Tại Bệnh viện Tâm thần TWI, từng xảy ra vụ án một số cán bộ nhân viên tại cơ sở y tế này chứng nhận sai quy định cho một số đối tượng, giúp tội phạm có “kim bài miễn tử” thoát án pháp luật.
Vậy phải chăng quy định pháp luật “có vấn đề”, có lỗ hổng?
Thực tế, theo nhận định của các chuyên gia giám định và chuyên gia pháp lý, quy định pháp luật của chúng ta đã rất chặt chẽ. Kết luận giám định pháp y, pháp y tâm thần được luật quy định là một trong nguồn chứng cứ quan trọng nhất trong quá trình giải quyết vụ án. Quy trình để giám định pháp y một người có bị mắc tâm thần hay không cần đòi hỏi phải được tuân thủ một cách cực kỳ nghiêm ngặt theo Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Giám định Tư pháp và các văn bản hướng dẫn.
Vậy nhưng vẫn có những vụ án "chạy" bệnh án tâm thần để trốn tránh trách nhiệm hình sự trước pháp luật, không ít trường hợp đã bị phanh phui trước dư luận. Đến đây, không thể đổ lỗi cho pháp luật, mà phải nhìn nhận phải chăng lỗi đến từ con người?
Ngoài tuân thủ các quy định của pháp luật, một nguyên tắc tối quan trọng khác trong thực hiện giám định tâm thần là quy chuẩn chuyên môn bảo đảm tính trung thực, chính xác, khách quan, vô tư, kịp thời. Vấn đề ở chỗ đó là những tiêu chí khó có thể định lượng rõ ràng mà có khi nghiêng về định tính nhiều hơn. Cũng khó có thể tổ chức ra những hội đồng giám sát người giám định. Điên hay tỉnh, mức độ nào, có khi chỉ phụ thuộc vào ý thức của giám định viên muốn ra sao.
Hệ quả là nếu sử dụng kết luận không đảm bảo độ chính xác sẽ ảnh hưởng đến việc giải quyết đúng đắn của vụ án, vụ việc cụ thể và làm ảnh hưởng đến sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật; gây bức xúc dư luận xã hội.
Vì những lý do đó, trong giám định, vấn đề y đức của các y, bác sĩ phải được đặt lên hàng đầu. Giám định viên pháp y tâm thần ngoài việc có trình độ chuyên môn sâu, có nghiệp vụ giám định tư pháp còn cần phải có đầy đủ kiến thức về pháp luật, phải chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về kết luận giám định của mình.
Giám định viên pháp y tâm thần cần phải có bản lĩnh vững vàng trong quá trình thực hiện giám định cũng như tham dự phiên tòa để giải thích kết luận giám định nếu được Hội đồng xét xử triệu tập. Phải có bản lĩnh để đối diện trực tiếp với đối tượng giám định vừa là tội phạm vừa là người nghi ngờ có rối loạn hoạt động tâm thần, đối tượng thường có hành vi nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng của giám định viên và nhân viên y tế. Đặc biệt là phải có bản lĩnh vững vàng để vượt qua sự cám dỗ của vật chất, đồng tiền.