Lo ngại tái diễn “lò ấp tiến sĩ rởm”?
Phần đa ý kiến cho rằng, Quy chế mới có nhiều điểm tiến bộ, quy định chi tiết hơn một số điểm so với Quy chế cũ 2017, tuy nhiên, điểm mấu chốt là chuẩn đầu ra về chuyên môn và ngoại ngữ, tính hội nhập quốc tế lại thấp hơn, “thụt lùi” so với Quy chế 2017.
Theo GS. TSKH Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học, công bố quốc tế là điều kiện đánh giá khách quan nhất. “Quy chế đào tạo tiến sĩ mới hủy bỏ hoàn toàn yêu cầu công bố quốc tế của Quy chế cũ. Thậm chí, luận án chỉ cần có 3 công bố trên các tạp chí trong nước loại trung bình là được bảo vệ. Phần lớn các tạp chí trong nước loại trung bình được xuất bản bởi các trường đại học, quy trình duyệt bài dễ dãi, thậm chí còn tùy tiện. Trước 2017, chúng ta đã từng xôn xao về “các lò tiến sĩ rởm”, những nơi có thể đào tạo hàng trăm tiến sĩ mà hầu như không có công bố quốc tế nào. Quy chế cũ đã giúp dẹp bỏ những vấn nạn này chính bởi vì tiêu chuẩn công bố quốc tế mà nghiên cứu sinh khó lòng “chạy” được. Vậy thì tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo lại thay thế Quy chế cũ bằng một Quy chế không khác gì thời kỳ nhiều tiêu cực trước 2017” – TS. Ngô Việt Trung bày tỏ lo ngại.
Theo ông Trung, mặc dù Quy chế cũ không phải là không có những khiếm khuyết, một số ngành khoa học xã hội và nhân văn khó đào tạo tiến sĩ vì khó có công bố quốc tế; không thể yêu cầu công bố quốc tế một cách chung chung vì có nhiều tạp chí không đảm bảo chất lượng, nghiên cứu sinh có thể bỏ tiền ra để mua bài, nhưng ông Trung vẫn nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, yêu cầu luận án tiến sĩ có công bố quốc tế là tiêu chuẩn khách quan duy nhất để có “tiến sĩ thật”. Không có tiêu chuẩn công bố quốc tế thì những quy định đầu vào, dù có chặt chẽ đến đâu, cùng với các yêu cầu giải trình xã hội, liêm chính học thuật... không thể ngăn cản được việc cho ra lò các “tiến sĩ rởm”.
Với kinh nghiệm hơn 11 năm học tập, nghiên cứu khoa học ở Pháp, TS Trần Lê Hưng, giảng viên Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, ở Pháp nói riêng và thế giới nói chung, muốn bảo vệ thành công luận án tiến sĩ thì bắt buộc nghiên cứu sinh phải sở hữu tối thiểu 2 bài báo đăng trên các tạp chí uy tín quốc tế của ISI/Scopus. Theo TS. Hưng, việc hoàn thành luận văn hay sở hữu bài báo công bố quốc tế là một hình thức vinh danh, ghi nhận thành quả trong nghiên cứu của chính các nghiên cứu sinh. Việc làm này không đơn thuần vì cá nhân người nào đó mà làm vì cộng đồng khoa học quốc tế. Không có công bố quốc tế, chúng ta lấy thành tích gì để hội nhập, giao lưu với chuyên gia nước ngoài?
Cần loại bỏ những công bố không thực chất
Ở góc độ khác, GS. TSKH. NGND Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, Quy chế chỉnh sửa, bổ sung lần này có một số điểm mới quan trọng. Những tín hiệu tích cực của những điểm mới này nằm ở chỗ hướng tới thực chất của hoạt động nghiên cứu trong quá trình đào tạo tiến sĩ.
Có một thực tế là sau khi Quy chế 2017 được ban hành với quy định cả người hướng dẫn và nghiên cứu sinh buộc phải có công bố quốc tế thì hầu hết các cơ sở đào tạo tiến sĩ trong cả nước đều lâm vào tình trạng khó khăn. Thậm chí có ngành không có nghiên cứu sinh nào ứng thí.
Ngoài ra, hiện tượng thường thấy là tìm đến những tạp chí ISI/SCOPUS nhưng ít được biết đến, chỉ cần đáp ứng yêu cầu nộp 1-2 nghìn USD và được chấp nhận in rất nhanh. Tệ hại hơn là bắt đầu hình thành một số trung tâm viết bài quốc tế thuê, thực chất là được ghép tên vào một tập thể nào đó sau khi phải trả một khoản phí. Chưa kể những trung tâm dịch vụ đăng bài quốc tế, nếu không cẩn thận sẽ đẩy đến tình trạng thương mại hóa. Nhiều cơ sở đào tạo bỏ tiền ra thưởng cho bài quốc tế (kể cả dạng thuê viết này) một khoản tiền nhiều hơn chi phí nộp cho các trung tâm viết thuê, có những quỹ khoa học cấp kinh phí nhiều trăm triệu chỉ cần sản phẩm có 1, 2 bài báo quốc tế. Rõ ràng những sản phẩm kiểu này không thực chất, không nâng cao chất lượng nghiên cứu mà còn hao phí nguồn lực.
“Tôi tin là sau khi Quy chế này ban hành thì những hiện tượng tiêu cực như thuê viết bài, trả tiền để được đăng bài quốc tế… sẽ biến mất. Phải loại ngay những công bố không thực chất. Cần sớm chấm dứt vấn nạn những bài báo công bố quốc tế không phục vụ gì nhiều cho Việt Nam, lãng phí nguồn lực quốc gia. Do đó, tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm điều chỉnh của Quy chế. Chúng ta cần những quy định điều tiết sự phát triển của khoa học đất nước; trong đó có việc là dần dần, các tạp chí của chúng ta sẽ phải nâng cao chất lượng, đồng thời, hội nhập quốc tế theo cách của mình”, theo GS.TS Vũ Minh Giang.