Theo VCCI, Dự thảo này cũng tương tự như các Thông tư trước đó (Thông tư 29/2013/TT-NHNN; Thông tư 43/2014/TT-NHNN; Thông tư 24/2015/TT-NHNN; Thông tư 07/2016/TT-NHNN; Thông tư 31/2016/TT-NHNN), chỉ thay đổi về thời hạn có hiệu lực của quy định “cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay… mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ” thành 31/12/2018 (thay cho thời hạn 31/12/2017 của Thông tư 31/2016/TT-NHNN).
Liên quan đến quy định này, ngày 15/11/2016, VCCI đã có Công văn số 3181/PTM-PC góp ý cho Thông tư 31/2016 khi đó đang ở dạng Dự thảo, trong đó nêu ý kiến cho rằng việc sửa đổi các Thông tư có nội dung giống hệt nhau, chỉ để thay đổi thời hạn hiệu lực thêm 01 năm của việc cho vay bằng ngoại tệ là không hợp lý.
Lý do được VCCI đưa ra là, thứ nhất, kể từ Thông tư 37/2012/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú, ban hành từ năm 2012 cho đến nay, thì mỗi năm Ngân hàng Nhà nước lại ban hành một Thông tư (Thông tư 29/2013; Thông tư 43/2014; Thông tư 24/2015; Thông tư 07/2016; Thông tư 31/2016) trong đó có sửa đổi về thời hạn có hiệu lực của điều khoản trên, theo hướng kéo dài thời hạn hiệu lực thêm 01 năm. Có thể thấy việc cho vay cho trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 3 Thông tư 24 trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến nay không gây rủi ro hay tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như các chính sách tiền tệ của nước ta, vì vậy Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục chính sách này qua từng năm. Như vậy, không cần thiết phải đặt thời hạn cứng 01 năm cho quy định này.
Thứ hai, về tính ổn định của văn bản pháp luật cũng như tâm lý của nhà đầu tư, việc sửa đổi quy định thời hạn theo năm và sau đó mỗi năm lại sửa để gia hạn, có thể dẫn tới tình trạng thiếu ổn định của một văn bản quy phạm pháp luật (hầu như không có văn bản pháp luật nào mà mỗi năm đều đặn lại được sửa về cùng một nội dung trong suốt 5 năm như Thông tư này), đồng thời tạo tâm lý bất ổn cho các nhà đầu tư, bởi không rõ hết thời hạn thì quy định có được gia hạn không. Bên cạnh đó, tạo thêm gánh nặng công việc không cần thiết cho cơ quan quản lý nhà nước (năm nào cũng phải sửa đổi theo đúng quy trình, ban hành đúng thời hạn để bảo đảm sự tiếp nối trong thực tiễn áp dụng quy định).
Thứ ba, về mặt pháp lý, tương tự như bất kỳ quy định nào khác, trường hợp phát sinh rủi ro tới mức cần điều chỉnh lại quy định liên quan thì Cơ quan quản lý hoàn toàn có thể sửa lại nội dung quy định (mà không bị ràng buộc bởi bất kỳ thời hạn). Do đó, việc bỏ đi quy định về thời hạn (1 năm) này, nếu thực hiện cũng sẽ không làm Nhà nước mất đi công cụ quản lý đối với vấn đề này.
Từ những lý do trên, VCCI một lần nữa đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định về hiệu lực của quy định tại điểm c khoản 1 Điều 3 Thông tư 24, được sửa đổi tại Điều 1 Dự thảo, tức là bỏ cụm từ “Quy định này được thực hiện đến hết ngày 31/12/2017”. Nếu phát sinh bất cập liên quan tới hoạt động cho vay bằng ngoại tệ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 3 Thông tư 24 thì Ngân hàng Nhà nước có thể tiến hành sửa đổi bản thân quy định về hoạt động cho vay ngắn hạn này Thông tư 24 (có thể không cho vay đối với trường hợp này hoặc siết chặt hoặc biện pháp quản lý kiểm soát rủi ro khác) theo thủ tục thông thường, với việc tham vấn các bên liên quan để có giải pháp sửa đổi phù hợp nhất.