách nhiệm của bản thân mỗi người, ở từng cương vị riêng của mình đóng góp và sự phát triển thịnh vượng chung của thành phố.
“Muốn quản lý xã hội theo hướng tới sự phát triển bền vững từ thực tiễn của TP HCM hiện nay, thứ nhất là sự lãnh đạo của cấp ủy cần có chủ trương, chính sách đúng đắng. Thứ hai là phải thường xuyên theo dõi sự biến đổi của cơ cấu xã hội qua đó kịp thời nắm bắt nhu cầu nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Thứ ba là luôn tạo ra sự đồng thuận và giữ gìn lòng tin của nhân dân, tăng cường các biện pháp vận động, giáo dục, thuyết phục và đối thoại.” Phó GS, TS. Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM hiến kế.