Bàn về tính độc lập của các cơ quan Tư pháp trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Sáng qua (28/3), dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước - Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương Trương Tấn Sang, Ban Chỉ đạo đã họp phiên thứ 10, thảo luận về Dự thảo báo cáo ý kiến của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương (BCĐ CCTP TƯ) về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (trình Bộ Chính trị), đặc biệt tập vào những chế định liên quan đến vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đảm bảo tính dân chủ, bảo vệ Hiến pháp và đảm bảo tính độc lập, khách quan cho hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Sáng qua (28/3), dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước - Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương Trương Tấn Sang, Ban Chỉ đạo đã họp phiên thứ 10, thảo luận về Dự thảo báo cáo ý kiến của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương (BCĐ CCTP TƯ) về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (trình Bộ Chính trị), đặc biệt tập vào những chế định liên quan đến vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đảm bảo tính dân chủ, bảo vệ Hiến pháp và đảm bảo tính độc lập, khách quan cho hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang chủ trì Hội nghị
Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang chủ trì Hội nghị

Bổ sung thẩm quyền cho Hội đồng Hiến pháp

Bày tỏ sự nhất trí cao với qui định tại Điều 4 dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các thành viên BCĐ cho rằng, qui định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội trong Hiến pháp hoàn toàn phù hợp với yêu cầu thực tiễn khách quan và ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Bên cạnh đó, theo các thành viên BCĐ, hiện nay chúng ta chưa có cơ chế giám sát hoạt động của Quốc hội và giám sát tính hợp hiến của các đạo luật do Quốc hội ban hành. Hình thức kiến nghị thông qua hoạt động giám sát của các cơ quan Quốc hội chưa thực sự đem lại hiệu quả.

Ngoài ra, các văn bản vi hiến chủ yếu là văn bản dưới luật chứ các Luật, pháp lệnh thì “cơ hội” vi hiến là rất nhỏ, hầu như không có vì phải trải qua một qui trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra chặt chẽ nên bà Lê Thị Thu Ba (Phó Trưởng BCĐ CCTP TƯ) cho rằng, nếu qui định như dự thảo thì Hội đồng hiến pháp cũng mang tính hình thức và “không có việc gì để làm”.

Vì vậy, nhiều ý kiến của BCĐ tán thành việc nghiên cứu thành lập Hội đồng Hiến pháp hoạt động thực chất, có hiệu quả trên thực tế bằng việc bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho Hội đồng hiến pháp như được quyền “ra quyết định tạm chỉ thi hành văn bản khi có dấu hiệu vi hiến và báo cáo Quốc hội ra quyết định nếu đó là luật”, có ý kiến đề nghị thay Hội đồng Hiến pháp bằng Hội đồng bảo hiến…

Các ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn việc có nên thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia như Dự thảo hay không khi với chức năng, nhiệm vụ quy định như Dự thảo thì cơ cấu, tổ chức bộ máy như hiện nay đang thực hiện có hiệu quả.

Hơn nữa, theo Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể, “việc bầu cử đại biểu Quốc hội cũng như đại biểu HĐND các cấp không phải là hoạt động thường xuyên mà chỉ tiến hành 5 năm một lần và chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu thành lập một cơ quan mới để tiến hành những hoạt động diễn ra không thường xuyên như vậy sẽ lãng phí cả về nguồn lực con người và vật chất”.

Cần một Hội đồng Tư pháp quốc gia

Các thành viên BCĐ cho rằng, các quy định trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cơ bản thể hiện được yêu cầu CCTP, khẳng định Tòa án nhân dân là cơ quan thực hiện quyền tư pháp; bổ sung nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa, chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm.

Bà Lê Thị Thu Ba đề nghị nêu rõ nguyên tắc “trong khi xét xử, hội thẩm nhân dân ngang quyền với thẩm phán” vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để đảm bảo việc tham gia thực chất của nhân dân vào hoạt động xét xử của Tòa án vì hội thẩm nhân dân chính là đại diện của nhân dân trong hoạt động tố tụng (tại phiên tòa).

Trong khi đó LS.Lê Thúc Anh (Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) kiến nghị bổ sung qui định, “mọi phán quyết của tòa án phải dựa trên cơ sở tranh tụng của luật sư” và một số qui định nhằm xác định rõ vị thế của luật sư trong hoạt động tố tụng…

Các thành viên BCĐ đề nghị bổ sung vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chế định Hội đồng tư pháp quốc gia do Chủ tịch nước hoặc Chánh án TANDTC làm Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng có chức năng lo “cơm áo gạo tiền”, bảo đảm các điều kiện cho TAND hoạt động độc lập, không chịu sự tác động bên ngoài, cũng như “tháo gỡ được điểm vướng hiện nay của mô hình tòa án cấp trên quản lý hành chính tòa án cấp dưới, tạo thành hệ thống khép kín, không thể đòi hỏi tính độc lập của tòa án” như ý kiến của ông Hoàng Thế Liên (Thứ trưởng Bộ Tư pháp).

Còn theo ông Nguyễn Đình Quyền (Phó Trưởng BCĐ CCTP), “Hội đồng tư pháp quốc gia chỉ nên đưa thành một qui định “mở” trong chương về tòa án và viện kiểm sát để “chờ” thực tiễn, chứ chưa đưa thành một chế định độc lập trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”.

Cũng có ý kiến đề nghị Hội đồng tư pháp quốc gia cũng phải quản lý cả kiểm sát viên vì viện kiểm sát có thực hiện một số hoạt động tư pháp. Qua đó tăng cường tính độc lập của các chức danh tư pháp để họ độc lập thực hiện và chịu trách nhiệm về hành vi của mình…

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang:

- Qua thảo luận cho thấy, cơ bản các thành viên của BCĐ và đại diện một số cơ quan đều thống nhất và đánh giá cao nhiều nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Quốc hội công bố để lấy ý kiến nhân dân. Các thành viên BCĐ đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, có trách nhiệm vào dự thảo báo cáo ý kiến của BCĐ CCTP về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, với mong muốn góp phần hoàn thiện hơn nữa bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ban thường trực phải tiếp thu ý kiến các thành viên BCĐ, hoàn thiện báo cáo của BCĐ trình Bộ Chính trị. Đối những ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung những nội dung trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Ban thường trực khi hoàn thiện báo cáo cần có lập luận cụ thể, thấu đáo, tạo điều kiện để Ban soạn thảo Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tiếp thu đầy đủ, chính xác.

Hương Giang