Báo chí có quyền được tác nghiệp đúng luật

(PLO) - Liên quan đến quy định tại dự thảo Thông tư về Nội quy phiên tòa do TANDTC đang soạn thảo, trong loạt bài trước, PLVN đã phản ánh khá chi tiết những quy định bất hợp lý cũng như ý kiến phân tích của các chuyên gia, các luật sư.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Để có cái nhìn nhiều chiều về vấn đề này, chúng tôi tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc tiếng nói của những “lão thành” trong làng báo Việt Nam.

* Ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: Tòa án có trách nhiệm cung cấp đủ thông tin để báo chí thực thi nhiệm vụ Hiến pháp năm 2013 quy định Nhà nước đảm bảo nhu cầu thông tin của nhân dân. 
Điều 25 của Hiến pháp nêu rõ: Công dân có 
quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin… Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định. Điều 2 của Luật Báo chí viết: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình… Không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động.” 
Còn Nghị định 51/2002 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Báo chí nói rõ thêm: nhà báo “được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quy phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, được dành chỗ ngồi riêng, được liên lạc trực tiếp với các thẩm phán, luật sư để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật”. Rõ ràng, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho báo chí hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật. 
Theo tôi, xây dựng nội quy phiên tòa là cần thiết, nhưng báo chí cũng có quy định nội bộ của mình, đặc biệt là Quy định về đạo đức nghề nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến việc gương mẫu chấp hành pháp luật, làm tròn nghĩa vụ công dân, làm tốt trách nhiệm xã hội. Báo chí được giao sứ mệnh là theo dõi, thông tin về vụ án; Tòa án có trách nhiệm cung cấp đủ thông tin để báo chí thực thi nhiệm vụ, vì báo chí của chúng ta là công cụ của Đảng và Nhà nước. 
Một số ý kiến cho rằng dự thảo Thông tư của TANDTC “hạn chế” quyền tác nghiệp của nhà báo, phóng viên, là đi ngược lại tinh thần cải cách Tư pháp và không phù hợp với các quy định hiện hành về hoạt động báo chí. Hội Nhà báo cũng bày tỏ quan điểm về dự thảo này đã được phản ánh trên báo chí. Tôi nghĩ TANDTC cũng đã nhận được thông điệp về việc cần tạo điều kiện cho nhà báo thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, bảo đảm quyền hành nghề hợp pháp. 
* Nhà báo Trần Đức Chính, nguyên Tổng biên tập Báo Nhà báo và Công luận: “Có báo chí “vào cuộc” sẽ hạn chế được án oan sai”.
T
heo ông Trần Đức Chính, các nhà báo, phóng viên không phải khách đến dự phiên tòa mà là đang tác nghiệp. Có nghĩa, về mặt quan hệ hành chính thì họ ngang hàng với cán bộ Tư pháp- anh thì xét xử, còn tôi làm nhiệm vụ thông tin theo quy định của Luật Báo chí. 
“Theo chương trình làm việc của Quốc hội, sang năm chúng ta sẽ có Luật Báo Chí sửa đổi và Luật Tiếp cận thông tin. Luật này sẽ quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan trong việc cung cấp thông tin cho báo chí. Như vậy, xu hướng sắp tới là cánh cửa cho các nhà báo, phóng viên vào tham dự phiên tòa sẽ ngày càng mở rộng. 
Trong các hội nghị, các văn kiện gần đây, nhất là hội nghị tổng kết tuyên giáo báo chí hàng năm thì Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo cũng như Bộ Thông tin Truyền thông đều đánh giá cao vai trò đặc biệt, có tính phát hiện và định hướng thông tin của báo chí. Bởi hầu như báo chí đều đi trước trong việc phát hiện những tiêu cực, tham nhũng hoặc những hành vi vi phạm pháp luật”- nguyên Tổng biên tập Báo Nhà báo và Công luận khẳng định.
Nhấn mạnh đến vai trò của báo chí khi tác nghiệp tại phiên tòa, ông Chính lấy dẫn chứng: đa phần các bản án tòa án tuyên là đúng, nhưng bên cạnh đó cũng có những bản án phải xét xử lại. Nếu như có vai trò của báo chí thì sẽ hạn chế được rất nhiều những vụ án oan sai xảy ra, như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang chẳng hạn. Nhân dân có quyền được biết phiên tòa diễn ra có khách quan không, có đúng pháp luật không và người truyền tải thông tin này đến nhân dân chính là đội ngũ những người làm báo.
“Chúng ta có thể thông cảm với cơ sở vật chất của tòa án còn hạn hẹp nhưng không vì thế mà hạn chế quyền tiếp cận thông tin, quyền tác nghiệp của báo chí. Những hạn chế này thì TAND hoặc Chính phủ phải tìm cách khắc phục. 
Càng không nên nghĩ rằng hạn chế nhà báo là để hạn chế những thông tin trái chiều, không chính xác. Nói như vậy là anh đang xúc phạm đến cả hệ thống báo giới Việt Nam. Nước ta là nước duy nhất không có báo chí tư nhân, bởi vậy không thể có tư duy nhà báo là thế nọ hay thế kia”- Nhà báo Trần Đức Chính phân tích.
Để bảo vệ quyền tác nghiệp hợp pháp cho đội ngũ người làm báo, theo ông Chính, giữa TANDTC và Hội Nhà báo Việt Nam hoặc Bộ Thông tin Truyền thông cần ngồi lại với nhau để cùng thảo luận, dành quyền tác nghiệp đúng pháp luật cho báo giới. 
“Theo tôi, cần ưu tiên để nhà báo tham gia phiên tòa. Còn việc được công bố hay chưa được công bố những thông tin gì bản thân các nhà báo, phóng viên phải biết và chịu trách nhiệm với thông tin của mình, Tòa án không nên lo lắng quá về vấn đề này mà đề ra quy định vi phạm Luật Báo chí. Bởi khi hạn chế quyền tác nghiệp của báo chí là hạn chế quyền được thông tin của nhân dân, điều này hoàn toàn không đúng đường lối của Đảng và Nhà nước ta” - Ông Chính chia sẻ./.

Đọc thêm