Bánh,kẹo không nhãn mác, nguồn gốc mập mờ
Thời gian này, tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần người dân đua nhau tới các chợ truyền thống để mua sắm Tết. Một mặt hàng không thể thiếu trong mỗi giỏ hàng của các bà nội trợ chính là bánh kẹo.
Nhóm phóng viên có mặt ở chợ Đồng Xuân vào 8h sáng ngày thứ 7. Tại đây, bày bán hầu hết các mặt hàng, từ thực phẩm, bánh, kẹo, vải, lụa, quần áo…Nhưng có lẽ những ngày này đông khách hàng nhất, tấp nập nhất vẫn là những hàng bánh kẹo ngày Tết.
Ở đây, các vị khách sẽ dễ dàng nhận thấy hàng loạt các sản phẩm bánh kẹo không nhãn mác, nhãn mác mập mờ hay nói cách khác là không rõ nguồn gốc vẫn được người mua, kẻ bán ra vào tấp nập. Bánh kẹo được bày bán là liệt, với nhiều chủng loại, màu sắc bắt mắt. Hàng hóa chủ yếu bán theo cân không nhãn mác.
Theo lời một chủ thương ở đây chào hàng thì bánh kẹo đều là hàng đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng do nhập số lượng lớn nên không đóng gói nhỏ mà cho vào những bao lớn.
Mỗi cửa hàng một giá, mỗi cửa hàng lại một cách chào mời khách hàng. Kẹo cân được bán lẻ với giá 50- 60 nghìn đồng/kg, kẹo hương vị hoa quả được rao bán với giá 35-50 nghìn/kg. Nếu mua sỉ thì giá sẽ “mềm”hơn.
Cách đó không xa phóng viên được mục sở thị Phố Hàng Buồm, một trong những phố chuyên bán bánh, kẹo ngày Tết. Không khác gì chợ Đồng Xuân, tại Phố Hàng Buồm trong những ngày này cũng tấp nập như ngày hội. Khắp nơi đều là bánh kẹo với nhiều chủng loại, màu sắc, nhãn mác.
Đặc biệt hơn, tại đây có bày bán rất nhiều hoa quả sấy khô đầy đủ hương vị không nhãn mác, nguồn gốc mập mờ. Cầm túi nho sấy trên tay, chúng tôi không thể nào yên tâm được về chất lượng cũng như vệ sinh của mặt hàng này. Trên nhãn mác của túi nho khô có ghi nho nhập ngoại, tuy vậy lại không ghi rõ hạn sử dụng cũng như nguồn gốc và mã vạch. Khi thấy chúng tôi cầm điện thoại có ý định chụp ảnh chủ cửa hàng đã tỏ ngay thái độ không “ưa”.
Ngoài những bánh kẹo trôi nổi, không nhãn mác, không rõ nguồn gốc thì vẫn có những bánh kẹo có đầy đủ nhãn mác và nguồn gốc được bày bán ở khu chợ này. Nhưng với giá thành chênh lệch nhau quá lớn khiến hầu như người dân vẫn chọn cho mình những thứ bánh kẹo "mịt mờ" như vậy, cho dù biết nó đang uy hiếp trực tiếp tới sức khỏe của chính bản thân và gia đình.
Tấp nập người mua, kẻ bán
Khi được hỏi rằng chị có biết sản phẩm này có nguồn gốc ở đâu không? Chị Hoa người đi sắm tết thẳng thắn trả lời: "Cũng chẳng rõ, họ bảo sao thì biết vậy, thấy giá cả hợp lí mà hương vị cũng thơm ngon thì tôi mua. Chứ giờ hàng nội, hàng ngoại cũng chẳng biết đâu mà lần. Thói quen thấy đông người mua là tôi vào mua, họ dùng được, tôi cũng dùng được.”
|
Một thực tế cho thấy người tiêu dùng vẫn còn tư duy "hội chứng đám đông". (Ảnh: Đỗ Linh) |
Đó cũng không phải là suy nghĩ của riêng chị Hoa, chị Thơm ở Hàng Gai cũng chia sẻ: “Cũng thấy lo sợ, nhưng có phải một mình tôi mua đâu, mọi người vẫn mua đó thôi, họ cũng có sao đâu. Chứ giờ ra siêu thị thì toàn bánh kẹo cao cấp mà cũng chẳng biết chất lượng thế nào, tôi ăn thấy cũng chẳng khác nhau là mấy mà giá thì chênh lệch.”
Một thực tế đang hiện hữu chính là hai chữ “ham rẻ” của người dân và một tư duy chưa bao giờ thay đổi được của người Việt “hội chứng đám đông”, cứ thấy đông là ngon, là vào mua. Và đó có là là căn nguyên cơ bản mà chúng ta chưa thể nói không với bánh kẹo không nhãn mác, nguồn gốc.
Một phần cũng vì giá cả chênh lệch giữa những bánh kẹo nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc rõ ràng đang được bày bán trên các kệ siêu thị chênh lệch khá lớn so với những sản phẩm màu sắc bắt mắt, hương vị thơm ngon không nhãn mắc, nguồn gốc đang trôi nổi trên thị trường.
Cho dù biết chính họ đang bị những thứ bánh kẹo không rõ nguồn gốc đó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe. Nhưng cái tư duy “ham rẻ” và “hội chứng đám đông” vẫn hiện hữu thì rất khó có thể loại trừ những sản phẩm bánh kẹo như vậy.
Cần hơn nữa sự vào cuộc của các cơ quan chức năng nói chung và Chi cục quản lí thị trường Hà nội vào cuộc để bảo vệ người tiêu dùng và cũng là bảo vệ chính người thân của chúng ta.