Sáng hôm nay (12/4), 26 công nhân trực của Ban quản lý đương nhiệm (đã ký hợp đồng lao động 1 năm với BQT từ ngày 1/2/2016) tòa nhà Keangnam Landmark Tower (đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vô cùng bất ngờ khi trong chiếc phong bì trả lương tháng 3 của BQT tòa nhà lại kèm theo quyết định chấm dứt hợp đồng lao động.
Cầm tiền lương tháng 3, anh Phạm Văn Hiền (Tổ trưởng tổ vận hành tháng máy) lại hết sức rầu rĩ bởi có thể đây là lần nhận lương cuối cùng của anh tại tòa nhà Keangnam vì kèm theo số tiền lương là quyết định cho nghỉ việc.
“Hai vợ chồng em từ Nam Định lên đây thuê trọ, vợ em hiện vẫn chưa có việc làm, ba đứa con nheo nhóc. Cả gia đình chỉ trông vào nguồn thu nhập của em. Vậy mà bây giờ BQT tòa nhà lại cho em nghỉ, chẳng biết vợ chồng, con cái em phải sống như thế nào?”, anh Hiền tỏ ra lo lắng.
Cũng theo anh Hiền, trước khi vào làm tại tòa nhà Kengnam, anh đã có 7 năm làm chuyên môn về vận hành thang máy. Từ năm 2009 đến nay làm việc ở đây, anh chưa một lần mắc sai lầm nào về kỹ thuật, chưa hề bị kỷ luật. Hợp đồng của anh được ký 1 năm, đến năm 2017 mới hết hợp đồng. Vậy mà BQT tòa nhà lại cho anh nghỉ việc một cách đột ngột khi anh chưa chuẩn bị cho công việc sau này của mình.
Anh Phạm Văn Hiền vô cùng lo lắng khi nhận quyết định "đuổi việc" |
Theo tìm hiểu của PV, mọi rắc rối bắt nguồn từ khi BQT tòa nhà đã mở gói thầu “Dịch vụ quản lý vận hành chung cư Keangnam”. Kết quả BQT đã lựa chọn đơn vị quản lý mới là Cty Cổ phần Quản lý và khai thác tòa nhà VNPT (PMC).
Điều này vấp phải sự quản lý quyết liệt của 26 cán bộ công nhân Ban quản lý đương nhiệm bởi họ đã làm việc tại đây nhiều năm. Quản lý vận hành tòa nhà rất hiệu quả, an toàn, chưa xảy ra một sự cố nào dù nhỏ nhất.
Đại diện BQT tòa nhà Keangnam đang yêu cầu cán bộ, công nhân Ban quản lý bàn giao lại công việc |
Để “thuận lý thành chương” đưa PMC vào thay thế Ban quản lý hiện tại, BQT đã chủ động thông báo miệng đồng thời ra luôn quyết định chấm dứt hợp đồng lao động.
Sự việc trở nên căng thẳng khi đến trưa hôm nay (12/4), khoảng gần 30 do Cty PMC điều động đã kéo đến văn phòng Ban quản lý đương nhiệm đòi phá khóa, đuổi toàn bộ cán bộ nhân viên Ban quản lý đương nhiệm ra ngoài.
Trật tự tòa nhà chỉ được vãn hồi khi PV gọi điện thoại thông báo cho lực lượng công an.
Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của Ban quản trị tòa nhà |
Trao đổi với PV, luật sư Trần Đại Dương (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 Bộ luật lao động năm 2012 thì người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động với người lao động trong các trường hợp sau đây:
Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi
Người sử dụng lao động muốn đơn phương chấm dứt HĐLĐ với người lao động thì phải xin ý kiến của Công Đoàn.
Như vậy, căn cứ theo quy định của pháp luật thì việc BQT tòa nhà Keangnam chấm dứt hợp đồng lao động không có lý do là hoàn toàn trái luật.
26 công nhân của ban quản lý phải được nhận sổ lao động. Được hưởng quyền lợi về bảo hiểm xã hội theo quy định. Được thanh toán các quyền lợi doanh nghiệp còn nợ và các quyền lợi vật chất khác quy định tại thoả ước lao động tập thể. (nếu có)
Đồng thời những lao động này được nhận trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và đượctrả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động…
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.