Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương Lê Thị Thu Ba tham dự.
Buộc phải gửi chứng cứ cho đương sự khác?
Theo Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào, một trong những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau là về bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị nguyên tắc tranh tụng cần được thể hiện ngay từ khi thụ lý đến khi kết thúc việc xét xử. Theo đó, cần xác định rõ trách nhiệm chứng minh thuộc về các bên tham gia tố tụng, Tòa án chỉ có nghĩa vụ thu thập chứng cứ và xét hỏi khi cần thiết, quá trình tố tụng các chứng cứ đều được công khai.
Theo đó, chứng cứ do đương sự giao nộp phải được gửi cho đương sự khác. Khi nhận được chứng cứ này, trong thời hạn nhất định đương sự phải đưa ra ý kiến chấp nhận hay không chấp nhận chứng cứ đó, đồng thời gửi bản sao tài liệu này đến Viện kiểm sát (VKS) cùng cấp đối với những trường hợp VKS tham gia phiên tòa hoặc có yêu cầu.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị nguyên tắc tranh tụng thể hiện tại phiên tòa do vậy chỉ sửa đổi, bổ sung quyền tranh luận của đương sự, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đương sự tại phiên tòa nhằm thể hiện phiên tòa công khai, dân chủ.
Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Thị Thủy Khiêm đồng ý với loại ý kiến thứ nhất song đề nghị làm rõ thời điểm cung cấp chứng cứ của đương sự: “Dự thảo quy định thời hạn giao nộp chứng cứ do thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc ấn định nhưng phải trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm nhưng lại quy định chứng cứ được bổ sung trong khi xét xử sơ thẩm là không thống nhất, cần nghiên cứu lại”.
Phó Viện trưởng Nguyễn Thị Thủy Khiêm cũng cho rằng, quy định buộc đương sự phải giao nộp chứng cứ cho VKS và đương sự khác là không khả thi vì xác định ai là đương sự trong nhiều vụ án là rất khó. Đồng thời, việc tổ chức phiên họp xét chứng cứ cũng không cần thiết.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự Kinh tế, Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Hải cũng đồng ý nguyên tắc tranh tụng cần được thể hiện ngay từ khi thụ lý đến khi kết thúc việc xét xử nhưng lưu ý cần xác định rõ nghĩa vụ chứng minh thuộc về các bên đương sự.
Đại diện Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thống nhất với Dự thảo nhưng đề xuất làm sao quy định hài hòa giữa tranh tụng và thẩm vấn xét hỏi cho phù hợp vì trình độ nhận thức của người dân ở các vùng miền hiện nay là khác nhau.
Cân nhắc sự tham gia của Viện kiểm sát
Về sự tham gia của VKSND tại phiên tòa dân sự, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự, loại ý kiến thứ nhất đề nghị giữ nguyên như quy định tại Điều 21 Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) hiện hành. Loại ý kiến thứ hai đề nghị đối với cấp sơ thẩm thì quy định VKS tham gia đối với những vụ việc mà có đương sự là người chưa thành niên, người bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự và những vụ việc liên quan đến tài sản nhà nước. Đối với những vụ việc khác, VKS chỉ thực hiện nhiệm vụ kiểm sát thông qua hồ sơ vụ việc. VKS tham gia tất cả những vụ việc xét xử cấp phúc thẩm và giám đốc thẩm.
Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương (CCTP TW) Lê Thị Thu Ba đề nghị cân nhắc quy định VKS phải tham gia tất cả các phiên tòa sơ thẩm. “Phải làm rõ xem VKS tham gia phiên tòa sơ thẩm để làm gì? Đại diện VKS có quyền ngồi phiên tòa nhưng không phải là bắt buộc mà chỉ nên tham gia khi nào có nghi ngờ. Nếu quy định bắt buộc thì sẽ là hình thức” - bà Lê Thị Thu Ba đề nghị.
Nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm của Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo CCTP TW vì theo quy định của BLTTDS hiện hành, VKS tham gia hầu hết các phiên tòa sơ thẩm nhưng chỉ phát biểu về thủ tục tố tụng, không có ý kiến về nội dung vụ án, do vậy tham dự như hiện hành là không cần thiết. VKS có thể thực hiện quyền kiểm sát thông qua kiểm tra hồ sơ vụ án.
Tuy nhiên, trong phiên họp cũng có những ý kiến khác. Ông Nguyễn Anh Sơn, Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương cho rằng nên theo loại ý kiến thứ nhất vì “sự có mặt của VKS ở tất cả các cấp xét xử sẽ bảo đảm quyền lợi công dân”.
Người dân có khả năng phải nộp lệ phí giám đốc thẩm
Vấn đề này cũng còn hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định đương sự có đơn đề nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải nộp lệ phí, trừ trường hợp được miễn để tránh việc gửi đơn tràn lan.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng quy định này sẽ hạn chế quyền của đương sự, vì việc xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm là nhiệm vụ của người có quyền kháng nghị nhằm khắc phục những vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án của tòa án.
Tại phiên họp, một số ý kiến thống nhất với loại ý kiến thứ nhất nhưng cho rằng mục đích của việc thu lệ phí là để đảm bảo đúng quy định của pháp luật về phí, lệ phí chứ không phải để tránh gửi đơn tràn lan.