Trên cơ sở này, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật TCTT do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo đã dự kiến một số biện pháp bảo đảm nhưng theo một số ý kiến thì vẫn cần tiếp tục hoàn thiện.
Khoản 6 Điều 3 Luật TCTT quy định: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để NKT, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền TCTT”.
Còn theo khoản 3 Điều 18 của Luật thì: “Đối với đối tượng là NKT, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, ngoài các hình thức quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan nhà nước xác định hình thức công khai thông tin phù hợp với khả năng, điều kiện TCTT của công dân”.
Ngoài ra, điểm b khoản 1 Điều 35 Luật TCTT cũng nêu rõ: “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác bảo đảm thực hiện quyền TCTT của công dân và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: ...b) Quy định biện pháp tạo điều kiện thuận lợi để NKT, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền TCTT”.
Để cụ thể hóa các quy định trên, Dự thảo Nghị định dự kiến quy định trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, trách nhiệm của cán bộ cung cấp thông tin.
Theo đó, Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm chỉ đạo cung cấp thông tin thông qua các ấn phẩm báo, tạp chí vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; chỉ đạo cung cấp thông tin thông qua các đài truyền thanh xã, đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện và trạm phát lại phát thanh, truyền hình và đảm bảo chất lượng tín hiệu sóng phát thanh, truyền hình tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin phải bố trí các thiết bị thu tín hiệu, thiết bị nghe – xem và thiết bị phụ trợ cho các điểm sinh hoạt dân cư cộng đồng của các thôn, bản xa trung tâm xã thuộc địa bàn khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo và các đồn, trạm biên phòng; phải xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin đáp ứng các tiêu chuẩn hỗ trợ NKT tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông theo quy định của pháp luật.
Cơ quan cung cấp thông tin cho người yêu cầu phù hợp với hình thức cung cấp thông tin mà người yêu cầu đề nghị; bố trí thiết bị nghe – xem và thiết bị phụ trợ phù hợp với khả năng, điều kiện TCTT của cơ quan. Trường hợp không thể cung cấp thông tin theo hình thức mà người yêu cầu đề nghị, cơ quan có thể thu xếp để người yêu cầu đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp các tài liệu hoặc cung cấp cho người yêu cầu một bản sao tài liệu, hoặc thông qua các phương tiện thích hợp khác.
Trường hợp người yêu cầu cung cấp thông tin gặp khó khăn trong việc viết phiếu yêu cầu thì có thể yêu cầu bằng miệng, cán bộ cung cấp thông tin tiếp nhận yêu cầu sẽ giúp điền phiếu yêu cầu để người yêu cầu ký tên/điểm chỉ hoặc xác nhận. Trường hợp người yêu cầu gặp khó khăn trong việc mô tả tên văn bản, số hiệu hoặc các đặc điểm khác về thông tin yêu cầu thì các cơ quan cung cấp thông tin có trách nhiệm giúp đỡ, hướng dẫn người yêu cầu cung cấp thông tin.
Một số ý kiến đề nghị, khi quy định chi tiết các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng thực hiện quyền TCTT cần lưu ý để tránh trùng lặp với các quy định khác có liên quan. Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) Hoàng Thị Hường băn khoăn liệu các biện pháp bảo đảm này có mang tính lý thuyết và khả thi trong thực tiễn không.
Vì vậy, nên chăng thiết kế linh hoạt theo hướng chỉ quy định trách nhiệm tạo điều kiện cho họ TCTT căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị. Tương tự, không quy định cứng nhắc việc cung cấp thông tin qua các ấn phẩm báo, tạp chí vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Đồng tình, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Lê Thu Anh cũng phân tích, theo Luật Người khuyết tật có tới 6 dạng tật thì nếu để tạo điều kiện hỗ trợ NKT tiếp cận sẽ phải xây dựng 6 loại cơ sở dữ liệu thông tin. Quy định như vậy nên hết sức cân nhắc trong bối cảnh hiện nay.
Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) Lê Văn Duyên nêu ví dụ, NKT khiếm thị hay người dân tộc thiểu số không biết tiếng Kinh... thì TCTT như thế nào nên rất cần quy định biện pháp đặc thù cho họ trong Nghị định này.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu lại yêu cầu, cần nghiên cứu các biện pháp bảo đảm sao cho không nhất thiết phải quy định quá chi tiết nhằm bảo đảm tính khả thi và tránh tạo áp lực cho các cơ quan nhà nước.