Có cần những hình phạt cứng rắn hơn?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Do liên tiếp có một số trường hợp lây nhiễm Covid-19 sau khi đã hoàn thành cách ly, tuần qua Bộ Y tế đã gửi tin khẩn cho biết tạm thời chưa cho rời khỏi khu cách ly với những người đã cách ly tập trung đủ 14 ngày và có 2 xét nghiệm âm tính…
 Mỗi người dân nếu lơ là chống dịch sẽ ảnh hưởng tới công sức của bao người trong cuộc chiến thầm lặng và quyết liệt này. (Ảnh minh họa)
Mỗi người dân nếu lơ là chống dịch sẽ ảnh hưởng tới công sức của bao người trong cuộc chiến thầm lặng và quyết liệt này. (Ảnh minh họa)

Không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác

Theo đó, thực hiện lệnh chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 Vũ Đức Đam, Bộ Y tế thông tin và đề nghị báo cáo ban chỉ đạo tỉnh/thành phố thực hiện ngay từ 0h ngày 4/5 quyết định này. Cụ thể, Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời chưa giải quyết kết thúc và cho ra khỏi khu cách ly tập trung (cả của quân đội, dân sự quản lý) đối với tất cả các trường hợp đã đủ điều kiện hết cách ly tập trung.

Điều kiện hoàn thành cách ly tập trung hiện nay là thời gian cách ly tối thiểu 14 ngày, xét nghiệm 2 lần âm tính. Lý do là thời gian gần đây có một số trường hợp hết cách ly tập trung vẫn ghi nhận (+) với SARS-CoV2, làm lây lan dịch (ca bệnh 2899 cách ly ở Đà Nẵng, 2 người Trung Quốc cách ly ở Yên Bái).

Cùng với đó, tuần qua Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các Bí thư, Chủ tịch UBND, Chủ tịch MTTQ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19. 

Thủ tướng phê bình, nhắc nhở, yêu cầu các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa nghiêm túc rút kinh nghiệm và kịp thời chấn chỉnh nghiêm tình trạng không tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia, nhất là việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc nơi công cộng.

Các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Hà Nam, Yên Bái bám sát quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia, căn cứ hậu quả xảy ra để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, xử lý theo quy định, kể cả xử lý trách nhiệm hình sự, theo tinh thần khách quan, công bằng, nghiêm minh.

Thủ tướng nhấn mạnh, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác để phải trả giá đắt. Mọi sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác sẽ phải trả giá về tính mạng con người, sức khỏe cộng đồng, tiền của, cơ hội, phát triển kinh tế-xã hội, trật tự an toàn xã hội và niềm tin, uy tín với nhân dân.

Về việc đảm bảo vaccine tiêm phòng dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Y tế rà soát toàn bộ số vaccine còn lại, thúc đẩy tiến độ tiêm hết số vaccine này nhanh nhất và công bố trên thông tin đại chúng để cho nhân dân biết và giám sát.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu xem xét tiếp cận nhiều nguồn vaccine nhất có thể để chủ động mở rộng phạm vi tiếp cận, tăng tính cạnh tranh và các sinh phẩm xét nghiệm mới, hiện đại, tập trung đàm phán với các đối tác, tận dụng các mối quan hệ, tổ chức mua và kiểm soát được nguồn cung cấp, chất lượng, giá vaccine và các sinh phẩm xét nghiệm một cách công khai, minh bạch. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm trong việc mua bán, sử dụng vaccine.

Có thể nói, tình hình dịch bệnh hiện nay là tình huống đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dự kiến, trong bối cảnh làn sóng Covid-9 đang hoành hành dữ dội ở nhiều nước láng giềng và trong khu vực. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sẵn sàng ở mức cao nhất để phòng chống dịch theo tinh thần bất luận tình huống nào cũng sẵn sàng các kế hoạch để ứng phó.

Không có đợt bùng dịch nào giống nhau

Sau kỳ nghỉ lễ, người dân nườm nượp đổ về các thành phố lớn từ khu du lịch. Chính quyền thành phố Vũng Tàu cho biết, riêng ngày 30/4 có hơn 70.000 du khách đến tắm biển. Đà Lạt công bố khoảng 125.000 khách. Con số chắc cũng không nhỏ tại Nha Trang, Đà Nẵng, Sầm Sơn... Hàng chục triệu bản khai y tế đã và đang được điền vào lúc này.

 

Nhà báo Hoàng Anh Tú bày tỏ: Tôi đã chứng kiến nhiều tờ khai y tế được điền qua quýt, thậm chí là dối trá. Dù trên mỗi tờ khai đều ghi rất rõ, “tôi cam kết thông tin tôi khai báo là sự thật, tôi chịu trách nhiệm với lời khai của mình"”. Nhưng, ta đều đã thấy nhiều vụ việc khai báo gian dối. Đó là những bản khai y tế “dởm” có chủ đích để tránh bị cách ly. Còn khi chưa xảy ra dịch ở địa phương ta đang đứng, việc khai báo y tế với nhiều người vẫn để đủ thủ tục. Tôi biết những đoàn du lịch, hướng dẫn viên khai giùm cả đoàn và mọi người chỉ việc ký vào. Ở nhiều nơi tôi đến, chồng tờ khai y tế đặt đấy cho đúng quy định, bệnh nhân và người nhà điền thế nào do tự giác.

Khác với 4K còn lại (khẩu trang, khoảng cách, khử trùng, không tụ tập), những việc người khác có thể thấy ngay bằng mắt sự tuân thủ của bạn, có thể nhắc nhở hoặc chỉ bằng một ánh mắt, khiến bạn xấu hổ. Những bản khai y tế mang tinh thần của sự tự nguyện, đòi hỏi sự trung thực trong mỗi con người. Bạn tích vào ô nào, trả lời đúng hay không, chỉ mình bạn biết. Nhưng khai báo đúng chính là cách để bạn được bảo vệ, được thông tin kịp thời khi xảy ra bất cứ ca nhiễm nào. Khai báo y tế là đóng góp của bạn cho cộng đồng.

Theo thống kê từ Bộ Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các địa phương, liên quan đến ca siêu lây nhiễm ở Hà Nam, 1.569 mẫu kết quả âm tính, 18 trường hợp dương tính (gồm BN2899 và 17 người liên quan) và 867 người đang chờ kết quả xét nghiệm.

Bộ Y tế và các địa phương thực hiện truy vết tổng số 690 người tiếp xúc gần (F1), trong đó Hà Nam 521 người, Hà Nội 73 người, Hưng Yên 34 người, TP.HCM 37 người, Thanh Hoá 9 người... Các trường hợp F1 trên đều được cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm…

PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, đối với ca bệnh chỉ điểm ở Hà Nam, mặc dù tỉnh này và những địa phương liên quan nhanh chóng triển khai các giải pháp phòng chống dịch, thần tốc truy vết, tuy nhiên hiện vẫn chưa xác định được nguồn lây của ca bệnh này.

Về công tác chống dịch trong đợt bùng phát thứ tư này, PGS Trần Đắc Phu cho rằng, không có đợt bùng dịch nào giống nhau, đặc biệt, đợt dịch này vào đúng thời điểm nghỉ lễ ngày 30/4 và 1/5. Chỉ từ một ca F0 chỉ điểm ở Hà Nam có tốc độ lây lan nhanh trong thời gian rất ngắn ra thêm 3 tỉnh, thành khác chỉ qua đường tiếp xúc F1 trở thành F0, F2 cũng trở thành F0… Việt Nam từng ghi nhận chủng lây lan nhanh là chủng ở Anh, Nam Phi và Ấn Độ. Do đó, không loại trừ ổ dịch xuất hiện tại nước ta lần này liên quan đến chủng lây lan nhanh nêu trên. Đặc biệt, trường hợp Covid-19 đầu tiên Hà Nam cũng có thể liên quan đến chủng này.

Đồng thời, tại Hà Nội, nguy cơ đang rất cao vì sau dịp nghỉ lễ, nhiều người sẽ trở lại Thủ đô. Do đó, các địa phương phải quyết liệt nhanh chóng hơn nữa truy vết hết các F0, F1, F2.

Ông Phu khuyến cáo, các địa phương phải rà soát lại khu cách ly. Trường hợp lây nhiễm trong khu cách ly của Yên Bái gần đây nhất chính là bài học của các địa phương khác trong vấn đề cách ly. Nếu lơ là, không tuân thủ quy trình chống dịch thì dịch bệnh sẽ lây lan ngay trong chính khu cách ly.

Từ Canada, chuyên gia Năng lượng và Môi trường Nguyễn Đăng Anh Thi chia sẻ: “Nơi tôi sống, ai vi phạm chính sách “cách biệt cộng đồng” trong dịch Covid-19 có thể bị phạt đến 25.000 đô la Canada và phạt tù đến 6 tháng. Doanh nghiệp có thể bị phạt đến 50.000 đô la, tước giấy phép kinh doanh và truy tố người đứng đầu.

Đây là một trong các yêu cầu pháp lý với mọi công dân được Bộ Y tế Canada nhắc đi nhắc lại khi chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì Covid-19. Giải thích được đưa ra với dân chúng rằng: cách biệt cộng đồng là thực hiện các thay đổi trong thói quen hàng ngày để giảm thiểu tiếp xúc gần người khác. Thứ nhất, tránh những nơi đông người, tụ họp không cần thiết. Thứ hai, không thực hiện cách thức giao tiếp thông thường như đứng sát, bắt tay, ôm hôn. Thứ ba, hạn chế tiếp xúc với ai có nguy cơ cao như người lớn tuổi và người có sức khỏe kém. Thứ tư, giữ khoảng cách tối thiểu hai cánh tay hoặc càng xa càng tốt với người khác. Bằng cách giữ khoảng cách với người bên cạnh, ta sẽ tạo ra một rào cản vật lý ngăn cản virus truyền từ người này sang người kia, từ đó làm chậm sự lây lan của nó. Thật tốt khi Việt Nam đã áp dụng cách biệt cộng đồng như một giải pháp bổ sung cho cuộc chiến. Thế nhưng, điều đáng lo ngại là không phải ai cũng tuân thủ nghiêm khắc kêu gọi này. Thật vô minh khi người ta vẫn rủ nhau tiệc tùng, tắm biển, nhậu nhẹt. Ai đó đã nói cái chết thiếu hiểu biết là cái chết vô nghĩa nhất. Nếu cần thiết, tôi nghĩ người dân đều ủng hộ những hình phạt cứng rắn hơn”…