Bản án - tình người

(PLO) - Một vụ án đang trong quá trình xét xử ở Tiền Giang, cáo buộc một nữ bị cáo tội “Tham ô” và bản án sơ thẩm trước đây tuyên 12 năm tù. Đáng chú ý là có một việc  chưa từng xảy ra là có 16 luật sư trong cả nước tập hợp về đây, tự nguyện bào chữa miễn phí cho nữ bị cáo này.
Nữ bị cáo tại phiên tòa ngày 9/6 (Ảnh LĐO)
Nữ bị cáo tại phiên tòa ngày 9/6 (Ảnh LĐO)

Lý do đầu tiên là các luật sư cho rằng bị cáo này vô tội bởi các cáo buộc không đủ căn cứ và thiếu thuyết phục. Nhưng, có lẽ nguyên nhân chủ yếu thôi thúc các luật sư từ khắp Bắc - Trung - Nam kéo về đây là mối thương cảm với người đàn bà đang nuôi con nhỏ, chồng chết vì tai nạn giao thông mà phải bị tạm giam 3 năm. Lần xét xử này, các luật sư tập trung đưa ra các luận điểm bào chữa, vạch rõ các chứng cứ phi lý và các chữ ký giả mạo. Phiên tòa đã hoãn lại và trả hồ sơ để cơ quan điều tra củng cố chứng cứ. 

Điều này có thể thấy tâm huyết đối với chức năng nghề nghiệp của luật sư, họ làm việc chưa hẳn hoàn toàn là “có tiền mới làm”, không phải chỉ nhằm mục đích “đánh bóng tên tuổi”, họ nhập cuộc để bảo vệ những người yếu thế, sự đảm bảo pháp luật công bằng không chỉ đối với một trường hợp cụ thể mà còn là những đóng góp cho xã hội, cho nền tư pháp nước nhà trong việc ngăn ngừa, giảm thiểu các vụ án oan sai và cái đích mà pháp luật hướng tới là công lý.

Câu chuyện này xảy ra tại thời điểm mà Quốc hội đang bàn đến vấn đề “Luật sư có trách nhiệm tố giác thân chủ của mình khi biết phạm một tội rất nghiêm trọng không?”. Lương tâm nghề nghiệp và trách nhiệm công dân hẳn sẽ không tách rời nhau và như vậy quy định pháp luật nào cũng phải hài hòa trong sự điều chỉnh mối quan hệ này và phải tính đến các đặc thù nghề nghiệp. Gần đây, vụ nổ mìn nhà Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên do chính một cảnh sát dưới quyền là thủ phạm, được đưa ra xét xử và mọi người biết đến mối quan hệ đặc biệt giữa một cảnh sát hình sự với một thành phần bất hảo, ra tù vào tội. Đáng lưu ý là “thành phần ngoài xã hội” này rất chịu nghe lời anh cảnh sát hình sự, từ việc nhận lời phạm tội đến đường đi nước bước đối phó với cơ quan điều tra và trước đó, từng giúp anh cảnh sát hình sự này trong việc cung cấp tin phá án. Bây giờ, cả hai đều đứng trước sự phán xử của pháp luật. Vậy, anh cảnh sát hình sự kia có phạm thêm một tội nữa là “không tố giác tội phạm” không hay đó chỉ đơn thuần là “biện pháp nghiệp vụ”?

Pháp luật không cứng nhắc và luôn luôn coi trọng cái tình trong khi áp dụng các điều khoản pháp luật với các tình tiết giảm nhẹ. Ngay như vụ Đồng Tâm đang là “bão” với dư luận xã hội và ngay bên hành lang Quốc hội, các đại biểu cũng không ngại ngần tỏ rõ quan điểm của mình trước vụ việc này: Phải tuân thủ pháp luật là trước hết nhưng cần xem xét đến cái tình. “Thấu lý, đạt tình” thì các phán quyết được mọi người “tâm phục, khẩu phục”. NN

Đọc thêm