Khắc khoải của người chuyển giới, trách nhiệm của toàn xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không phải một đất nước đi sớm với các phong trào LGBT nếu so với thế giới phương Tây nhưng một thập kỷ vừa qua, cộng đồng LGBT Việt Nam đã từng bước được nhìn nhận cởi mở hơn…

Tháng 5 hàng năm, có một ngày ghi dấu mốc của người chuyển giới tại Việt Nam qua hành trình 10 năm. Trên bản đồ châu Á, Việt Nam là một trong những quốc gia thân thiện nhất với cộng đồng đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT), cả trên cơ sở pháp luật cũng như cái nhìn của xã hội. Không phải một đất nước đi sớm với các phong trào LGBT nếu so với thế giới phương Tây nhưng một thập kỷ vừa qua, cộng đồng LGBT Việt Nam đã từng bước được nhìn nhận cởi mở hơn…

Khi các cánh cửa đã được “tháo chốt”

Vào tháng 2/2012, một đám cưới của hai bạn nữ tại thị trấn Đầm Dơi, Cà Mau đã diễn ra. Đám cưới bị dừng lại, gia đình và hai bạn được gọi lên để giải thích rằng họ đã sai và cam kết không được sống chung với nhau. Cùng thời điểm đó, báo chí cũng đưa tin rất nhiều về câu chuyện này. Bộ Tư pháp lấy ý kiến góp ý về dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình.

Tất cả xảy ra trong vài tháng, khởi phát nên cuộc vận động hợp pháp hóa hôn nhân bình đẳng kéo dài cho tới tháng 5/2014 khi Quốc hội chính thức thông qua Luật, bỏ cấm và không thừa nhận hôn nhân cùng giới. Các cặp đôi cùng giới vẫn không được thừa nhận bất kỳ quyền pháp lý, sự bảo vệ nào từ pháp luật cho việc chung sống; nhưng đồng thời hiện trạng nhận thức xã hội cũng đã không còn như cũ, tích cực hơn có mà tiêu cực hơn cũng có, đồng nghĩa các cánh cửa đã được tháo chốt.

Hoa hậu Khánh Vân, đại diện Việt Nam tại Miss Universe, cũng đã thể hiện sự ủng hộ của mình với cộng đồng LGBT khi diện bộ trang phục sắc tím, phần đuôi nhấn bởi 7 sắc cầu vòng rực rỡ. (Ảnh minh họa)
  Hoa hậu Khánh Vân, đại diện Việt Nam tại Miss Universe, cũng đã thể hiện sự ủng hộ của mình với cộng đồng LGBT khi diện bộ trang phục sắc tím, phần đuôi nhấn bởi 7 sắc cầu vòng rực rỡ. (Ảnh minh họa)

Ngày 29/8/2012, nghiên cứu đầu tiên về người chuyển giới tại Việt Nam “Khát vọng được là chính mình” được giới thiệu. Đại diện người chuyển giới ở Hà Nội là bạn Ngọc Ly đang chia sẻ những ký ức thời học sinh. Lớp 10, Ly phải chịu đựng cảnh cứ giờ ra chơi là bị đánh đập, xé sách vở, tạt nước. Người làm những hành động kinh khủng đó không phải ai xa lạ, mà chính là những người bạn cùng lớp. Ngọc Ly không phải là nạn nhân duy nhất, mà tất cả những cậu bé 15 tuổi năm ấy đều là nạn nhân.

Và đại diện người chuyển giới ở Sài Gòn là Cát Thy lên tàu ra Hà Nội. Cát Thy không thể đi máy bay vì bạn là người chuyển giới. Hai ngày lừ đừ ngồi trên tàu để nói vài câu cho hội thảo, đơn giản là chia sẻ lại những việc bạn đang trải qua hàng ngày, như bị sỉ mạ, bị so sánh với thú vật, bị ném vào những cái nhìn khinh miệt nhất có thể.

Trong cộng đồng người chuyển giới, Chu Thanh Hà (Hà Nội) được được biết đến với tư cách là nhà hoạt động xã hội cùng những hoạt động nổi bật như là thực tập sinh mảng LGBTIQ+ của Tổ chức Oxfam, Trợ lý nghiên cứu quốc gia tại Việt Nam của Mạng lưới người chuyển giới châu Á - Thái Bình Dương (APTN), cán bộ chương trình quyền LGBTIQ+ của Viện iSEE và là nhà sáng lập tổ chức cộng đồng  IT’S T TIME. Song song với hành trình hoạt động xã hội sôi nổi và hết mình ấy, hành trình khám phá bản dạng giới, xu hướng tính dục của Chu Thanh Hà cũng đầy màu sắc với đủ những gam màu sáng tối.

Ngay từ bé, Hà đã có những cảm nhận đầu tiên về sự khác biệt của mình so với những đứa trẻ xung quanh và Hà luôn giữ trong mình cảm giác chênh vênh, lạc lõng ấy trong suốt những năm tháng tuổi dậy thì. Cho đến đầu những năm 2000 với sự xuất hiện của Internet tại Việt Nam thì các trang web, diễn đàn đầu tiên của cộng đồng LGBTIQ+ đã hiện hữu và mở ra không gian sinh hoạt trực tuyến đầu tiên, Hà biết đến forum Bangai.vn là một diễn đàn dành cho người đồng tính nữ lớn nhất tại thời điểm đó. Đánh dấu bước gia nhập đầu tiên của Hà vào cộng đồng với số lượng hơn 4.000 thành viên và lúc đó anh cũng nhận ra rằng ngoài kia cũng có hơn 4.000 con người giống như mình, Hà biết rằng mình không phải người duy nhất, mình không còn đơn độc nữa.

Đến năm 2008, năm đó Hà 18 tuổi, Hà mới tìm được một “từ khoá” chính xác để bắt đầu hành trình khám phá bản dạng giới của mình với tư cách là một người “chuyển giới nam” - một người sinh ra với cơ thể là nữ nhưng luôn nhìn nhận mình là một người nam. Bây giờ, Hà ở năm 31 tuổi, đã thực sự hiểu rõ và chấp nhận chính bản thân mình với bản dạng giới là một người chuyển giới nam và xu hướng tính dục là song tính…

Và những khó khăn còn đó

Được sống đúng với giới tính, với bản thân luôn là khát khao của mỗi người. Rất nhiều người chuyển giới đang đặt cược mạng sống cho từng liều hormones trôi nổi, đau đớn vì những vết sẹo chằng chịt trên cơ thể khi phẫu thuật chuyển đổi giới tính tại những cơ sở không đủ điều kiện, hay đơn giản hơn, là những ánh nhìn soi mói, là những lần không thể thực hiện những thủ tục đơn giản nhất như rút tiền, chỉ vì ngoại hình không giống trên giấy tờ tuỳ thân.

Thực tế, nhiều người vì khát khao được sống đúng với giới tính thật của bản thân đã qua nước ngoài để thực hiện phẫu thuật chuyển giới “chui”, số khác thì đến các cơ sở thẩm mỹ trong nước thực hiện phẫu thuật chuyển đổi một số bộ phận trên cơ thể. Mặc dù người chuyển giới được các bệnh viện nước ngoài xác nhận đã chuyển giới thành công nhưng khi về lại Việt Nam thì việc thay đổi giới tính trên giấy tờ tùy thân lại không thực hiện được hoặc việc thay đổi họ tên phù hợp với bề ngoài cũng còn rất “gian nan”.

Chưa kể, số người chưa đủ điều kiện về kinh tế hoặc chưa được gia đình chấp nhận cho đi phẫu thuật chuyển giới thì lại chọn cách tiêm hormone. Người có tiền thường lên TP HCM nhờ người có chuyên môn tiêm, người không có tiền lại chọn cách mua thuốc về nhà tự tiêm, đồng nghĩa đánh cược tính mạng với nguy hiểm.

Chẳng hạn Đ.V.H. (28 tuổi, P Hiệp Hòa, TP Biên Hòa) là người biết bản thân có bản tính nữ, ngoại hình là nam ngay từ nhỏ. Nhưng do chưa đủ điều kiện kinh tế để phẫu thuật chuyển giới nên đã mua hormone nữ về tự tiêm. Đ.V.H. kể, trong 2 năm tự tiêm hormone, đã có nhiều lần bị sưng, mưng mủ, biến chứng sau tiêm khiến nhiều ngày không đi lại được do đau. Tuy nhiên, vì muốn được sống với chính con người thật nên dù nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng Đ.V.H. vẫn thực hiện. 

Hiện nay, tại Việt Nam chưa có số liệu chính thức về người chuyển giới nhưng con số ước tính của Viện Nghiên cứu xã hội - kinh tế và môi trường (ISEE - là tổ chức phi chính phủ Việt Nam làm việc vì quyền của các nhóm thiểu số trong xã hội) thì có khoảng 500 ngàn người tự nhận giới tính của bản thân không trùng với giới tính bẩm sinh.

Theo pháp luật Việt Nam, quyền chuyển đổi giới tính là một trong những quyền nhân thân của cá nhân và lần đầu tiên được ghi nhận tại Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, luật chuyển đổi giới tính chưa được ban hành nên chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, gây nhiều khó khăn cho người đã hoặc đang chuyển giới.

BS. Đỗ Thị Vân, Giám đốc Trung tâm Thông tin Tổ chức phi Chính phủ cho biết, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ người chuyển giới chiếm từ 0,3 - 0,5% dân số. Như vậy, Việt Nam ước tính có khoảng từ 290.000 - 480.000 người chuyển giới. Phần đa người chuyển giới gặp rất nhiều khó khăn khi chưa có hành lang pháp lý đối với quyền của họ cả trong việc chuyển đổi giới tính, đặc biệt là vấn đề điều trị nội tiết tố và thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính; việc bị phân biệt đối xử trong cuộc sống, quyền về việc làm, học tập và sức khỏe cũng gặp những trở ngại lớn. 

Cùng với đó, BS. LG. Trịnh Thị Lê Trâm, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Luật gia Việt Nam cho biết: Mong muốn lớn nhất của người chuyển giới hiện nay là pháp luật về chuyển đổi giới tính sớm được ban hành để giảm bớt khó khăn cho những người muốn được chuyển đổi giới tính. Hiện nay ở Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 đã công nhận sự tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Thực hiện quy định này, Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2015, tại Điều 37 công nhận quyền được chuyển đổi giới tính, nhưng “Việc chuyển đổi giới tính phải được thực hiện theo quy định của luật”. Do vậy, việc ban hành Luật là điều hết sức cấp thiết và là mong muốn hợp pháp của cộng đồng người chuyển giới cũng như các cơ quan quản lý nhà nước. Họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc làm lại các giấy tờ tùy thân, như căn cước công dân, hộ tịch, hộ khẩu; bị kỳ thị, phân biệt đối xử và khó tìm kiếm việc làm ổn định… 

“Cùng nhau: ứng phó, hỗ trợ và chữa lành!”

Ngày 17 tháng 5 năm 1990, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức loại “đồng tính luyến ái” ra khỏi danh sách các căn bệnh. Nhân sự kiện đó, cộng đồng LGBT thế giới đã chọn ngày 17/5 là Ngày Quốc tế chống kì thị đồng tính và chuyển giới - IDAHOT (International Day Against Homophobia, Biphobia, Intersex-phobia & Transphobia). Chủ đề ngày IDAHOT năm nay là “Cùng nhau: ứng phó, hỗ trợ và chữa lành!”. Chủ đề này được đưa ra do những thách thức về những tác động của đại dịch Covid-19 với cộng đồng. Tại Việt Nam, cộng đồng LGBTIQ nói chung ngoài các tác động chung như những công dân khác, họ đã và đang phải chịu những tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống. Với chủ đề của ngày IDAHOT năm nay, cộng đồng LGBTIQ tại Việt Nam sẽ có các hoạt động thiết thực vừa tham gia vào việc phòng chống Covid-19, vừa thúc đẩy cho việc chống lại kì thị đối với cộng đồng LGBTIQ. 

Mới đây nhất, Hoa hậu Khánh Vân - đại diện nước nhà chinh chiến tại Miss Universe - cũng đã thể hiện sự ủng hộ của mình với cộng đồng LGBT khi diện bộ trang phục sắc tím, phần đuôi nhấn bởi 7 sắc cầu vòng rực rỡ (Dù gặp trục trặc nên cô phải thay ra nhưng động thái đó của Top 21 Miss Universe đã để lại ấn tượng tốt đẹp với không chỉ bạn bè quốc tế).