Bàn cách ngăn nạn đầu cơ đất tại Cần Thơ

(PLVN) - Mới đây, đoàn đại biểu do ông Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Trưởng đoàn công tác số 3, dẫn đầu đã có buổi làm việc với TP Cần Thơ về việc giám sát thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. 
Một góc toàn cảnh Thành phố Cần Thơ
Một góc toàn cảnh Thành phố Cần Thơ

Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cho biết, kể từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành, TP đã ban hành 12 văn bản pháp luật liên quan đến công tác, quản lý thuộc thẩm quyền.

Dự thảo quy hoạch một số chính sách về quản lý sử dụng đất như: Quyết định quy hoạch diện tích tối thiểu tách thửa; sửa đổi, bổ sung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư… Qua đó, thu hồi 13 dự án với diện tích hơn 300 ha, với tổng số tiền đã chi trả hơn 1.550 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt, Cần Thơ cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc như: một số công trình, dự án mang tính lịch sử gây khó khăn trong xử lý khi doanh nghiệp vi phạm; tình trạng lấn chiếm đất đai còn diễn ra phổ biến; việc cho, tặng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong dân chưa tuân thủ các quy định.

Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu của Đoàn giám sát đã chỉ ra những mặt còn tồn đọng yêu cầu chính quyền có giải pháp căn cơ hơn nữa để siết chặt tình trạng đầu cơ đất đai; xuất hiện có những khu dân cư tự phát gây phá vỡ quy hoạch chung; quy hoạch đất phải tính đến vấn đề biến đổi khí hậu, gắn liền với quy hoạch vùng.

Đồng thời, đặt vấn đề quy hoạch làm sao để Cần Thơ xứng tầm là đô thị trực thuộc T.Ư, tạo môi trường sống lý tưởng cho người dân.

Tiếp thu những ý kiến từ Đoàn công tác, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống cho biết, trên địa bàn có một số dự án mới được triển khai thực hiện, tuy nhiên vẫn còn nhiều dự án đã được triển khai trước đây thuộc về yếu tố lịch sử.

Ông Thống thừa nhận, thời gian qua đã xảy ra tình trạng xuất hiện nhiều khu dân cư tự phát tự, lãnh đạo TP đã có những giải pháp căn cơ chấn chỉnh tình trạng này. “Trong năm qua, TP đã kỷ luật một số tập thể, cá nhân có liên quan trong việc buông lỏng quản lý đất, như quận Bình Thủy có 18 cán bộ ở nhiều vị trí bị kỷ luật”, ông Thống nhấn mạnh.

Ông Phan Xuân Dũng, Trưởng đoàn công tác  cho rằng, Cần Thơ đang vươn mình phát triển, nên phải có những phân tích sâu hơn về tính hiệu quả  của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng các khu dân cư. Có tầm nhìn chiến lược, lâu dài nhằm thực hiện vai trò “đầu tàu” là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

“Là một đô thị trực thuộc Trung ương bên cạnh việc phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội thì cần chú trọng đến yếu tố chiều sâu về quy hoạch, kiến trúc và các vấn đề môi trường phải đi đôi với việc phát triển bền vững”, ông Dũng nói. 

Năm 2017, TP Cần Thơ có chủ trương các dự án xây thô mới được bán cho người dân nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ đất góp phần tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu nhà ở thực sự.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cũng cho biết, hiện diện tích đất nông nghiệp còn lớn (khoảng 80%), trong tương lai sẽ cơ cấu thay đổi để làm các công trình phục vụ cho việc phát triển chung TP, rà soát cơ chế đền bù thực hiện theo cơ chế thỏa thuận với người dân, chọn nhà đầu tư có năng lực nhằm đảm bảo tiến độ dự án. 

Đọc thêm