Khi giải thưởng không còn là thước đo...

(PLO) - Mới đây, xoay quanh giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM lại xảy ra vụ lùm xùm mới liên quan đến việc “đạo” thơ, đồng thời là sự rút lui khỏi giải thưởng của một số tác giả đang vướng rắc rối. Đây không phải là lần đầu các giải thưởng văn chương, nghệ thuật trong nước bị tai tiếng. Và từ nhiều năm nay, nhiều người trong giới nghệ thuật cũng như công chúng đã không còn nhiều niềm tin với các giải thưởng nghệ thuật đến từ các hội, đoàn.
Bìa tập thơ Những ký âm ngân
Bìa tập thơ Những ký âm ngân

Cách đây ít lâu, qua lời chia sẻ của nhà thơ Lê Huy Mậu - Chủ tịch hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, bài thơ  “Những ký âm ngân” trong tập thơ cùng tên của nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long vừa được Hội Nhà văn TPHCM đưa vào danh sách Tặng thưởng năm 2017 có ý tưởng chung và nhiều nét tương tự bài thơ Chiều cuối năm của nhà thơ Lê Huy Mậu. Sự việc chưa lắng dịu thì ngay sau đó nhiều nhà thơ đã lên tiếng “tố” bài Khúc dịu buồn – nắng gió cao nguyên của Nguyễn Thị Thanh Long có nhiều câu giống hệt như bài thơ Khúc thiếu phụ của nhà thơ Thy Minh (in trong tập Mắt hoàng hôn do NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 5/2010).

Cạnh đó, một nhà thơ khác trong danh sách xét thưởng cũng vấp phải nhiều phản ứng của dư luận là  La Mai Thi Gia với tập Thơ Trắng. Nhiều ý kiến cho rằng quy trình xét giải đối với tác phẩm này có vấn đề vì Thơ Trắng không được hội đồng sơ khảo chọn, nhưng rồi  vẫn có tên trong danh sách chung khảo và được hội đồng chung khảo chọn để trao tặng thưởng. Trước sự phản ứng của các nhà văn cùng dư luận văn chương, hai nhà thơ nói trên đã xin rút khỏi giải thưởng Hội nhà Văn TP.HCM 2017.

Những câu chuyện “đạo nhái”, sai quy trình xuất hiện trong các giải thưởng văn chương nghệ thuật vốn không hề xa lạ. Giải thưởng của Hội Nhà văn TP.HCM từ nhiều năm nay hầu như đều “dính” hết nghi án này đến nghi án khác, kết quả không hề làm hài lòng cộng đồng văn chương. Trong lĩnh vực nhiếp ảnh, hội hoạ, các giải thưởng cũng gây không ít tai tiếng với các vụ nghi vấn đạo nhái, hoặc ban giám khảo “tự chấm giải cho mình”. Tại liên hoan ảnh nghệ thuật truyền thống TP.HCM lần thứ 42 năm 2017, tác phẩm đoạt giải nhì đồng thời được đánh giá là “ý tưởng sáng tạo, bứt phá” lại bị cư dân mạng chỉ ra là rất giống với các bức ảnh đã phổ biến trên mạng...

Có vẻ như, các giải thưởng văn chương nghệ thuật hiện nay đang đứng trước một cơn “khủng hoảng” chất lượng, khi mà tình trạng đạo nhái, mượn ý tưởng lẫn nhau quá nhiều, trong khi năng lực bao quát của ban giám khảo lại có hạn, cộng với cách tổ chức thiếu bài bản, lủng củng, thậm chí cả tiêu cực... Chính những điều này càng khiến giới văn nghệ sĩ và công chúng càng mất niềm tin nơi các giải thưởng, người tài, có tự trọng không tham gia dự giải, số lượng tăng, chất lượng giảm. Và rồi, giải thưởng không còn là niềm vinh dự lớn lao ghi nhận cống hiến lẫn tài năng của tác giả mà rất nhiều lần, đó chỉ là một sự nhầm lẫn, hay một nỗ lực “háo danh” của người sáng tác mà thôi. 

Đọc thêm